Thiên đường quà vặt ở phố...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Nét đặc trưng phổ biến ở mọi thành phố trên thế giới là quà vặt. Những năm 90 ai đó có dịp ghé qua Thủ đô Bangkok của Thái Lan sẽ thấy đó chính là thiên đường quà vặt. Mọi ngóc ngách trong thành phố đều có hàng ăn, hàng quà vặt. Ngạc nhiên thay, Hà Nội cũng từng là nơi như thế từ thập kỷ 60 và trước đó nữa rồi.

Những quán cóc vỉa hè luôn thu hút mọi lứa tuổi ngồi trò chuyện hàn huyên

Những quán cóc vỉa hè luôn thu hút mọi lứa tuổi ngồi trò chuyện hàn huyên

Lũ trẻ Hà Nội những năm 60 sống với thiên đường quà vặt của mình ở ngay cổng các ngôi trường phổ thông. Ông bán kẹo bông mang cái bàn quay ra đứng bệ vệ ngay cổng trường. Trên vai thể nào cũng vắt chiếc khăn mặt bông trắng tinh để thỉnh thoảng chấm chút mồ hôi trên mặt. Tay làm, miệng nói không ngớt. Trẻ con xúm xít vòng quanh trong tay đứa nào cũng có đồng 5 xu chờ đến lượt. Những chiếc kẹo bông quấn vào que tre trắng muốt to tướng nhưng thực ra nguyên liệu làm ra nó chỉ chừng một thìa cà phê đường trắng. Chúng chậm chạp nhấm nháp ngon lành.

Ông bán kẹo kéo có chiếc bàn gấp cắp nách cũng ngả ra cổng trường đặt lên đấy khúc kẹo to như con lợn sữa màu trắng ngà. Xuống tấn vững chãi, lão dùng chiếc khăn mặt cáu bẩn kéo dài sợi kẹo ra từ khúc kẹo lớn. Công việc có vẻ như đòi hỏi một sức lực phi thường. Kể cả những đứa trẻ lớn lão cho kéo thử cũng không đứa nào làm nổi. Thế nhưng kỹ thuật điêu luyện của lão lại còn thể hiện ở những động tác hết sức tinh vi. Hai ngón tay gạt xuống cắt đứt chiều dài thanh kẹo mười lần như một. Trẻ con không bao giờ tị nạnh về chiều dài viên kẹo ấy.

Lũ trẻ Hà Nội những năm 60 sống với thiên đường quà vặt của mình ở ngay cổng các ngôi trường phổ thông. Ông bán kẹo bông mang cái bàn quay ra đứng bệ vệ ngay cổng trường. Trên vai thể nào cũng vắt chiếc khăn mặt bông trắng tinh để thỉnh thoảng chấm chút mồ hôi trên mặt. Tay làm, miệng nói không ngớt. Trẻ con xúm xít vòng quanh trong tay đứa nào cũng có đồng 5 xu chờ đến lượt”.

Nhà văn Đỗ Phấn

Những hàng ô mai, táo dầm, bánh gối, bi don don, bánh chín tầng mây, ốc vặn… cũng bán theo phương thức cắp nách ấy. Nghĩa là đồ nghề tối giản có thể cầm theo người để nhanh chóng chuyển sang địa bàn khác. Họ không có chỗ ngồi cố định. Nhưng rất lạ là hàng hóa của họ cực kỳ đều đặn cả về chất lượng lẫn giờ giấc. Ông bán bánh gối có đến dăm chiếc chai nhỏ đựng các loại nước chấm pha sẵn. Khi bán bánh dùng kéo cắt vào mình chiếc bánh một lỗ hình chữ V.

Tiếp sau đó là lần lượt thứ tự từng chai dấm tỏi, tương ớt được xóc vào nhân bánh. Lũ trẻ không chỉ thưởng thức chiếc bánh giòn tan trong miệng với vị đậm đà, chua cay vừa vặn mà còn thưởng thức cả động tác của ông bán hàng. Động tác ấy đã làm ra tên gọi của món bánh ấy. Chúng gọi là “Bánh xóc lọ”. Về sau các ông bán bánh gối cũng rao hàng như thế. “Xóc lọ đê, xóc lọ đê”.

Bún ốc nguội trên hè phố Hà Nội

Bún ốc nguội trên hè phố Hà Nội

Quà vặt của người lớn trên phố phần lớn có mặt trong các hàng nước chè chén 5 xu. Món nước chè chén không ngờ lại là món hàng giữ giá lâu nhất trong toàn bộ ngành thương nghiệp. Mãi đến tận những năm 90 thế kỷ trước giá của nó vẫn chỉ là 5 xu. Một chén quả hồng vơi chè búp Thái Nguyên pha vào ấm tích rót ra được chừng hơn chục chén. Bã chè đổ ra gốc cây có người đến lấy mang về nuôi thỏ. Sau chiến tranh hầu hết các con phố đều có hàng nước chè. Một chiếc xe đẩy làm bàn.

Sắp đặt trên mặt bàn là khoảng hơn 20 món hàng đựng trong các lọ thủy tinh rộng miệng. Vài hàng nước bán thêm rượu trắng thì lấy can rượu trong hộc tủ ra rót cho khách. Đơn vị đo lường lúc ấy là chiếc chén quả hồng sứ trắng Hải Dương. Rượu đong bằng nó và nước chè cũng thế. Hàng nước trong phố phổ biến phải có lọ kẹo lạc, kẹo vừng. Lọ đựng thuốc lá quấn bằng giấy con gà đóng chục điếu một bó. Lọ lạc rang cho khách uống rượu có chiếc chén hạt mít bên trong dùng làm đơn vị đo lường. Hộp kính đựng thuốc lá bao các loại và thuốc lào đóng gói.

Những chiếc bánh rán mật hấp dẫn

Những chiếc bánh rán mật hấp dẫn

Bánh trái, hoa quả tiện gì bán nấy mua của người bán rong. Hàng nước bến xe, bến tàu sẽ có thêm vài quả trứng luộc, dăm chiếc bánh chưng con cho khách ở xa lỡ độ đường. Và hầu như không hàng nước nào thiếu chiếc cóng đựng bánh rán mật. Đó chính là chiếc cóng trẻ con ở phố vẫn nuôi cá vàng.

Bánh rán mật chẳng hiểu sao có sức quyến rũ đến lạ kỳ. Người lớn trẻ con đều thích cả. Vào bất cứ lúc nào. Đàn ông, đàn bà thanh lịch comple, áo dài đã vào hàng nước thể nào cũng nhón tay lấy chiếc bánh rán mật. Đúng như tục ngữ có câu đúc kết “Đẹp vàng son, ngon mật mỡ” hình như có độ liên tưởng không hề nhẹ với món bánh rán mật. Chẳng đói chẳng no gì chiếc bánh rán bé tẹo nhưng cái vỏ mật ngọt hanh mùi mía giòn tinh trong miệng cộng với hương thơm mát của nhân đậu xanh và vỏ bánh bột nếp là thứ quyến rũ rất khó cưỡng.

Nhà văn Đỗ Phấn

Nhà văn Đỗ Phấn

Hà Nội bây giờ dù rằng còn tồn tại rất ít hàng nước chè nhưng bánh rán mật vẫn có mặt trên những chiếc xe đạp bán rong khắp phố phường. 5h sáng hàng ngày vẫn có hàng đoàn người bán rong đến các lò rán bánh ở vùng Kim Mã, Giang Văn Minh lấy hàng mang đi bán. Có người rao bằng loa pin có người không. Nhưng bánh rán mật của họ vẫn là món đắt hàng nhất trong các loại quà vặt bấy giờ.

Thời chiến tranh bao cấp thiếu thốn mọi bề. Chiếc kẹo lạc, kẹo vừng ở hàng nước chính là nơi bổ sung chất đường cho cơ thể. Nhiều cán bộ sáng đi làm chỉ ghé vào hàng nước uống chén nước chè, hút dăm điếu thuốc lào và ăn chiếc kẹo lạc là vững bụng đi đến cơ quan. Những người có đủ tiền ăn sáng bằng xôi xéo, xôi ngô, xôi lạc đầu phố không nhiều. Người lớn nhịn thèm nhưng trẻ con dứt khoát phải có.

Những phở, những bún, mì vằn thắn, cháo tim gan thời kỳ này đã là những bữa ăn chính sang trọng. Nó không còn là quà vặt bữa lỡ nữa. Chính vì thế nên người bán hàng đã bắt đầu sắm những chiếc bát có dung tích lớn hơn. Chiếc bát chiết yêu rộng miệng thót chân vắng bóng dần cho đến lúc hết hẳn. Vài người mở hàng bán bún ốc nguội giờ đây tìm được chiếc bát chiết yêu quả là rất khó. Bún ốc nguội vẫn chỉ là quà vặt mà thôi. Chẳng ai Hà Nội lại đi ăn no món ấy.

Tin đọc nhiều