Quân đội Slovakia đang xem xét khả năng mua chiến xa mới, nhưng cho đến năm 2030, nước này sẽ phải hài lòng với 30 xe tăng T-72 và 15 chiếc Leopard 2A4. Gần đây họ đã đưa ra đánh giá về hai dòng MBT nói trên.
Theo tờ Future Army (FA) của Slovakia, nếu xét về thông số kỹ chiến thuật thì không có sự khác biệt đáng kể giữa hai dòng xe tăng. Mặc dù Leopard 2A4 nặng hơn nhưng nó lại được trang bị động cơ mạnh hơn đáng kể, cung cấp tốc độ và khả năng cơ động nhỉnh hơn.
Xe tăng T-72 trang bị pháo nòng trơn 125 mm trong khi Leopard 2A4 sử dụng pháo 120 mm nhưng ở đây sự khác biệt là rất ít, chiến xa do Đức chế tạo bù đắp đường kính nòng nhỏ hơn bằng hệ thống điều khiển hỏa lực vượt trội.
"Sự khác biệt cơ bản giữa hai loại xe tăng này là phương pháp nạp đạn - tự động và thủ công, yếu tố trên giúp phân tích ưu nhược điểm rõ nhất", ấn phẩm Future Army nhận xét.
T-72 không thể cung cấp không gian rộng rãi cho kíp chiến đấu, thân của nó ngắn hơn 70 cm so với Leopard 2A4. Do nhẹ hơn 8 tấn, MBT Liên Xô có thể hoạt động với động cơ yếu hơn nhưng tốc độ chỉ thấp hơn một chút so với xe tăng Đức.
"Nhưng lợi thế chỉ có vậy, trường phái xe tăng Liên Xô chủ yếu nghĩ đến việc sản xuất hàng loạt, sự thoải mái của kíp chiến đấu luôn không được ưu tiên và phải nằm ở cuối danh sách".
"Chính vì vậy trong không gian chật hẹp của xe tăng T-72, cái nóng thường không thể chịu nổi, nhất là vào những tháng hè", một quân nhân Slovakia có kinh nghiệm với T-72 đưa ra nhận xét.
Việc để băng tải đạn ngay dưới tháp pháo là một trong những nhược điểm lớn nhất của T-72: "Đạn của những chiếc xe tăng này rất dễ bị kích nổ trong tháp pháo, sau đó toàn bộ tháp pháo bay đi. Kíp lái không có cơ hội sống sót trong một kịch bản thảm khốc như vậy".
Các nhà thiết kế người Đức đi theo con đường hoàn toàn khác khi khoang dự trữ đạn được đặt trong hộc phía sau tháp pháo, ngăn cách với khoang chiến đấu bằng một tấm thép, sẽ mở ra khi nạp đạn.
Ngoài ra các tấm thép trên trần tháp pháo được chuẩn bị từ trước để khi đạn nổ sẽ bay hướng ra ngoài. Do vậy năng lượng hủy diệt được giải phóng lên trên chứ không phải thẳng vào khoang chiến đấu.
Theo quân nhân Slovakia, việc có thành viên thứ 4 trên xe tăng Leopard 2A4 mang lại một số lợi thế, điển hình như giúp kíp xe thực hiện công việc bảo trì cơ bản và sửa chữa đơn giản hơn nhiều bởi có thêm nhân lực.
"Công việc này không hề dễ dàng và trong trường hợp xe tăng T-72, rõ ràng một đôi tay bị thiếu mang lại không ít bất lợi", quân nhân người Slovakia nhấn mạnh.
Theo thông lệ, người lính nạp đạn trên xe tăng Leopard 2 không chỉ có nhiệm vụ nói trên mà được đào tạo nâng cao để nếu cần thiết, có thể thay thế bất kỳ thành viên nào của kíp chiến đấu.
Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của trưởng xe bằng cách giao cho người nạp đạn đảm nhận một số nhiệm vụ khác, chẳng hạn như cung cấp thông tin liên lạc và còn điều khiển khẩu súng máy trên nóc tháp pháo.
"Các trận chiến xe tăng ở Ukraine chỉ xảy ra trong những trường hợp đặc biệt và không có bằng chứng nào cho thấy Leopard 2A4 đã gặp T-72. Tuy nhiên hệ thống nạp đạn tự động không mang lại lợi thế cơ bản ngay cả trong trường hợp này", quân nhân Slovakia tin tưởng.
Dựa trên kết quả thực nghiệm, người lính nạp đạn của xe tăng Leopard 2 được đào tạo bài bản có thể thực hiện thao tác trong thời gian chưa đầy 4 giây, điều này quá đủ để làm mất đi hoàn toàn lợi thế của hệ thống nạp tự động trên T-72.