Truyền thông Mỹ ngày 29/10 dẫn lời các quan chức giấu tên nước này tiết lộ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy đã yêu cầu Mỹ cung cấp tên lửa hành trình Tomahawk để tạo "gói răn đe phi hạt nhân" trong xung đột với Nga.
Được biết đây là phần chưa từng được công bố trong "Kế hoạch Chiến thắng" được ông Zelensky công bố hồi giữa tháng 10 vừa qua.
"Kế hoạch Chiến thắng" do nhà lãnh đạo Zelensky đề xuất bao gồm năm điểm với ba phụ lục được bảo mật, trong đó có lời đề nghị NATO ngay lập tức mời Ukraine gia nhập, dỡ bỏ các hạn chế áp lên vũ khí tầm xa được viện trợ.
Tổng thống Zelensky cũng đề xuất phương Tây "triển khai biện pháp răn đe chiến lược phi hạt nhân toàn diện" trên đất Ukraine nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ tới Nga.
Tên lửa Tomahawk có tầm bắn hơn 2.400km, gấp khoảng 7 lần tầm bắn của tên lửa tầm xa ATACMS mà Ukraine nhận được từ Mỹ trước đó. Tuy nhiên Washington đã từ chối.
"Đó là yêu cầu hoàn toàn bất khả thi. Nó có tầm bắn gấp hơn 7 lần tên lửa đạn đạo ATACMS được Mỹ chuyển cho Ukraine. Thực tế Washington cũng chỉ viện trợ cho Kiev số lượng rất giới hạn tên lửa ATACMS", một quan chức cấp cao Mỹ nói.
Kiev chưa thể đưa ra lập luận thuyết phục về cách sử dụng vũ khí viện trợ, trong khi danh sách mục tiêu tại Nga do Ukraine đề xuất đã vượt xa số lượng tên lửa mà Mỹ có thể cung cấp.
Theo các nguồn tin, Ukraine đã không thể thuyết phục các nhà ngoại giao phương Tây về lý do tại sao họ cần Tomahawk.
Số lượng mục tiêu của Ukraine ở Nga cũng được cho là vượt xa số lượng tên lửa dự trữ mà Mỹ có thể chuyển giao mà không gây nguy hiểm cho lợi ích của họ ở Trung Đông và Châu Á.
Kiev chưa bình luận về thông tin ông Zelensky đề nghị Washington chuyển giao tên lửa hành trình Tomahawk.
Tomahawk là tên lửa hành trình cung cấp khả năng tấn công tầm xa chủ lực của hải quân Mỹ.
Được mệnh danh là "sứ giả chiến tranh", tên lửa hành trình Tomahawk là loại vũ khí đánh phủ đầu mạnh nhất hiện nay của Mỹ.
Tomahawk với nhiều biến thể, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được phóng đi từ các hệ thống phóng mặt đất, chiến hạm hoặc tàu ngầm trên biển.
Tên lửa được bắn khỏi dàn phóng bằng một mô đun sơ tốc có chứa thuốc phóng, sau khi đạt gia tốc cần thiết mô-đun sơ tốc bị tách bỏ, động cơ phản lực mini hoạt động và đẩy quả đạn theo hành trình của nó.
Tomahawk cũng là vũ khí tiêu chuẩn trên tàu ngầm nguyên tử tấn công của Anh và Mỹ.
Hiện biến thể mới nhất trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân hạt nhân mang định danh RGM/UGM-109E Tomahawk.
Đây cũng là loại tên lửa có khả năng sống sót cao, do nó bay thấp nên khó bị phát hiện bằng radar.
Các thiết bị chính bên trong tên lửa bao gồm: hệ thống dẫn đường, mô đun tấn công (đầu đạn), hệ thống lái, khoang nhiên liệu và động cơ phản lực.
Tên lửa có trọng lượng 1,3 tấn, chiều dài 5,56 m, sải cánh 2,6 m, đường kính 0,52 m.
Tầm bắn của tên lửa từ 1.300 km tới 2.500 km tùy từng biến thể. Phiên bản mới nhất trang bị trên tàu ngầm đạt tầm bắn 1.600 km.
Sức mạnh công phá của tên lửa Tomahawk nằm ở đầu đạn nặng 450 kg.
Ngoài phiên bản trang bị thuốc nổ cực mạnh, đầu đạn Tomahawk còn có thể mang bom chùm BLU-97/B để tiêu diệt các đoàn xe tăng, hoặc thiết giáp.
Khi cần thiết, Tomahawk có thể mang đầu đạn hạt nhân W80 với đương lượng nổ 200kt.
Tên lửa Tomahawk sử dụng động cơ phản lực cánh quạt đẩy Williams International F107-WR-402 dùng nhiên liệu TH-dimer. Tốc độ của tên lửa Tomahawk là 880 km/h.
Loại tên lửa này sử dụng cơ chế dẫn đường bằng GPS (từ TLAM Block III), TERCOM, DSMAC.
Tiếng rít khi bay của loại tên lửa này đã trở thành nỗi ám ảnh của các lực lượng bị chúng tấn công.
Tomahawk cũng là loại tên lửa hành trình tấn công giàu kinh nghiệm trận mạc nhất thế giới, chúng bắt đầu thực chiến trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Kể từ đó tới nay, chúng tham gia vào nhiều cuộc xung đột có sự góp mặt của Mỹ.