Luật hàng hải quốc tế trao cho các quốc gia ven biển quyền hành động chống lại những con tàu gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với môi trường, đây chính là "cây át chủ bài" siết chặt lệnh cấm vận chống Nga.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) có một số điều khoản rõ ràng cung cấp cho các quốc gia ven biển công cụ hạn chế nguy cơ vận tải hàng hải phá hủy môi trường.
Như chuyên gia phân tích Keith Johnson của ấn phẩm Foreign Policy (FP) đưa ra nhận xét, Đan Mạch có thể tiếp cận sáng tạo đối với vấn đề này.
Cụ thể quốc gia nói trên có thể cấm hàng nghìn tàu chở dầu Nga đi qua vùng biển mà họ kiểm soát, từ đó khiến các biện pháp trừng phạt của phương Tây trở nên khả thi.
Nhà bình luận người Anh khuyên Đan Mạch chỉ cần sử dụng đúng quy định của luật để phát huy chế tài, mà không cần phải luồn lách câu chữ.
Rõ ràng giao thông thương mại qua eo biển Đan Mạch là rất quan trọng, và quyền quyết định vấn đề thuộc quốc gia này.
Còn nếu UNCLOS 1982 không làm rõ điều này, các luật sư sẽ sử dụng Công ước Copenhagen 1857
Nhưng Đan Mạch nên làm gì? Như ông Johnson gợi ý, chính phủ nước này có thể hiểu việc di chuyển của tàu Nga không phải thuần túy dân sự, mà nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho bộ máy quân sự Nga.
Khi đó luật pháp quốc tế sẽ quay lưng lại với Nga và đứng về phía phương Tây, điều này còn được tạo điều kiện bởi nhiều định chế do các nước này chi phối.
Ông Johnson cho rằng nếu kế hoạch trên thành công thì Nga sẽ phải chuyển hướng tới 80% lưu lượng xuất khẩu dầu bằng đường biển vẫn đi qua tuyến đường ngắn nhất và có lợi nhất thuộc châu Âu.
Đây là viễn cảnh gần như chắc chắn trong khi Tuyến đường biển phía Bắc đầy hứa hẹn mà Nga quảng bá rất mạnh trong thời gian qua không phải lúc nào cũng có thể tiếp cận được.
Điều này sẽ làm tăng chi phí thương mại, khiến Moskva hoặc sẽ phải tăng giá đối với những khách hàng chủ chốt - những người sẵn sàng mua với giá chiết khấu để tránh rủi ro, hoặc thậm chí chịu lỗ, điều này sẽ phù hợp với mong muốn của phương Tây.
Nhưng rất có thể Đan Mạch sẽ không thực hiện bước như vậy một mình, điều đó đồng nghĩa với một cuộc đối đầu nghiêm trọng và những thay đổi lớn đối với quy tắc đi lại đã tồn tại trong nhiều thế kỷ qua.
Quốc gia này sẽ cần vận động các đồng minh phương Tây cùng tham gia, khi đó lệnh cấm vận hàng hải đối với Nga mới có thể phát huy đầy đủ tác dụng.