Theo các nguồn tin của Nga, Peru sẽ mua 24 máy bay chiến đấu mới để tiến hành thay thế phi đội 16 chiếc MiG-29 lỗi thời được mua lại từ Belarus vào năm 1996.
Những ứng cử viên cho đợt nâng cấp đáng kể này bao gồm Lockheed Martin F-16V Block 70, SAAB JAS 39 Gripen và Dassault Rafale F4.
Quay trở lại năm 1996, Peru đã mua 16 chiếc MiG-29 cũ từ Belarus với giá khoảng 250 triệu đô la.
Những chiếc máy bay phản lực được chế tạo vào giữa những năm 1980, là một phần trong kho vũ khí thời Liên Xô mà Belarus thừa hưởng sau khi Liên Xô tan rã.
Việc mua lại này đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng không quân của Peru lúc đó, ngoài MiG-29 họ còn mua cả chiến đấu cơ Su-25.
Mặc dù những chiếc MiG-29 này được coi là tiên tiến vào thời điểm đó, nhưng chúng có những hạn chế, đặc biệt là về tầm bay và hệ thống điện tử hàng không so với các máy bay chiến đấu phương Tây.
MiG-29 của Belarus thừa hưởng chủ yếu là biến thể 9.13 [Fulcrum-C], có khả năng chứa nhiên liệu mở rộng và radar N019. Điều này giúp tăng cường khả năng chiến đấu không đối không nhưng lại hạn chế chức năng không đối đất.
Được trang bị tên lửa R-27 và R-73, những máy bay phản lực MiG-29 này nổi tiếng với khả năng cơ động đặc biệt trong không chiến nhờ động cơ Klimov RD-33.
Tuy nhiên, theo thời gian, không quân Peru phải đối mặt với những thách thức về bảo dưỡng, đặc biệt là trong việc đảm bảo phụ tùng thay thế.
Peru đã khởi xướng một chương trình hiện đại hóa cho MiG-29 của mình, nâng cấp chúng lên tiêu chuẩn MiG-29 SMP.
Những nâng cấp này bao gồm radar Zhuk-ME mới, hệ thống điện tử hàng không được cải tiến và tích hợp vũ khí không đối không và không đối đất hiện đại.
Tuy nhiên việc nâng cấp lên chuẩn MiG-29SMP của Peru gặp trở ngại do lệnh trừng phạt phương Tây đang áp đặt lên Nga.
Điều này bao gồm các hạn chế trong việc mua phụ tùng thay thế, công nghệ tiên tiến và quản lý các giao dịch tài chính.
Do đó, khi Peru hợp tác với Nga để hiện đại hóa phi đội MiG-29 đã gặp phải những thách thức đáng kể liên quan đến hậu cần, thanh toán và hỗ trợ kỹ thuật.
Nếu Peru không thể nâng cấp phi đội lên chuẩn MiG-29SMP, việc bán những chiếc máy bay cũ này để tăng cường ngân sách cho việc hiện đại hóa không quân được tính tới.
Ở Mỹ Latinh, các quốc gia như Venezuela, Cuba hoặc Nicaragua - các quốc gia duy trì quan hệ quốc phòng với Nga - có thể thể hiện sự quan tâm tới việc mua lại chiến đấu cơ này.
Ngoài ra, các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi có kinh nghiệm vận hành máy bay của Nga hoặc Liên Xô, như Algeria, Ai Cập hoặc Syria, có thể là những nước mua khả thi.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế suy thoái ở các khu vực này có thể làm phức tạp bất kỳ thỏa thuận tiềm năng để mua bán những chiến đấu cơ MiG-29 này.
Các quốc gia Đông Âu hoặc Trung Á như Serbia, Kazakhstan hoặc Uzbekistan cũng có thể bày tỏ sự quan tâm.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia trong số này đã nâng cấp đội bay của họ hoặc nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ Nga, hạn chế nhu cầu về máy bay cũ để lấy phụ tùng.
Bất chấp những trở ngại này, việc bán những chiếc MiG-29 cũ này vẫn có thể khả thi ở các khu vực quen thuộc đang sử dụng dòng tiêm kích hạng nhẹ này từ Liên Xô hoặc Nga.