Báo chí Nga cho biết, vào ngày 28/7, một tiêm kích đa năng Su-35S của họ đã lập kỷ lục thế giới khi bắn hạ chiến đấu cơ MiG-29 của Không quân Ukraine bằng tên lửa không đối không tầm xa R-37M.
Tên lửa R-37M theo thông báo đã tiêu diệt mục tiêu từ cự ly xa tới 213 km, điều này được khẳng định một cách gián tiếp, bởi sau đó tín hiệu trên radar biến mất và chiếc MiG-29 của Ukraine không trở lại sân bay mà nó đã xuất kích.
Thực tế trên cho thấy chiến đấu cơ đa năng Su-35S với radar N035 Irbis hoàn toàn đủ sức mạnh để dẫn bắn cho tên lửa R-37M, trái với nhận xét trước đó là chỉ tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31BM với radar Zaslon-M mới sử dụng tốt vũ khí này.
Cần nói thêm, tên lửa không đối không tầm xa R-37M là biến thể cải tiến từ loại R-37 ra đời từ thập niên 1980. Do kích thước rất "khủng" nặng tới 6 tấn và dài 4 mét nên chỉ có tiêm kích MiG-31 là đủ khả năng mang vác nó.
Phiên bản R-37M bắt đầu được nghiên cứu từ giữa những năm 2000, so với đàn anh thì kích thước của nó nhỏ hơn rất nhiều với trọng lượng chỉ 500 kg nhưng vẫn duy trì tầm bắn trên 300 km.
Nhờ sự cải tiến đáng giá trên mà vũ khí này giờ đây đã có thể tích hợp cho mọi loại máy bay chiến đấu của Không quân Nga, từ Su-27, Su-30, Su-35 cho tới MiG-29 và MiG-35, nhưng chỉ có Su-35S và Su-30SM2 là tận dụng được tối đa tầm bắn của nó.
Cơ chế dẫn đường và vận động của R-37M cũng tương đối giống với các loại tên lửa không đối không khác, đó là khi mới phóng đi thì nó sẽ bay theo chế độ quán tính.
Bước tiếp theo là tên lửa sẽ liên tục cập nhật tham số về vị trí của mục tiêu do radar điều khiển từ máy bay phóng truyền tới nó, lúc này tên lửa vẫn có thể thay đổi đối tượng tấn công.
Khi tiến sát mục tiêu, R-37M sẽ bật đầu dò radar chủ động gắn trên tên lửa, động cơ phản lực được bổ sung lực để đẩy vận tốc siêu thanh lên tới Mach 6 (tức là trên 7.000 km/h).
Vận tốc cực nhanh như vậy của tên lửa R-37M sẽ khiến máy bay đối phương gần như không có cơ hội lẩn tránh, nhất là những phi cơ ném bom hay AWACS có kích thước to lớn và nặng nề.
Các chuyên gia quân sự Nga khẳng định, với hệ thống vũ khí hiện đại trong đó có tên lửa R-37M, các máy bay Nga, đặc biệt là át chủ bài Su-57, sẽ ngày càng trở nên bất khả chiến bại.
Một quan niệm phổ biến lâu nay là độ cơ động của tên lửa R-37M không cao, khiến nó chỉ thích hợp để bắn máy bay kích thước lớn đã được chứng minh là sai lầm, khi tiêm kích MiG-29 là loại khá nhỏ và có khả năng thao diễn cao.
Mặc dù vậy, vẫn cần thêm một số thông tin hay bằng chứng cụ thể khác để khẳng định chiến công nói trên của tên lửa R-37M, bởi chiếc MiG-29 của Ukraine hoàn toàn có thể hạ độ cao để biến mất khỏi màn hình radar và hạ cánh tại một địa điểm khác.
Trong tương lai gần, tên lửa R-37M của Nga sẽ có đối thủ xứng tầm là loại NAIM-174 của Mỹ, đây chính là biến thể sửa đổi của tên lửa hạm đối không SM-6, có tầm bắn tối đa ước tính khoảng 370 km.