Theo trang Bình luận quân sự của Nga, cuộc tấn công của Israel không chủ đích nhắm vào các cơ sở hạt nhân hoặc năng lượng của Iran mà thuần túy là mục tiêu quân sự để tránh gây căng thẳng quá mức và buộc Tehran phải đáp trả.
Tuy vậy chỉ với một đòn tấn công chớp nhoáng, tiềm lực quân sự của Tehran bị đánh giá đã suy giảm mạnh, thậm chí không thể phục hồi trong trong hai năm tiếp theo.
Để tìm hiểu kỹ nhận định trên, cần nhìn lại sự việc vào hôm 26/10, khi hơn 100 máy bay chiến đấu của Không quân Israel (IAF) đã được huy động tham gia cuộc đột kích, bao gồm cả tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35I Adir.
Chiến thuật tấn công cũng rất rõ ràng, đợt đầu tiên có mục đích làm quá tải hệ thống phòng không Iran, khi chủ yếu là máy bay không người lái cảm tử rẻ tiền được sử dụng.
Tiếp theo, đòn đánh quyết định được tung ra trong đợt thứ hai và thứ ba, nhằm vào 12 mục tiêu trọng yếu thuộc tổ hợp quân sự và công nghiệp quốc phòng của Iran.
Đối tượng bị IAF lựa chọn bao gồm cơ sở chế tạo máy bay không người lái, sản xuất linh kiện tên lửa, căn cứ không quân, tuy nhiên kết quả cuộc không kích của Israel chưa được thống nhất rõ ràng.
Tehran khẳng định hầu hết tên lửa và UAV của Israel đã bị đánh chặn và không thể gây ra thiệt hại đáng kể. Nhưng đài phát thanh Quân đội Israel “Galei IDF” lại đưa ra những thông tin hoàn toàn trái ngược.
"Cuộc tấn công đã phá hủy toàn bộ khả năng phòng thủ chiến lược của Iran, tức là toàn bộ dàn tên lửa phòng không tầm xa. Trên thực tế, Tehran hiện chỉ còn lại các tổ hợp phòng không tầm ngắn được sản xuất trong nước".
Giới chức quân sự Israel khẳng định cuộc tấn công đã phá hủy 2 hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU-2 Favorit do Nga sản xuất, cùng với 1 tổ hợp nội địa chưa rõ định danh.
Điều tồi tệ nhất là căn cứ vào ảnh vệ tinh, Israel đã phá hủy nhà máy quốc phòng sản xuất nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo, đồng nghĩa Iran đã mất năng lực sản xuất tên lửa chiến lược trong 2 đến 3 năm tới.
Nhưng cũng có ý kiến nhận xét thiệt hại của Tehran không lớn đến vậy, bởi Iran thường xuyên cất giữ những khí tài quan trọng dưới lòng đất khi luôn phải đối diện nguy cơ bị tấn công.
Iran từ lâu luôn chú trọng bảo toàn tiềm lực quân sự, tránh nỗ lực của đối phương cố gắng tiêu diệt thông qua một cuộc tấn công phủ đầu, theo ước tính Iran hiện có ít nhất 2.000 tên lửa đạn đạo.
Mặc dù vậy nếu những tuyên bố từ IAF sự thành công của trận tập kích vào các nhà máy quốc phòng là đúng thì chiến dịch của Israel đã phá hủy chương trình sản xuất tên lửa mới của Iran.
Thực tế trên sẽ buộc Tehran phải kiềm chế hơn trong việc đưa ra hành động trả đũa, tránh bị lôi kéo vào một cuộc chiến tiêu hao sinh lực với Israel có Mỹ đứng sau lưng hậu thuẫn.
Ngoài ra trong trung hạn, chiến dịch quân sự của Israel còn khiến Iran phải hạn chế hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm ở Trung Đông và châu Phi, khi kho vũ khí và khả năng sản xuất của Tehran tổn thất nghiêm trọng.
Đánh giá về diễn biến sự kiện, giới phân tích Nga cho rằng đầu tiên cần phải thừa nhận Tel Aviv đã khéo léo tận dụng ưu thế vượt trội về kỹ thuật quân sự so với Tehran.
Mặc dù Iran được đánh giá cao về lục quân, tên lửa đạn đạo cũng như máy bay không người lái, nhưng không quân của Cộng hòa Hồi giáo lại rất lạc hậu, đi sau đối thủ tới vài thế hệ.
Hệ thống phòng không hiện đại nhất của Iran là S-300PMU-2 do Nga sản xuất, bị đánh giá không hiệu quả trong việc đánh chặn các mục tiêu tàng hình và bay thấp như tên lửa được máy bay Israel sử dụng.
Hệ thống phòng không tầm xa Bavar 373 của Iran mặc dù được quảng cáo vượt trội không chỉ S-300 mà thậm chí cả S-400, nhưng sự kiện vừa qua đã cho thấy rõ đây chỉ là những lời nói quá của Tehran.
Hiện tại, mặc dù Iran lớn tiếng ca ngợi "chiến công chưa có tiền lệ" đó là đẩy lui đợt tấn công lớn của Israel, nhưng theo báo chí Nga, điều này mang tính an dân mà thôi.