Tiêm kích MiG-35 Fulcrum-F mới chỉ chế tạo được 10 chiếc và không thu hút sự quan tâm ngay từ Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, trái ngược hoàn toàn MiG-29 Fulcum cổ điển với hơn 1.600 chiếc xuất xưởng và vẫn đang được lắp ráp, phục vụ tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Thực tế trên đặt ra câu hỏi: "Tại sao MiG-35 không thu hút được sự quan tâm của những đối tác đang vận hành MiG-29 khi họ là khách hàng quen thuộc của mẫu máy bay đã được thử nghiệm và chứng minh từ thời Liên Xô?"
Theo các chuyên gia, vấn đề đầu tiên nằm ở khía cạnh kinh tế: MiG-29 đã được sản xuất rộng rãi và tiết kiệm chi phí hơn MiG-35, trong khi việc chuyển đổi hoàn toàn sang MiG-35 đòi hỏi phải đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng sản xuất, đào tạo và bảo dưỡng.
Xem xét các hạn chế và ưu tiên về ngân sách quốc phòng của Nga cũng như các đối tác của họ - vốn là những quốc gia không dư dả về mặt tài chính, việc tiếp tục sử dụng MiG-29 là lựa chọn tốt hơn nhiều.
Cần nhấn mạnh, mặc dù đã cũ nhưng MiG-29 vẫn là một tiêm kích có thể thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như phòng không và cả tấn công. Những chiếc Fulcrum cổ điển vẫn chứng minh được tính hiệu quả của nó mà chưa cần tới chiếc Fulcrum-F tối tân hơn nhiều.
Hệ thống hạ tầng, hậu cần kỹ thuật được thiết lập từ lâu dành cho MiG-29 sẽ giúp giảm chi phí khai thác, tạo điều kiện bảo dưỡng dễ dàng hơn, do vậy việc thay thế phi đội Fulcrum trên quy mô lớn sẽ mất thời gian.
Cho đến khi MiG-35 trở nên phổ biến hơn và được sản xuất hàng loạt, MiG-29 sẽ tiếp tục là một thành phần quan trọng trong việc duy trì sức mạnh tác chiến trên không của Nga và nhiều lực lượng không quân khác trên thế giới.
Trong tình hình trên, đề xuất sử dụng MiG-29 cùng với MiG-35 là một lựa chọn cân bằng giữa chi phí, tính năng và hậu cần. Giá trị của MiG-29 trong một số tình huống nhất định cho thấy nó vẫn là một vũ khí quan trọng cho đến khi MiG-35 được chế tạo với số lượng đủ lớn.
Ngoài ra những phiên bản nâng cấp của MiG-29 cũng có tính năng rất đáng gờm. Điển hình như phiên bản MiG-29SMT (Izdeliye 9-18 và 9-19), đây là sản phẩm của chương trình nâng cấp giữa vòng đời cho MiG-29S từ năm 1999 đến đầu thập niên 2000.
MiG-29SMT được tích hợp radar mảng pha quét chủ động (AESA) N010M Zhuk tiên tiến, được ca ngợi vì khả năng vượt trội, đặc biệt là khi so sánh với các hệ thống radar trước đó trang bị cho MiG-29S, không thua kém nhiều so với MiG-35.
Radar N010M Zhuk là một bản nâng cấp đáng kể so với các mẫu trước đó, cung cấp năng lực tác chiến cao hơn nhiều khi có thể theo dõi 10 mục tiêu, tấn công cùng lúc 4 đối tượng thông qua tên lửa R-77.
Chưa dừng lại đây, radar này tự hào có nhiều chế độ không đối đất, ví dụ như khẩu độ tổng hợp (SAR) để lập bản đồ mặt đất, tính năng trên rất quan trọng đối với các máy bay chiến đấu đa năng hiện đại.
Khả năng chống nhiễu và xử lý hình ảnh radar có độ phân giải cao khiến radar Zhuk trở thành một thành phần quan trọng trong khả năng tác chiến của tiêm kích MiG-29SMT.
MiG-35 ban đầu được cho là sẽ trang bị radar Zhuk-AE AESA tiên tiến hơn, nhưng do gặp nhiều thách thức trong quá trình phát triển, bao gồm vấn đề năng lực sản xuất và độ tin cậy, khí tài này chưa bao giờ được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Chính vì vậy, tiêm kích MiG-35 hiện nay vẫn phải trang bị các hệ thống radar hạ cấp, thậm chí không bằng với hiệu suất của radar Zhuk trang bị cho MiG-29SMT.
Radar N010M Zhuk tên MiG-29SMT được đánh giá cao ở độ bền bỉ, khả năng tấn công nhiều mục tiêu và hiệu suất đáng tin cậy. Những đặc điểm này góp phần giải thích tại sao MiG-29SMT được Không quân Nga ưa chuộng hơn MiG-35.
Một lý do khác nằm ở giai đoạn thử nghiệm kéo dài hơn dự kiến của MiG-35 do gặp phải nhiều vấn đề phức tạp, liên quan đến những thách thức về kỹ thuật và tài chính, đây là kết quả của nhiều yếu tố hợp thành.
MiG-35 được thiết kế xoay quanh hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và radar AESA Zhuk-AE thế hệ mới, tất cả đều cần thử nghiệm rộng rãi để đảm bảo độ tin cậy và hiệu suất tác chiến.
Việc tích hợp các hệ thống tiên tiến nói trên vào một khung máy bay mà không làm suy yếu khả năng tổng thể của chiếc tiêm kích đã được chứng minh độ tin cậy qua thời gian dài sử dụng là một nhiệm vụ vừa đầy thách thức vừa tốn thời gian.
Những khó khăn này đã làm chậm trễ dự án MiG-35, thậm chí so với các chương trình vũ khí khác của Nga, Fulcrum-F nhận được ít ngân sách hơn. Khó khăn về kinh tế hiện tại làm trầm trọng thêm thách thức này.
Ngoài ra những yêu cầu ngày càng cao của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga và nhu cầu liên tục nâng cấp các hệ thống của MiG-35 đã kéo dài thời gian thử nghiệm.
Việc tích hợp vũ khí mới và hệ thống tác chiến điện tử đòi hỏi nhiều bài kiểm tra bổ sung, thực tế trên giải thích tại sao Quân đội Nga vẫn phải dựa vào các phiên bản MiG-29 cổ điển thay vì MiG-35 tối tân hơn.