Tiêm kích Su-30SM tối tân Nga bị Đặc nhiệm tình báo Ukraine bắn hạ bằng MANPADS?
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
Nam miền Bắc
Nữ miền Bắc
Nữ miền Nam
Nam miền Nam
ANTD.VN - Nguyên nhân dẫn tới việc tiêm kích Su-30SM của Nga rơi trên bầu trời Biển Đen là do bị tên lửa phòng không vác vai bắn, phía Ukraine đưa ra video và kết luận. Tuy nhiên Nga chưa phản hồi về thông tin này.
"Các binh sĩ thuộc đơn vị đặc biệt của Tổng cục Tình báo Ukraine (GUR) đã tiêu diệt tiêm kích đa năng Su-30SM của Nga bằng đòn tấn công từ tên lửa phòng không vác vai (MANPADS)".
Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết điều này trong một thông cáo báo chí kèm theo video minh họa, sự việc xảy ra trong một hoạt động tác chiến đặc biệt ở khu vực biển Biển Đen.
Theo thông báo từ các phương tiện truyền thông Nga, Lực lượng Hàng không Vũ trụ nước này bị mất liên lạc với máy bay chiến đấu của họ vào khoảng 5 giờ sáng ngày 11/9/2024.
Được biết chiếc máy bay chiến đấu Su-30SM nói trên thuộc thành phần tác chiến trung đoàn hàng không độc lập số 43, đóng tại sân bay thành phố Saki trên bán đảo Crimea, đây vốn là căn cứ không quân thuộc hải quân.
Khoảng 3 giờ sau khi tiêm kích Su-30SM bị bắn rơi, Nga đã tiến hành chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ với sự tham gia của máy bay vận tải An-26, cũng như trực thăng Mi-8 và Ka-27, chúng xuất phát từ sân bay thuộc quyền quản lý của Hạm đội Biển Đen ở Kacha.
"Vào buổi trưa ngày 12/9, lực lượng cứu hộ đã báo cáo với bộ chỉ huy về một vết dầu loang đặc trưng từ nhiên liệu hàng không được phát hiện ở vùng biển cách Mũi Tarkhankut 70 km về phía Tây Bắc”.
“Và ngay sau đó họ cũng nhìn thấy những mảnh vỡ của chiếc tiêm kích Su-30SM bị phá hủy, không có dấu hiệu sinh tồn của hai phi công điều khiển chiến đấu cơ", đại diện GUR cho biết.
Điều cần nhấn mạnh nữa là vào trước thời điểm máy bay chiến đấu Nga bị bắn hạ trên Biển Đen, các nhà phân tích của nhóm giám sát chuyên theo dõi hoạt động của hàng không Nga đã thông báo điều này trong một bức điện tín.
Vào đêm 11/9, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái quy mô lớn vào Ukraine. Theo thông tin từ Không quân Ukraine, Moskva đã bắn phá đảo Zmiiny bằng 6 tên lửa chống radar Kh-31P, chúng được phóng từ bầu trời Biển Đen.
Những tên lửa Kh-31P được sử dụng để chống lại các radar như một phần của hệ thống tên lửa phòng không, và cũng có thể nhắm mục tiêu vào nhiều nguồn bức xạ vô tuyến khác.
Bất chấp việc mất nhiều Su-30SM trong cuộc chiến với Ukraine, Nga vẫn tiếp tục sản xuất loại máy bay chiến đấu này tại các doanh nghiệp của mình. Hồi tháng 8, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã tiếp nhận lô tiêm kích đa năng phiên bản Su-30SM2 thế hệ mới.
Su-30SM là máy bay chiến đấu đa năng đã được biên chế trong Quân đội Nga từ đầu những năm 2010 và sử dụng tích cực trong nhiều hoạt động tác chiến khác nhau.
Chiếc tiêm kích được tích hợp nhiều thiết bị điện tử, vũ khí hàng không hiện đại, có khả năng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tác chiến trên không và tấn công đa dạng các mục tiêu mặt đất, trên không, mặt nước.
Hiện tại, Su-30SM đã được trang bị động cơ AL-41F1S dành cho tiêm kích Su-35S và dự kiến sẽ tiến tới lắp đặt cả radar N035 Irbis, tức là các chiến đấu cơ đời cũ cũng sẽ ngang tầm với Su-30SM2 sản xuất mới.