Không quân Ukraine đang rơi vào tình trạng suy tàn, sức mạnh của họ hiện tại chỉ bằng một phần rất nhỏ so với đầu thập niên 1990 khi mới tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô và dự kiến còn tiếp tục suy giảm hơn nữa.
Tại thời điểm cách đây 30 năm, Không quân Ukraine là một lực lượng hùng hậu với hàng ngàn tiêm kích, máy bay ném bom và máy bay tác chiến đặc biệt, trong đó có cả những phương tiện ở tầm chiến lược như oanh tạc cơ siêu thanh Tu-160 và Tu-22M3.
Sự khó khăn về kinh tế, lời cam kết từ các cường quốc quân sự hàng đầu như Mỹ và Nga về việc tôn trọng chủ quyền của Ukraine đã khiến chính quyền Kiev tiến hành đợt cắt giảm quân số quy mô lớn, lực lượng không quân dĩ nhiên cũng chẳng ngoại lệ.
"Trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang, Không quân Ukraine sẽ không thể đưa những chiếc máy bay lỗi thời của mình lên bầu trời", tác giả người Mỹ David Axe viết về điều này trong bài báo của ông trên tạp chí Forbes.
Như vị chuyên gia lưu ý, trong 30 năm độc lập, chính quyền Kiev đã không mua một chiếc chiến đấu cơ mới nào, và bản thân đội máy bay quân sự của họ đã rơi vào tình trạng tồi tệ đến mức biến thành một đống kim loại vô dụng.
Hầu hết các máy bay cường kích và tiêm kích của Ukraine trong trường hợp xảy ra xung đột sẽ không thể cất cánh. Nhà chức trách Ukraine không phủ nhận rằng đang gặp một vấn đề, nhưng họ không làm bất cứ điều gì để giải quyết nó.
Ukraine nhận được hỗ trợ quân sự từ các nước thuộc Liên minh Bắc Đại Tây Dương, nhưng điều này không áp dụng đối với việc cung cấp máy bay chiến đấu và các loại phi cơ quân sự khác.
Chuyên gia David Axe lưu ý rằng việc tái trang bị lực lượng không quân đòi hỏi rất nhiều tiền, điều mà Kiev đơn giản là không có, trong khi nước ngoài chẳng thể trợ giúp một khoản kinh phí khổng lồ như vậy.
Thời gian gần đây rộ lên thông tin cho biết Mỹ sẽ cung cấp cho Không quân Ukraine một số trực thăng vận tải đa dụng Mi-17 cũng như máy bay cường kích cánh quạt A-29 Super Tucano, đây là sự bổ sung duy nhất cho lực lượng này sau nhiều năm.
Nhưng cần lưu ý đây là các máy bay dư thừa, đáng lẽ thuộc về quân đội Afghanistan nhưng các phi công quốc gia Nam Á đã dùng chúng để chạy ra nước ngoài khi lực lượng Hồi giáo cực đoan Taliban tiến vào thủ đô Kabul.
Những chiếc máy bay trên có thể giúp phần nào cho quân đội Ukraine trong chiến dịch quân sự tại miền Đông, tuy nhiên đây vẫn là sự bổ sung quá nhỏ nhoi so với điều mà họ thực sự cần thiết.
Bộ Quốc phòng Ukraine mặc dù đã đàm phán để mua tiêm kích hạng nhẹ F-16 từ Mỹ hay JAS-39 do Thụy Điển sản xuất, nhưng tương lai gần sức mạnh của họ khó mà thay đổi với phi đội MiG-29 và Su-27 từ thời Liên Xô.
Biện pháp khả thi nhất chính là các tổ hợp chế tạo hàng không của Ukraine phải kéo dài thời hạn sử dụng cũng như hợp tác với nước ngoài (như Israel) để nâng cấp nhằm gia tăng sức mạnh cho chúng.
Tuy nhiên số máy bay chiến đấu dự trữ của Ukraine chẳng còn nhiều, chưa kể một số lượng đáng kể còn bị mất về tay Nga sau sự kiện Crimea năm 2014, do vậy tương lai của Không quân Ukraine rõ ràng vẫn rất u ám.