Tập đoàn công nghiệp quốc phòng khổng lồ Lockheed Martin của Mỹ đã đề nghị cung cấp cho Ấn Độ các tổ hợp PAC-3 MSE và THAAD nhằm tạo ra hệ thống chống tên lửa cực mạnh và rất tin cậy.
Ông William Blair - Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Lockheed Martin đang định hình cách tiếp cận chiến lược của họ nhằm đáp ứng các yêu cầu phức tạp về phòng thủ tên lửa của Không quân Ấn Độ.
Lãnh đạo doanh nghiệp giải thích, PAC-3 MSE sẽ hoạt động như một lớp thấp, bên dưới hệ thống THAAD. Cấu trúc phòng thủ nhiều tầng được thiết kế để cung cấp mức độ bảo vệ mạnh mẽ, chống lại nhiều mối đe dọa trên không, từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn đến tầm cao.
Hệ thống PAC-3 MSE sẽ đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình và máy bay, trong khi tổ hợp THAAD tập trung vào việc tiêu diệt các mối đe dọa ở tầm cao hơn.
Khi thảo luận về khả năng Ấn Độ mua các tổ hợp PAC-3 MSE và THAAD từ Lockheed Martin, Washington đã khuyến nghị New Delhi cân nhắc sự kết hợp giữa lợi ích chiến lược và thực tế.
Điển hình như Phó Đô đốc Jon Hill - Giám đốc Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp hai hệ thống PAC-3 MSE với THAAD để có năng lực phòng thủ toàn diện.
Đô đốc Hill ca ngợi thành công trong các cuộc thử nghiệm đánh chặn, nhấn mạnh khả năng giải quyết nhiều mối đe dọa phức tạp đã xuất hiện và đang phát triển bằng những phản ứng linh hoạt, nhiều lớp.
Điều này cũng phản ánh mục tiêu rộng hơn của Mỹ đó là tăng cường quan hệ quốc phòng với đất nước Nam Á này, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị khu vực gia tăng mạnh mẽ.
Tuy nhiên các nhà hoạch định quốc phòng Ấn Độ đang phải cân nhắc kỹ, khi họ nhận ra lợi ích của các hệ thống vũ khí Mỹ như PAC-3 MSE và THAAD, nhưng cũng lưu tâm đến sự cần thiết phải cân bằng giữa mua sắm trong nước và quốc tế.
Ấn Độ đã đầu tư mạnh vào hệ thống S-400 của Nga và đang thúc đẩy một số dự án nội địa như Khusha. Những thách thức trong việc tích hợp các vũ khí nói trên vào mạng lưới duy nhất là không dễ dàng từ những khác biệt rõ rệt về thiết kế, mục đích cũng như yếu tố địa chính trị.
Điển hình như Dự án Khusha nội địa hướng tới chiến lược phòng thủ nhiều lớp gợi nhớ đến khả năng kết hợp giữa PAC-3 MSE cho các cuộc giao tranh tầm ngắn, cũng như THAAD cho tác chiến đánh chặn tầm xa, tầm cao.
Tổ hợp vũ khí trên của Ấn Độ được thiết kế nhằm bao phủ mọi mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chiến thuật đến máy bay và tên lửa hành trình. Việc kết hợp thêm các hệ thống vũ khí của Mỹ có thể dẫn đến dư thừa và kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, hệ thống S-400 của Nga cũng mang lại các khả năng tương tự THAAD, nó còn đánh chặn được máy bay một cách tốt hơn, vì vậy có khả năng khiến việc mua thêm vũ khí trở nên không cần thiết.
Việc đưa các hệ thống của Mỹ vào thành phần chiến đấu nguy cơ làm phức tạp thêm mối quan hệ quốc phòng của Ấn Độ, đặc biệt là với Nga. Việc điều hướng các liên minh dễ dẫn tới xung đột, xét đến bối cảnh địa chính trị hiện tại.
Dự án Khusha cũng báo hiệu cam kết của Ấn Độ trong việc phát triển ngành công nghiệp quốc nội địa. Việc phụ thuộc nhiều vào hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ sẽ gây phản tác dụng với mục tiêu này, làm tăng sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài thay vì thúc đẩy sự tự lực.
Với thực tế trên, chưa chắc Ấn Độ đã lựa chọn THAAD và PAC-3 MSE của Mỹ, trừ khi S-400 tiếp tục có màn thể hiện thất vọng trên chiến trường Ukraine, hay Dự án Khusha của họ tiếp tục chậm trễ.