Quân đội Nga được cho là bắt đầu sử dụng tổ hợp tên lửa chống tăng (ATGM) tự hành tầm xa Bulsae-4 tại chiến trường Đông Âu.
Tổ hợp ATGM này bị phương tiện trinh sát trên không của Lực lượng vũ trang Ukraine phát hiện ở khu vực trống trải.
Bulsae-4 do Triều Tiên sản xuất, có thể tấn công các mục tiêu ngoài tầm nhìn ở khoảng cách hơn 10 km. Do hầu như không có dữ liệu chính xác về đặc tính vũ khí này nên một số nguồn tin ước tính phạm vi sát thương của tổ hợp là 10 - 25 km.
Tầm bắn xa như vậy giúp có thể tấn công các phương tiện bọc thép từ khoảng cách an toàn cho chính tổ hợp này, nó được cho là dựa trên công nghệ tổ hợp HJ-10 của Trung Quốc.
Bệ phóng Bulsae-4 bao gồm một khối xoay với 8 thùng chứa tên lửa, gắn trên khung gầm của xe bọc thép chở quân bánh lốp M-2010 do Triều Tiên sản xuất với cấu hình 6 bánh chủ động (6x6).
Tên lửa dẫn đường có bộ ổn định lớn và chế độ tấn công mục tiêu từ trên cao, nơi xe bọc thép có lớp giáp mỏng nhất. Đầu quang điện được sử dụng để dẫn đường cho đạn, kết hợp với nhận lệnh chỉ huy thông qua cáp quang.
Nhờ đó người vận hành tổ hợp thực hiện điều khiển video thủ công. Trong quá trình bay, tên lửa sẽ nhìn thấy mọi nếp gấp của địa hình, mọi vật thể và có thể vượt qua chướng ngại vật rồi bắn trúng mục tiêu ngoài tầm nhìn trực tiếp, hoặc thậm chí ở phía sau chỗ ẩn nấp.
Đường truyền video cố định cho phép nhắm lại mục tiêu trong trường hợp phát hiện ra đối tượng có mức độ ưu tiên cao hơn, nó cũng cho phép đạt được độ chính xác và sát thương cao ở phạm vi tối đa ngay từ phát bắn đầu tiên.
Tên lửa chống tăng Bulsae-4 của Triều Tiên là loại tiên tiến và có tính năng kỹ chiến thuật cao hơn mọi ATGM do Nga sản xuất hiện nay. Tuy vậy hiện tại chưa rõ hiệu quả thực sự của nó trên chiến trường Ukraine.
Cần nhắc lại rằng vào đầu tháng 6 năm nay, hãng tin Bloomberg đưa tin Triều Tiên đã gửi khoảng 5 triệu quả đạn pháo các cỡ nòng khác nhau tới Nga bằng đường sắt.
Liên hợp quốc cũng công nhận việc Nga sử dụng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Mảnh vỡ của tên lửa được phát hiện sau cuộc tấn công vào thành phố Kharkiv vào ngày 2 tháng 1 năm nay cho thấy đó là tên lửa đạn đạo Hwasong-11 (KN-23) của Triều Tiên.
Tình báo Ukraine và phương Tây cho biết Triều Tiên sẽ cung cấp các loại vũ khí thông thường cho Nga để đổi lấy công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và một vài công nghệ quân sự tiên tiến khác. Về phần mình, Triều Tiên luôn phủ nhận các thông tin dạng này.