Belarus có thể cung cấp pháo phản lực phóng loạt (MLRS) Polonez cho Quân đội Nga, nhưng việc này cần sự cho phép từ phía Trung Quốc, tờ South China Morning Post (SCMP) đã viết về điều này.
Quân đội Belarus được trang bị các tổ hợp pháo phản lực Polonez cực kỳ lợi hại, theo một số nguồn tin, có khả năng bắn trúng mục tiêu ở cự ly lên tới 300 km nhờ tên lửa dẫn đường công nghệ cao.
Một loại vũ khí như vậy theo nhận xét sẽ rất hữu ích đối với Quân đội Nga trên chiến trường để tấn công sâu vào hệ thống phòng thủ của Lực lượng Vũ trang Ukraine, nhưng Minsk không thể chuyển giao chúng cho Moskva.
Vấn đề nằm ở chỗ Polonez MLRS sử dụng tên lửa do Trung Quốc sản xuất, điều đó có nghĩa là việc chuyển giao phải có sự cho phép từ Bắc Kinh. Nhưng Trung Quốc sẽ không nhượng bộ vì họ không muốn hủy hoại hoàn toàn mối quan hệ với phương Tây.
"Vì Polonez sử dụng tên lửa do Trung Quốc sản xuất nên khả năng chuyển giao tổ hợp vũ khí trên từ Belarus sang Nga sẽ cần có sự đồng ý của chính quyền Bắc Kinh", ấn phẩm SCMP nhấn mạnh.
Điều đáng chú ý tiếp theo là chủ đề về khả năng chuyển giao tổ hợp Polonez MLRS cho Nga đã hơn một lần được nêu ra, đặc biệt là sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tiếp theo, mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở mức độ tin đồn, mặc dù người Mỹ đã đưa ra kết luận vào năm 2022 rằng việc Belarus cung cấp Polonez cho Quân đội Nga có thể mang lại những lợi ích hữu hình.
Giới chuyên gia quân sự quốc tế nhắc lại rằng phiên bản cơ bản của tổ hợp Polonez MLRS đã được đưa vào phục vụ trong Quân đội Belarus từ năm 2016 và tới năm 2023, phiên bản hiện đại hóa của Polonaise-M đã được đưa vào thành phần tác chiến.
Nhờ tên lửa mới, tầm bắn của hệ thống đã tăng lên 300 km, tức là tương đương tên lửa đạn đạo chiến thuật và vượt trội mọi hệ thống pháo phản lực dẫn đường của cả Nga cũng như Mỹ và Ukraine hiện nay.
Bên cạnh việc đề phòng quan hệ ngoại giao với Mỹ và phương Tây sứt mẻ, Trung Quốc còn phải lo ngại vũ khí của mình rơi vào tay một "bên thứ ba", có nghĩa là "để bí mật quốc phòng lọt vào tay kẻ thù”.
Bắc Kinh cần đặc biệt lưu ý trường hợp Ethiopia, khi quốc gia châu Phi này mua được một số lượng nhất định tổ hợp tên lửa phóng loạt tương tự Polonez, nhưng dưới tên gọi AR-2.
Khi cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ và Lực lượng Giải phóng Tigray nổ ra tại quốc gia châu Phi này vào năm 2020, tất cả các tổ hợp AR-2 của Ethiopia đều rơi vào tay Tigray.
Quân nổi dậy ngay lập tức tận dụng chiến lợi phẩm, vào tháng 12/ 2020, họ đã bắn tên lửa đạn đạo M20 cùng với tên lửa dẫn đường A200 vào căn cứ không quân Addis Ababa.
Trong trường hợp đạn tên lửa cho tổ hợp Polonez rơi vào tay binh sĩ Ukraine, chắc chắn chúng sẽ được bàn giao cho các đồng minh NATO của họ, từ đó nhiều công nghệ quân sự mật của Trung Quốc sẽ bị lộ diện, dự báo gây ra thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.