Trong hai lần tập kích trả đũa Iran, Israel đều nhằm vào các hệ thống phòng không S-300 của nước này.
Việc loại bỏ S-300 của Iran sẽ mở ra cánh cửa cho các cuộc tấn công tiềm tàng tiếp theo của Israel.
Tổng cộng Iran có 4 hệ thống phòng không S-300 mua từ Nga, 1 tổ hợp đã bị Israel phá hủy trước đó, 3 tổ hợp còn lại đã bị phá hủy hôm 26/10 vừa qua.
Truyền thông Israel đưa tin, chiến dịch hôm 26/10 vào Iran có sự tham gia của hơn 100 máy bay phản lực và UAV, chia làm hai đợt tấn công.
Đợt tấn công đầu tiên nhắm vào hệ thống phòng không của Iran, đi qua không phận Syria và Iraq.
Đợt thứ hai tấn công trực tiếp vào các hệ thống S-300 xung quanh Tehran và những địa điểm quan trọng khác như nhà máy lọc dầu Abadan, khu hóa dầu Bandar Imam Khomeini, mỏ khí đốt Tange Bijar và cảng Bandar.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố chiến dịch đạt được mục tiêu đề ra khi đã vô hiệu hóa các cơ sở sản xuất tên lửa của Iran và làm tê liệt hệ thống phòng không S-300.
Lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã lên tiếng rằng, sự kiện này "không nên bị coi nhẹ hay phóng đại", đồng thời quân đội Iran sẽ cân nhắc các bước đi tiếp theo, ám chỉ rằng Tehran có thể sẽ chưa đáp trả ngay lập tức.
Việc phá hủy các hệ thống phòng không S-300 khiến Iran mất đi một lá chắn phòng thủ quan trọng trước các cuộc tấn công từ trên không, khiến quốc gia này đứng trước thách thức lớn hơn trong bảo vệ các cơ sở hạ tầng cốt lõi trước sức ép ngày càng tăng từ Israel.
S-300 bao gồm một loạt hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa do Tổng công ty Khoa học Công nghiệp Almaz-Antey của Nga sản xuất.
Đây cũng là hệ thống phòng không thế hệ thứ 3 phổ biến nhất thế giới. Tầm đánh chặn mục tiêu của hệ thống này lên tới 150 km.
Giới chuyên gia đánh giá hệ thống phòng thủ tên lửa được mệnh danh "Rồng lửa" S-300 có nhiều tính năng vượt trội so với các đối thủ cùng loại và là một trong những hệ thống phòng thủ đáng gờm.
Liên Xô bắt đầu đưa S-300 vào biên chế từ năm 1978, hiện có gần 20 quốc gia trên thế giới sở hữu tổ hợp phòng không này.
Nga hiện là quốc gia sở hữu nhiều nhất tất cả các phiên bản S-300 với khoảng 2.000 bệ phóng.