Lô máy bay tàng hình Su-57 và Su-35S mới nhận lần này đã vượt qua quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt tại nhà máy trước khi bàn giao cho không quân Nga.
"Tập đoàn đã bàn giao cho lực lượng hàng không vũ trụ Nga lô máy bay Su-57 và Su-35S mới đã được chứng nhận kỹ thuật, hoàn thành toàn bộ chu trình thử nghiệm", bộ phận truyền thông của UAC cho biết.
Sau khi vượt qua thành công các đợt đánh giá này, máy bay chiến đấu Su-57 và Su-35S đã được chuyển đến căn cứ được chỉ định.
Đây là đợt chuyển giao lô chiến đấu cơ tàng hình Su-57 đầu tiên trong năm nay cho quân đội, đánh dấu sự bổ sung đáng kể vào đội bay chiến đấu tiên tiến của Nga.
Vladimir Artyakov, Phó Tổng giám đốc thứ nhất của Tập đoàn Nhà nước Rostec cho biết: "Máy bay được chuyển giao cho không quân có đặc tính bay và kỹ thuật vượt trội, các phi công của chúng tôi đón nhận nồng nhiệt chiếc máy bay Su-57 này, hiện công việc sản xuất hàng loạt vẫn đang diễn ra".
Là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa đang diễn ra của UAC, các cơ sở sản xuất những máy bay chiến đấu này cũng đang được nâng cấp.
Công trình xây dựng và lắp đặt gần đây đã hoàn thành tại trạm thử nghiệm bay trong khi việc mở rộng sản xuất hàng loạt Su-57 hiện đang được tiến hành.
Một cơ sở mới chuyên thử nghiệm các hệ thống cho máy bay thế hệ thứ 5 này cũng đang được Nga xây dựng.
Tiêm kích tàng hình Su-57 Nga được phát triển để cạnh tranh với các mẫu tiêm kích thế hệ thứ 5 khác trên thế giới.
Dòng chiến đấu cơ này được kỳ vọng sẽ nâng cao sức mạnh không quân Nga cũng như thu được nguồn lợi lớn khi xuất khẩu.
Nga bắt đầu phát triển dự án PAK-FA vào đầu thập niên 2000 và chuyến bay đầu tiên của T-50 nguyên mẫu của Su-57 được thực hiện tại Komsomolsk-on-Amur vào tháng 1/2010, sau nhiều lần trì hoãn.
Đầu năm 2018, Nga triển khai Su-57 tới thử nghiệm trên chiến trường Syria. Hồi tháng 6/2019, Bộ Quốc phòng Nga quyết định đặt mua 76 tiêm kích Su-57, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Vladimir Putin.
Tuy nhiên sau đó có thông tin rằng Nga đã âm thầm rút bớt số lượng đặt mua xuống mức tối thiểu cho lần sản xuất loạt đầu tiên.
Sukhoi từng lên kế hoạch bàn giao toàn bộ hợp đồng đầu tiên của chiến đấu cơ Su-57 cho không quân Nga trước năm 2028.
Họ cũng dự định biên chế ít nhất thêm 3 chiếc vào phi đội 1 chiếc Su-57 đã biên chế trước đó vào năm 2022, tuy nhiên cuối cùng đã không thực hiện được.
Dù số lượng được biên chế chỉ nhỏ giọt, nhưng giới quan sát tin rằng Nga đã có khoảng 2 chiếc trong lô sản xuất loạt đầu tiên đang trực chiến.
Trong khi đó một phi đội thử nghệm của dòng chiến đấu cơ này đang có khoảng 12 chiếc. Chúng đều là những nguyên mẫu thử nghiệm được chế tạo riêng lẻ. Hiện chưa rõ số lượng máy bay chính xác Su-57 vừa được chuyển giao.
Phần lớn các ý kiến chuyên gia nhận định vấn đề động cơ vẫn là "tử huyệt" của loại chiến đấu cơ Su-57 khiến nó liên tục bị trễ hẹn vào biên chế.
Có nhiều tiêu chí quy chuẩn dành cho tiêm kích thế hệ thứ 5, tuy nhiên tựu chung nhất vẫn là động cơ tốt, radar mảng pha chủ động và khả năng tàng hình.
Nga đã phần nào thành công về radar mảng pha chủ động, tuy nhiên động cơ vẫn là "nút thắt" mà họ đang loay hoay tìm cách giải quyết.
Mặc dù tiêm kích Su-57 đã bước vào sản xuất hàng loạt, nhưng thực tế quá trình chế tạo "Sản phẩm 30" (động cơ Izdeliye 30 dành cho Su-57) vẫn chưa hoàn thiện.
Hiện tại các chiến đấu cơ Su-57 vẫn đang sử dụng bộ đôi động cơ AL-41F1S vốn của chiến đấu cơ thế hệ thứ 4.
Bất chấp lệnh cấm vận từ phương Tây, Nga vẫn đang tăng cường các cuộc thử nghiệm động cơ mới cho Su-57 để chúng sớm đi vào biên chế hàng loạt.
Tổng giám đốc điều hành UAC Yuri Slyusar nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của những máy bay chiến đấu Su-57.
"Số lượng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 trong Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga đang tăng đều đặn mỗi năm. Su-57 hiện là máy bay chiến đấu tiền tuyến tiên tiến nhất ở Nga, đại diện cho đỉnh cao của hàng không quân sự hiện đại", ông Yuri Slyusar kết luận.