Trong bối cảnh Bắc Kinh đang đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc vẫn tiếp tục đặt mua trực thăng Mi-171 từ Nga, mặc dù họ đã tự phát triển được trực thăng nội địa.
Quyết định này đặt ra câu hỏi tại sao Trung Quốc, một quốc gia có khả năng sản xuất trực thăng hiện đại, lại vẫn đầu tư trực thăng của Nga.
Trực thăng Mi-171 đã chứng minh độ tin cậy trong điều kiện hoạt động khắc nghiệt, tiếp tục hấp dẫn Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Mi -171 là phiên bản cải tiến của trực thăng Mi-8 nổi tiếng của Liên Xô, được Nga phát triển vào những năm 1990.
Được thiết kế để trở nên linh hoạt, trực thăng này có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ vận chuyển quân và vật liệu đến các hoạt động cứu hộ trong môi trường đầy thách thức.
Động cơ VK-2500 của Mi-171 nổi tiếng về độ tin cậy, cung cấp công suất cần thiết cho trực thăng khi hoạt động ở độ cao lớn với khí hậu khắc nghiệt.
Mi-171 cũng được trang bị các hệ thống bảo vệ tiên tiến, chẳng hạn như các biện pháp đối phó điện tử và lớp giáp được gia cố, giúp nó phù hợp cho các hoạt động trong điều kiện chiến trường nóng bỏng.
Kể từ khi bắt đầu sản xuất, Mi-171 đã được nhiều quốc gia tin dùng, đặc biệt là ở Châu Á, Châu Phi và Trung Đông, từ đó đã tạo dựng được danh tiếng về độ bền và độ tin cậy của dòng trực thăng này.
Trung Quốc đã mua những chiếc trực thăng Mi-171 đầu tiên vào những năm 1990 và hiện sở hữu khoảng 200 chiếc, được sử dụng trong nhiều vai trò khác nhau bao gồm cứu hộ trên núi, hoạt động cứu trợ thiên tai và vận chuyển quân.
Mi-171 có thể chở tới 4.000 kg hàng hóa, hoặc cũng có thể chứa tới 26 binh sĩ với trang bị đầy đủ.
Được trang bị hai động cơ tua bin Klimov TV3-117VM, mẫu máy bay này được thiết kế để hoạt động ở độ cao lớn, cho phép cất và hạ cánh ở độ cao lên tới 4.000 mét và bay ngang lên tới 6.000 mét.
Ngoài ra còn có động cơ VK-2500 mới được phát triển cho công suất mạnh mẽ hơn, mang lại khả năng chịu tải lớn hơn và tăng cường an toàn bay.
Sự quan tâm liên tục của Trung Quốc đối với Mi-171 được thúc đẩy bởi một số yếu tố. Đầu tiên, khả năng hoạt động trong điều kiện khó khăn, đặc biệt là ở độ cao lớn như Tây Tạng và biên giới với Ấn Độ.
Động cơ VK-2500 mạnh hơn cho phép Mi-171 mang tải trọng nặng ngay cả ở độ cao lớn, điều này rất quan trọng đối với các hoạt động ở những khu vực khắc nghiệt này.
Thứ hai, tính linh hoạt của Mi-171 khiến nó trở nên không thể thiếu đối với PLA, loại máy bay này có thể làm trực thăng vận, trực thăng cứu thương hay thậm chí là trực thăng tấn công.
Tính linh hoạt này của Mi-171 sẽ giúp làm giảm nhu cầu phải mua nhiều loại trực thăng cho các nhiệm vụ khác nhau, từ đó đơn giản hóa khâu hậu cần và bảo trì.
Một yếu tố quan trọng khác là chi phí. So với các trực thăng phương Tây như UH-60 Black Hawk của Mỹ, Mi-171 lại có giá cả phải chăng hơn nhiều.
Giá rẻ hơn đáng kể cho phép Trung Quốc mua một số lượng lớn trực thăng để trang bị cho lực lượng của mình.
Trung Quốc đã phát triển một số mẫu trực thăng nội địa, đáng chú ý là Z-18 và Z-20, về mặt lý thuyết có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tương tự như Mi-171.
Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ này, các mẫu này vẫn chưa được coi là phiên bản kế thừa hoàn toàn của Mi -171 .
Trực thăng Z-20 thường được so sánh với Black Hawk của Mỹ, tuy nhiên nó vẫn chưa chứng minh được độ tin cậy tương đương với Mi-171 trong điều kiện khắc nghiệt, đặc biệt là ở độ cao lớn.
Ngoài ra, khả năng bảo vệ và vũ khí của Z-20 không được như Mi-171, từ đó hạn chế hiệu quả của nó trong các tình huống chiến đấu cường độ cao.
Đối với Z-18, mặc dù là trực thăng vận tải hạng nặng có khả năng ấn tượng, nhưng hiệu quả hoạt động của nó kém hơn Mi-171 trong môi trường trên cao và chi phí sản xuất cũng cao hơn.
Những hạn chế này giải thích tại sao PLA vẫn tiếp tục dựa vào Mi-171 thay vì Z-18 cho các nhiệm vụ quan trọng, nơi độ tin cậy và độ bền là tối quan trọng.
Quyết định tiếp tục mua trực thăng Mi-171 từ Nga của Trung Quốc, mặc dù đã phát triển các mẫu trực thăng của riêng mình, cho thấy chủ nghĩa thực dụng quân sự, họ tập trung vào hiệu quả và độ tin cậy.
Lựa chọn này làm nổi bật sự tự tin tưởng của PLA vào trực thăng Nga thay vì sản phẩm nội địa.
Mi-171 vẫn là thành phần chủ chốt trong kho vũ khí của Trung Quốc và việc tiếp tục mua lại có thể báo hiệu sự thừa nhận ngầm về những hạn chế hiện tại của các mẫu trực thăng Trung Quốc.