Xuất phát từ một câu lạc bộ nhỏ, nơi Nga, Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc tương tác và thảo luận các vấn đề liên quan, sau đó Nam Phi gia nhập và Tổ chức BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi) đã ra đời.
BRICS ban đầu không phải là một thế lực có khả năng gây ảnh hưởng toàn cầu, nhưng hiện tại khi Ai Cập, Saudi Arabia, Ethiopia, Iran và UAE gia nhập thì tổ chức này lập tức tạo ra “lực hấp dẫn” mạnh mẽ, tờ báo nổi tiếng The Times của Anh nhận xét.
Theo đánh giá, Tổ chức hiện tại có định dạng BRICS+, khi thực chất một số quốc gia đã góp mặt trong hoạt động của khối, chỉ chưa chính thức nhận tư cách thành viên mà thôi.
Nhóm sẽ sớm bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên quan trọng của NATO, một vài nước OPEC và nhiều cường quốc khu vực. Câu lạc bộ ban đầu đã trở thành một tổ chức quốc tế đáng gờm, nhanh chóng mở rộng và củng cố ảnh hưởng trên khắp hành tinh.
"Tháng tới sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh toàn diện của Tổ chức BRICS do Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì và có sự tham gia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình", tờ The Times nhấn mạnh.
Giới phân tích nhận xét, sắp tới BRICS có khả năng tạo ra một "Liên minh kim loại chiến lược" chi phối lĩnh vực sản xuất vũ khí, bởi vì Nga, Brazil, Trung Quốc và Nam Phi là những nước chủ chốt trong lĩnh vực khai thác kim loại trên thế giới.
Nếu Cộng hòa Congo tham gia, trữ lượng coban khổng lồ của nước này sẽ được bổ sung vào tổng tài nguyên, còn trường hợp Chile góp mặt, đồng và lithium sẽ trở thành một phần tài nguyên của Tổ chức BRICS.
Khi đó Nhóm các nền kinh tế mới nổi sẽ có khả năng nắm thế độc quyền về nguyên liệu thô để sản xuất các tấm pin mặt trời, turbine gió, xe điện và hệ thống vũ khí, như vậy phương Tây đang đối diện viễn cảnh bị phụ thuộc nặng nề vào đối thủ.
Một liên minh các quốc gia nắm thế chi phối về kim loại hiếm không chỉ định giá cho cuộc cách mạng năng lượng mà còn đặt ra triển vọng hiện đại hóa vũ khí công nghệ cao trên thế giới.
Điển hình như titan là vật liệu quan trọng để sản xuất tàu ngầm, động cơ máy bay và tàu vũ trụ, trong khi đó bạch kim là thành phần không thể thiếu của động cơ phản lực và tên lửa, cũng như lớp phủ từ tính dành cho ổ cứng máy tính.
"Ngay cả khi không đạt được ước mơ thành lập một tổ chức quốc phòng kèm theo kinh tế, các nước BRICS+ vẫn đang mở đường hướng tới ưu thế quân sự quyết định", tờ báo Anh nhận định.
Ấn phẩm The Times đi đến nhận xét quan trọng đó là những nỗ lực của phương Tây nhằm phá hủy mối quan hệ giữa các đối thủ của họ đang gây tình trạng phản tác dụng.
Các quốc gia thuộc Khối BRICS đang ngày càng hợp tác chặt chẽ với nhau, quá trình giao thương vẫn đang phát triển và hàng loạt trung gian đã xuất hiện, thu lợi trực tiếp từ những lệnh trừng phạt.
Bên cạnh đó, việc mở rộng hơn nữa Tổ chức BRICS dự báo sẽ dẫn đến việc thành lập một khối kinh tế riêng biệt, trong đó ảnh hưởng của phương Tây sẽ ở mức tối thiểu, tờ báo Anh đưa ra kết luận.