Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ, 9 thành phố lớn của Nga, với tổng dân số khoảng 4,7 triệu người, có thể nằm trong tầm tấn công của tên lửa tầm xa phương Tây cấp cho Ukraine.
Danh sách các khu định cư có khả năng dễ bị tổn thương bao gồm hơn hai thành phố có dân số hơn một triệu người: Rostov-on-Don với dân số 1,14 triệu người và Voronezh, nơi có 1,046 triệu người sinh sống.
Hiện tại, loại vũ khí tầm xa đang phục vụ quân đội Ukraine như tên lửa ATACMS có khả năng tấn công các thành phố này.
Mỹ vẫn từ chối cấp quyền cho Ukraine được dùng tên lửa ATACMS để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, nếu Ukraine được phép bắn tên lửa ATACMS với tầm bắn lên tới 300 km thì tình hình sẽ thay đổi đáng kể. Các thành phố đông dân của Nga như Kursk (436 nghìn người), Orel (296 nghìn người), Bryansk (373 nghìn người) và Taganrog (245 nghìn người), nằm trên bờ biển Azov, sẽ bị đe dọa.
Ngoài ra, các thành phố có số dân cư đông khác cũng nằm trong tầm bắn của tên lửa ATACMS và Storm Shadow như: Lipetsk (486 nghìn người), Smolensk (312 nghìn người) và Kaluga (329 nghìn người).
Theo Hãng tin AFP, ông Zelensky có bài phát biểu tại cuộc họp của nhóm Ramstein (do Mỹ dẫn đầu) ngày 6-9, gồm khoảng 50 quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine.
"Chúng tôi cần khả năng tấn công tầm xa không chỉ trên lãnh thổ Ukraine, mà còn trên lãnh thổ Nga, để buộc Nga đàm phán hòa bình", ông Zelensky nói.
Theo ông Zelensky, mục tiêu trên lãnh thổ Nga ở đây là các cơ sở năng lượng và căn cứ quân sự, nơi máy bay của Nga cất cánh thực hiện các cuộc tấn công Ukraine.
Trung tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu, lập luận rằng việc Mỹ không đồng ý cho Ukraine dùng tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ cho thấy “nỗi sợ hãi quá mức” ở Washington rằng Moscow, bằng cách nào đó, sẽ leo thang xung đột.
“Ưu tiên hàng đầu là kiềm chế leo thang”, Trung tướng Ben Hodges nói với hãng tin Newsweek, đồng thời bày tỏ ủng hộ việc cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quan trọng của Nga bằng tên lửa ATACMS.
Hồi tháng 6, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul, đã viết một bức thư ngỏ chỉ trích quyết định của chính quyền Tổng thống Biden hạn chế Ukraine tấn công lãnh thổ Nga.
Bức thư có đoạn viết: “Để giành chiến thắng trước Nga, Ukraine phải được phép sử dụng các vũ khí do Mỹ cung cấp để chống lại bất kỳ mục tiêu quân sự chính đáng nào ở Nga chứ không chỉ dọc biên giới gần Kharkov”.
Ông Daniel Rice, cựu cố vấn quân đội Ukraine và hiện là hiệu trưởng một trường đại học ở Kiev, lập luận rằng việc từ chối cho phép Ukraine phóng tên lửa ATACMS vào lãnh thổ Nga là nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng hạt nhân có thể xảy ra.
Ukraine không có vũ khí hạt nhân. Nhưng với việc vũ khí đạn đạo do Mỹ sản xuất nhắm vào đất Nga, “bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra”, ông Rice nói.
Theo ông Rice, việc nã tên lửa Mỹ vào Nga không thể để bị hiểu thành một cuộc tấn công hạt nhân, đặc biệt khi Ukraine đang nhắm mục tiêu vào các radar của Moscow được thiết kế để phát hiện các cuộc tấn công hạt nhân.
Tuy nhiên, ông Matthew Savill, Giám đốc phụ trách lĩnh vực khoa học quân sự tại Viện RUSI có trụ sở tại London, cho biết mặc dù ATACMS là tên lửa đạn đạo chiến thuật nhưng chúng nhỏ hơn rất nhiều so với tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân.
Nga cũng biết rõ Ukraine không sử dụng vũ khí hạt nhân, vì vậy cũng chưa thể khẳng định chắc chắn Moscow sẽ ngay lập tức đáp trả hạt nhân nếu bị tấn công bằng ATACMS.
Tấn công vào lãnh thổ Nga từ lâu đã là một chủ đề nhạy cảm với Mỹ và các nước phương Tây nhằm tránh leo thang xung đột.