Quốc hội Ba Lan đã yêu cầu tiến hành phiên điều trần nhằm làm rõ một vài chi tiết cụ thể liên quan tới hợp đồng mua vũ khí, trang thiết bị quân sự từ Hàn Quốc, trong đó tiêu điểm chính là tiêm kích FA-50.
Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan - ông Cesar Tomczyk đã phải giải trình trước Cơ quan Kiểm soát Tối cao với việc phân tích thỏa thuận nhập khẩu máy bay chiến đấu FA-50, được mua để thay thế các tiêm kích MiG-29 đã chuyển giao cho Ukraine vào năm 2023.
Theo nguồn tin từ trang Defence24, đối với trường hợp tiêm kích FA-50, đây là một vụ bê bối khi Ba Lan phải nhận một máy bay chiến đấu "không vũ trang", cũng như chưa có cơ sở hạ tầng tích hợp nhằm đảm bảo kỹ thuật.
Đáng trách nhất là việc lãnh đạo trước đây của Bộ Quốc phòng Ba Lan khi đặt mua FA-50 từ Hàn Quốc vào tháng 7/2022, đã "bỏ quên" vấn đề cung cấp vũ khí và thiết lập dịch vụ bảo trì cho các máy bay chiến đấu.
Theo các nhà quan sát, nhiều khả năng các quan chức quốc phòng Ba Lan lúc đó nhận thấy cần phải gấp rút mua máy bay mới, và họ nhận định những vấn đề khác có thể được giải quyết sau đó, tuy vậy một vụ bê bối lớn đã xảy ra.
Thực tế cho thấy rất khó thống nhất các điều kiện đi kèm đối với việc bảo dưỡng máy bay sau khi ký hợp đồng. Ban đầu thỏa thuận quy định việc cung cấp 12 chiếc FA-50 và sau đó là 36 chiếc FA-50PL "nội địa hóa", thực tế trên kéo theo nhiều chi phí bổ sung cho Ba Lan.
Điển hình như Warsaw cần thêm khoảng 2 tỷ zloty để xây dựng cơ sở hạ tầng cho những chiếc FA-50 đã tiếp nhận. Chưa kể quá trình chứng nhận đối với khả năng đảm bảo kỹ thuật bị kéo dài đã khiến những chiếc máy bay này phải “nằm đất” trong nhiều tháng.
Ngoài ra vấn đề với vũ khí của FA-50 nghiêm trọng đến mức các quan chức chính phủ và báo chí Ba Lan phàn nàn rằng họ đã quá vội vã khi giao tiêm kích MiG-29 của mình cho Ukraine, dẫn đến khoảng trống lớn khó bù đắp.
Bộ Quốc phòng Ba Lan hiện phải gấp rút tìm kiếm ít nhất là những vũ khí đã qua sử dụng cho FA-50, có thể mua ở một nước thứ ba. Bên cạnh đó, dự kiến vấn đề về vũ khí dành cho phiên bản FA-50 PL lắp ráp tại chỗ sẽ phải được giải quyết trong khuôn khổ đàm phán với Mỹ.
Hiện tại, các quan chức Ba Lan vẫn nhấn mạnh ở đây rằng chiến đấu cơ FA-50 là sự thay thế tốt cho MiG-29, tuy nhiên việc tổ chức mua sắm có vấn đề khiến rắc rối liên quan "tăng mất kiểm soát".
Vũ khí dành cho FA-50 bao gồm tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9 và tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick; ngoài ra bản nâng cấp của chiếc chiến đấu cơ này còn có thể sử dụng cả tên lửa tầm trung AIM-120 AMRAAM.
Trước đó, một vụ bê bối khác cũng nổ ra liên quan đến việc các phi công của Không quân Ba Lan chưa thể tìm ra cách vận hành hiệu quả tiêm kích FA-50 do Hàn Quốc chế tạo.
Mặc dù Warsaw đã quyết định mua hệ thống mô phỏng tiêu chuẩn, nhưng chúng sẽ không được giao trước cuối năm 2024 và thiết bị cải tiến chỉ được giao sau 3 năm nữa. Đáng ngại nhất là Hàn Quốc sẽ không cung cấp bất kỳ công nghệ nào cho Ba Lan.
Các quan chức quân sự Ba Lan đang cảm thấy rất bất lực trong việc vận hành số chiến đấu cơ nói trên, khi họ thậm chí không có chứng chỉ an toàn về đạn phản lực được lắp đặt dưới ghế phóng cứu nạn dành cho phi công.
Sự kiện gây tai tiếng nhất trong lịch sử Không quân Ba Lan hiện đại chính là lời mời vào năm 2023 từ phía Hàn Quốc, để đưa những chiếc FA-50 này tới trình diễn tại một trong những triển lãm hàng không.
Khi đó phi công Hàn Quốc ngồi ở vị trí lái chính, và phía sau họ, trong buồng lái ở vị trí số hai là phi công Ba Lan chỉ để "học hỏi", điều này cho thấy họ chưa thực sự làm chủ máy bay.