Tiềm năng và cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vị trí xếp hạng cũng như những đánh giá về chỉ số đầu tư toàn cầu của Việt Nam cho thấy tiềm năng cũng như cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tận dụng cơ hội này thế nào để biến tiềm năng thành hiện thực.

Luôn là điểm đến ưa thích của nhà đầu tư

Theo báo cáo Chỉ số Đầu tư toàn cầu (GOI) mà Viện Milken công bố mới đây, trong số các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở khu vực châu Á, Việt Nam nằm trong top 5, sau Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc và Indonesia. Còn trên quy mô toàn cầu, Việt Nam xếp thứ 65 trên 129 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Việt Nam cần ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài tạo nhiều giá trị gia tăng

Việt Nam cần ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài tạo nhiều giá trị gia tăng

Viện Milken là tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở ở Santa Clara, California, Mỹ. Trên cơ sở tập hợp hơn 100 chỉ số thuộc 5 nhóm tiêu chí khác nhau gồm nhận thức kinh doanh, các yếu tố kinh tế nền tảng, dịch vụ tài chính, khung thể chế, tiêu chuẩn và chính sách quốc tế, viện này đưa ra bảng xếp hạng về chỉ số đầu tư với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thực tế 10 năm gần đây cho thấy, GOI là công cụ dự báo khá tin cậy về FDI khi giải thích được gần 65% sự thay đổi của dòng vốn này và gần 52% vốn đầu tư gián tiếp bình quân đầu người vào các quốc gia trên thế giới.

So sánh với các khu vực, nhóm châu Á được đánh giá cao hơn trong bảng xếp hạng GOI 2024. So với các khu vực mới nổi và đang phát triển khác, các nước mới nổi và đang phát triển ở khu vực châu Á cũng đạt được thứ hạng cao hơn. Báo cáo của Viện Milken cho biết, trong thời gian từ năm 2018-2022, nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á thu hút 53,2% dòng vốn đầu tư chảy vào các nước mới nổi và đang phát triển trên toàn cầu. Riêng năm 2022, do căng thẳng Mỹ - Trung Quốc, dòng vốn vào khu vực châu Á giảm 75,4% so với mức trung bình.

Nhận xét về xu hướng này, bà Maggie Switek, Giám đốc cấp cao phụ trách nghiên cứu của Viện Milken cho biết: “Trong khi các nền kinh tế phát triển mang lại sự ổn định, nhà đầu tư tìm kiếm mức tăng trưởng lợi nhuận cao tiếp tục thể hiện mối quan tâm ở các thị trường mới nổi và đang phát triển”. Còn Báo cáo của Viện Milken thì nhận định các khu vực mới nổi và đang phát triển “mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư quan tâm tới tiềm năng tăng trưởng”.

Liên quan đến Việt Nam, thực tế cho thấy trong các năm gần đây, Việt Nam luôn được đánh giá là điểm đến ưa thích của nhà đầu tư nước ngoài. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, Việt Nam thu hút 36,61 tỷ USD vốn FDI, tăng hơn 32% so với 2022 và là mức cao thứ 3 trong 15 năm gần đây. Vốn thực hiện đạt kỷ lục với khoảng 23,18 tỷ USD. Hai tháng đầu năm 2024, dòng vốn ngoại vẫn tích cực “đổ bộ”, đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ khi Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ tháng 12-1987 đến nay, Việt Nam luôn đứng trước các khó khăn, thách thức khác nhau ở mỗi giai đoạn phát triển. Nhưng chúng ta cũng đã biết tận dụng các cơ hội lớn, nhỏ khác nhau của mỗi giai đoạn để vượt qua khó khăn và tạo thêm các cơ hội mới để phát triển được như ngày hôm nay. Ngoài một số các nhà đầu tư lớn trên thế giới đã đến Việt Nam như Samsung, LG, còn có các nhà đầu tư lớn khác như Foxconn, Apple, Goertek, Luxshare… đã và đang chuyển một số các hoạt động sản xuất trong chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam. Hơn nữa, rất nhiều cơ hội lớn đang mở ra sau những chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam gần đây.

Một điểm đáng chú ý nữa là tăng trưởng của dòng vốn FDI vào Việt Nam được duy trì trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang giảm sút do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị quốc tế có nhiều biến động, tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển - nơi có các nguồn vốn đầu tư ra bên ngoài lớn đều chậm lại. Trong bối cảnh các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về thu xếp nguồn vốn, lựa chọn thị trường, điểm đến đầu tư… trong khi các nước trong khu vực đưa ra nhiều chính sách ưu đãi mời gọi đầu tư nước ngoài ngày càng có tính cạnh tranh cao, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài nói trên của Việt Nam là đáng khích lệ.

Ưu tiên thu hút nguồn đầu tư tạo nhiều giá trị gia tăng

Việt Nam có tình hình chính trị và xã hội ổn định, hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, tham gia vào nhiều hiệp định và cam kết quốc tế về FDI. Kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng ổn định trong các giai đoạn khó khăn vừa qua và hiện nay. Thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân có mức thu nhập ngày càng cao, sức mua tăng, là điểm trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu thuận tiện do hội nhập sâu vào thương mại quốc tế với nhiều Hiệp định Tự do thương mại thế hệ mới đã ký kết. Cơ sở hạ tầng cứng của Việt Nam như đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng… ngày càng được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu về logistics của các nhà đầu tư.

Các yếu tố trên cho thấy Việt Nam đang có cơ hội để tiếp nhận xu hướng chuyển dịch của dòng vốn FDI toàn cầu. Tuy nhiên, so sánh với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á, vị trí của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Chẳng hạn, so sánh với vị trí 27 của Malaysia là nước đạt thứ hạng cao nhất khu vực trong xếp hạng chung, vị trí của Việt Nam chỉ ở mức 65. Malaysia được đánh giá là có “điều kiện đầu tư tốt nhất” trong số tất cả các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trên thế giới, đồng thời đạt thứ hạng tốt ở nhóm tiêu chí khuôn khổ thể chế, một phần do có sự bảo vệ mạnh mẽ đối với quyền của nhà đầu tư.

Cũng cần lưu ý rằng, trong thực tế đầu tư kinh doanh quốc tế đối với mọi quốc gia trên thế giới, cơ hội cũng có thể đến rồi đi. Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đó là môi trường kinh tế - xã hội và sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của mỗi quốc gia; thực tế tình hình địa chính trị; mức độ phát triển của kinh tế thế giới, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và dịch bệnh toàn cầu... ở mỗi giai đoạn phát triển.

Để nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam, điều cần thiết là phải nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương về đầu tư nước ngoài, cũng như sức tăng trưởng và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, nó phụ thuộc rất nhiều vào cải cách cơ chế quản lý, hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài.

Nắm được công nghệ cao trong thời đại chuyển đổi sang nền kinh tế số dưới tác động của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng được nền kinh tế tự cường mà Việt Nam bằng mọi giá phải có được trong giai đoạn tới. Chỉ khi có nhiều doanh nghiệp nội địa nắm được công nghệ, Việt Nam mới khắc phục các tồn tại hiện nay trong thực hiện mục tiêu tiếp thu công nghệ nguồn từ các nước công nghiệp phát triển hàng đầu; dần xóa bỏ được thực trạng doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp gia công với tỷ lệ nội địa hóa thấp, thiếu liên kết với doanh nghiệp trong nước.

Đầu tư là động lực tăng trưởng lớn nhất, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế Việt Nam. Đầu tư tạo ra năng lực sản xuất mới, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng hiện tại mà cho cả các năm tiếp theo. Trong tương lai, Việt Nam cần thu hút các khoản đầu tư tạo nhiều giá trị gia tăng và nâng cao năng lực quốc gia trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, nỗ lực để trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.