Bộ Tư lệnh chiến dịch đặc biệt Không quân Mỹ đã công bố báo cáo về nguyên nhân vụ tai nạn của một chiếc V-22 Osprey ngoài khơi bờ biển Nhật Bản vào tháng 11/2023, khiến 8 phi hành đoàn thiệt mạng.
Cuộc điều tra về vụ tai nạn cho rằng tai nạn này là do một trong những hộp số của rotor nghiêng bị hỏng nghiêm trọng, đồng thời cũng chỉ ra rằng quyết định của phi công là một yếu tố góp phần đáng kể.
Vụ tai nạn đã khiến tất cả các máy bay V-22 của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, Không quân và Hải quân phải ngừng bay trong hơn ba tháng.
Vụ tai nạn xảy ra vào ngày 29 tháng 11 năm 2023, liên quan đến V-22B số sê-ri 10-0054 "Gundam 22", được giao cho Phi đoàn tác chiến đặc biệt 353 đóng tại Căn cứ không quân Kadena, Nhật Bản.
Chiếc máy bay này khi đang tham gia một cuộc tập trận chung khi phải hủy bỏ nhiệm vụ, sau khi liên lạc kết nối để giải quyết sự cố, lệnh cho phi công "phải hạ cánh càng sớm càng tốt".
Phi hành đoàn sau đó chuyển hướng đến Sân bay Yakushima, cách đó khoảng 96 km. Trong khi đang tiếp cận đường băng cuối cùng và cách mặt đất khoảng 240 mét, thì trực thăng lộn nhào trên không.
Sau đó chiếc trực thăng lao xuống nước, cách bờ biển Đảo Yakushima, Nhật Bản khoảng 800 mét, vào lúc 2h40 chiều giờ địa phương.
Cả tám thành viên phi hành đoàn trên máy bay này đều thiệt mạng khi va chạm, sau đó có bảy thi thể được tìm thấy trong hoạt động tìm kiếm và cứu nạn.
Chủ tịch Ủy ban điều tra tai nạn cho biết tai nạn là do hỏng hóc thảm khốc của hộp số cánh quạt bên trái, tạo ra sự cố lan rộng nhanh chóng của hệ thống truyền động, dẫn đến tình trạng nâng không đối xứng.
Cuộc điều tra cũng chỉ ra rằng, các quyết định của phi công cũng góp phần dẫn đến vụ tai nạn khi không nghe cảnh báo để hạ cánh khẩn cấp một cách nhanh nhất.
Ủy ban điều tra cũng xác định các yếu tố góp phần khác, cụ thể là quản lý rủi ro không đầy đủ và quản lý nguồn lực phi hành đoàn không hiệu quả.
Cảnh báo về trục trặc hộp số đã được hiển thị cho phi công biết khoảng 49 phút trước khi máy bay va chạm với mặt biển.
Được biết trực thăng V-22 Osprey là loại máy bay đặc biệt được Lầu Năm Góc phát triển từ năm 1983.
Loại máy bay này ra đời với mục đích tạo ra chiếc máy bay phản lực có thể hoạt động ở các địa hình nhỏ hẹp, từ trong rừng rậm cho đến các đường băng dã chiến cực ngắn và các tàu sân bay trực thăng nhỏ.
Lầu Năm Góc đã chi tới 56 tỷ USD cho toàn bộ chương trình phát triển, chế tạo chiếc máy bay đặc biệt này.
Với hệ thống động cơ và trang thiết bị phức tạp, cùng quá trình nghiên cứu và phát triển đắt đỏ, mỗi chiếc máy bay này có giá lên đến gần 100 triệu USD.
V-22 Osprey là sự kết hợp hoàn hảo giữa một máy bay trực thăng và máy bay phản lực với tầm hoạt động rộng, tốc độ cao và khả năng vận hành linh hoạt.
Loại máy bay này có tốc độ tối đa 565 km/h, trần bay 7.520 m, tầm hoạt động 1.627 km hoặc 3.590 km với thùng dầu phụ.
Khi cất cánh thẳng đứng xong, máy bay sẽ xoay ngang cánh 90 độ để biến hình thành máy bay cánh bằng. Khi cần thiết chúng lại có thể gập cánh chứa hai động cơ lại ngang thân nhằm tiết kiệm diện tích.
Hệ thống điện tử và các cảm biến hiện đại trên máy bay cho phép cảnh báo các mối đe dọa đang nhắm tới cho phi công, để họ kịp thời có biện pháp đối phó.
V-22 Osprey có trọng lượng cất cánh tối đa lên tới hơn 27 tấn và tải trọng hữu ích lên tới 9 tấn.
Những chiếc V-22 Osprey có thể chở theo 24 binh sĩ với quân trang đầy đủ, và khi cần có thể tăng lên tối đa 32 binh sĩ.
Ngoài ra chúng có thể cẩu cơ động các loại lựu pháo và xe thiết giáp hạng nhẹ lên các trận địa một cách nhanh chóng.
V-22 Osprey được thiết kế để làm nhiệm vụ vận tải nên chúng chỉ được trang bị các súng máy cỡ nòng 12,7 mm và 7,62 mm.
Ngoài Mỹ thì còn có Nhật Bản cũng đang biên chế loại máy bay sở hữu thiết kế siêu dị này.
Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ - lực lượng vận hành Osprey lớn nhất hiện nay, với khoảng 348 chiếc MV-22B trải rộng trên 17 phi đội.