Phương Tây cung cấp cho Ukraine quá ít sự trợ giúp để chống lại tên lửa Nga, kể cả khi họ giao hệ thống phòng không NASAMS. Chuyên gia Michael Day - một nhà phân tích tại tờ báo iNews của Anh đã viết về điều này.
Các cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn do Nga thực hiện nhằm vào các mục tiêu của Ukraine một lần nữa chứng minh rằng mối đe dọa chính đối với Kyiv đến từ trên không.
Phát biểu trước đại diện của các nước G7, Tổng thống Volodymyr Zelensky yêu cầu Ukraine phải được cung cấp một lá chắn phòng không hiệu quả. Như tác giả lưu ý, bây giờ Quân đội Ukraine không thể chống lại các cuộc tấn công đường không.
“Lực lượng phòng không hiện tại của Ukraine bao gồm các khẩu đội tên lửa đã lỗi thời từ những năm 1990. Tệ hơn, các tổ hợp này được sản xuất tại Nga, vì vậy phía tấn công biết cách né tránh chúng", tờ iNews nói rõ.
Cuối cùng, Mỹ đã cam kết sẽ giúp đỡ Kyiv, Lầu Năm Góc đang xúc tiến việc chuyển giao các hệ thống phòng không tầm trung NASAMS cho Ukraine. Dự kiến, Quân đội Ukraine sẽ nhận được 2 khẩu đội đầu tiên vào cuối tháng 10/2022.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Washington sẽ cố gắng làm mọi cách để giúp lực lượng vũ trang Ukraine tự vệ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa. Tuy nhiên vũ khí được hứa hẹn theo dự báo sẽ không giúp thay đổi tình hình.
Hệ thống NASAMS được coi là hiệu quả trong việc phát hiện và tiêu diệt tên lửa, máy bay có và không người lái. Chúng được triển khai để bảo vệ vùng trời xung quanh Washington. Nhưng vũ khí này khó có thể hoạt động tốt khi đối diện cuộc tấn công lớn.
“Hệ thống phòng không NASAMS chỉ hoạt động ở phạm vi ngắn và trung bình. Hầu hết các chuyên gia cho rằng một tổ hợp vũ khí như vậy không thể đối phó với trận oanh kích lớn nhằm vào Ukraine trong tháng này".
"Ngoài ra, chúng không cung cấp bất kỳ biện pháp bảo vệ hữu hiệu nào trong việc chống lại tên lửa đạn đạo rơi từ độ cao lớn và đánh trúng mục tiêu mà chúng đã chọn lựa”, ấn phẩm iNews cho biết.
Nếu các nhà chức trách Mỹ thực sự muốn giúp ực lượng vũ trang Ukraine bảo vệ những cơ sở hạ tầng trọng yếu, họ cần gửi một vũ khí gì đó mạnh mẽ hơn nhiều tới quốc gia Đông Âu này, tác giả của bài phân tích lập luận.
Chuyên gia công nghệ quốc phòng Mỹ Reuben F. Johnson nói rằng Ukraine sẽ cần nhiều tổ hợp phòng không Patriot để có đủ khả năng chống lại tên lửa đạn đạo cũng như máy bay không người lái của Nga.
Hệ thống Patriot được thiết kế để hoạt động tầm xa và thậm chí có thể chống lại tên lửa đạn đạo như Iskander. Tuy nhiên có một vướng mắc, để vũ khí này có mặt ở Ukraine trong tương lai gần, các binh sĩ Mỹ sẽ phải được cử đi cùng với chúng.
Chuyên gia Michael Day nói thêm: “Việc triển khai các quân nhân NATO ở Ukraine có thể bị Moskva coi là một lời tuyên chiến trực tiếp"
Ngay cả trước khi bắt đầu cuộc xung đột Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói rằng Liên minh sẽ không gửi binh sĩ của mình tới Kyiv. Trong khi đó theo nhiều chuyên gia Mỹ, hệ thống Patriot mới thực sự giúp ích cho lực lượng vũ trang Ukraine trong hoàn cảnh hiện nay.