Dọn nhà đón Tết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Người Hà Nội thường quan niệm, để có những ngày đầu năm mới thật đầm ấm vui tươi thì nhà cửa phải luôn gọn gàng sạch sẽ. Do vậy những ngày giáp Tết bao giờ cũng là những ngày bận rộn và náo nức. Thường vào những ngày đó, nhà nhà, người người đều chung tay dọn dẹp.
Dọn dẹp nhà cửa là thói quen chung của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về

Dọn dẹp nhà cửa là thói quen chung của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về

Một nét truyền thống

Tôi nhớ ngày còn bé, năm đó là năm đầu tiên gia đình tôi mới có được một căn nhà nên chuẩn bị đón Tết là tất cả đều nhắc đến việc dọn dẹp sao cho thật đẹp. Riêng tôi lại bảo: “Nhà mình mới dọn về được mấy tháng, dọn dẹp làm gì cho mệt”. Mẹ cốc nhẹ lên đầu tôi một cái: “Nhà mình mới về ở thật, nhưng năm mới cũng nên dọn dẹp cho tinh tươm con ạ”. Nói rồi mẹ tôi liền phân công công việc, vì là con trai nên tôi được giao việc “nặng nhất” là lau chùi bàn ghế, cửa sổ, cửa ra vào. Còn những việc như quét nhà, dọn rác thì do mấy chị tôi làm.

Mấy chục năm đã trôi qua, nhớ lời mẹ, vả lại cũng đã thành thói quen mỗi khi Tết đến xuân về, tôi lại “tự giác” dọn dẹp nhà cửa. Thực ra đây cũng là thói quen chung của người Hà Nội. Tết, nhà nào có điều kiện thì thay đồ mới, thế là phải dọn dẹp và mang đồ cũ bỏ đi. Năm mới tới, thấy tường nhà ẩm mốc quá nhiều, thế là gọi thợ tới sơn sửa, dĩ nhiên mình cũng phải “thò chân thò tay” cho vừa nhanh lại vừa sạch. Nhớ hồi xưa mẹ tôi bảo: “Nhà bình thường nhìn cứ tưởng không có gì, nhưng thực ra quá trình mình ở kiểu gì thì cũng phải quét dọn”. Tôi có lần cự lại: “Thì ngày nào mà con chẳng quét nhà”. Mẹ tôi cười: “Ngày nào cũng quét là đúng rồi, nhưng đón năm mới cũng nên dọn lại cho sạch hơn”. Chuyện dọn nhà cửa mãi sau này tôi mới hiểu nó không chỉ là quét cho sạch mà trong tâm lý của người Việt nói chung, dọn dẹp nhà cửa đón Tết là điều không thể thiếu và vô cùng quan trọng.

Những ngày áp Tết không khí thật rộn ràng, tâm trạng háo hức dường như được tăng thêm bởi cả nhà cùng chung tay dọn dẹp nhà cửa

Những ngày áp Tết không khí thật rộn ràng, tâm trạng háo hức dường như được tăng thêm bởi cả nhà cùng chung tay dọn dẹp nhà cửa

Thói quen tâm linh

Những ngày áp Tết không khí thật rộn ràng, tâm trạng háo hức dường như được tăng thêm bởi cả nhà cùng chung tay dọn dẹp nhà cửa. Người lớn làm việc nặng, người bé làm việc nhẹ. Cả nhà cùng cười nói, gọi nhau í ới, khi thì nhờ khênh hộ cái giường lui sang một bên để có thể lùa chổi vào quét, khi thì hỏi xem thứ đồ này đã cũ nên bỏ đi hay giữ lại. Mọi chuyện cứ ríu ran cả lên, vui ra phết. Tôi ngó sang bên hàng xóm, thấy cũng rộn ràng, cũng í ới. Mấy đứa trẻ chưa đến tuổi lao động (bởi chúng còn bé quá) thì chạy ra cửa rồi chạy vào nhà, chạy cả sang hàng xóm hỏi nhau tíu tít, rộn ràng từ trong nhà ra ngoài phố.

Việc dọn dẹp nhà cửa tưởng đơn giản hóa ra đâu phải vậy, cũng là có chút tâm linh. Ví dụ như kê lại hay sắp xếp bàn ghế, giường tủ đôi khi cũng rất quan trọng. Năm vừa qua trong nhà có vài chuyện chưa ổn, chắc là do giường ngủ kê chưa đúng vị trí, vậy thì kê lại. Mà hóa ra việc kê giường hay tủ cũng chỉ ngần ấy chứ có thêm hay bớt gì đâu mà phải hì hụi kê kê, đẩy đẩy. Thôi thì tâm lý thì cứ làm. Ờ, mà kê lại giường tủ nhìn thấy hình như hợp lý hơn, thuận tiện hơn và cũng thấy gọn mắt hơn. Nhưng việc tưởng chừng dễ nhất hóa ra lại khó khăn, đó là việc bỏ đi những vật dụng không dùng đến nữa. Chao ôi, chia tay một vật nhỏ nhoi nhưng gắn bó với mình suốt năm trời đâu có dễ. Lại bàn bạc, lại phải hỏi nhau và lại có khi phải tranh luận. Tôi nhớ hồi xưa mẹ tôi, một người tiết kiệm tới mức bảo thủ, vậy mà bà đã bảo: “Hãy mạnh dạn bỏ đi những thứ không dùng đến. Con chạy quanh hỏi xem, mà hỏi kheo khéo vào, xem nhà nào chưa có món đồ đó thì họ có dùng không? Mình đem cho người chưa có chứ đừng vứt đi phí phạm”. Tôi chạy ào đi rồi hí hửng về nói oang oang: “Cái bàn uống nước nhà mình ấy, con hỏi rồi, bên nhà bác A chưa có. Bác ấy bảo nhà cháu không dùng đến thì cho bác dùng tạm, đợi khi nào có dịp thì bác mua cái bàn mới”.

Đúng là sau một năm thấy trong nhà có vài ba thứ đã “hết giá trị sử dụng”, đem bỏ đi thấy nhà tự dưng gọn gàng hơn, sạch sẽ hơn. Chưa kể có đồ vật đã hư hỏng, năm vừa qua cứ lần nữa mà chưa thay thế, sửa chữa được, cuối năm có điều kiện nên thay mới, vừa là thêm của thêm vui.

Sạch nhà, gọn phố

Hồi trước, mẹ tôi luôn dặn dò kỹ lưỡng: “Những chỗ góc khuất như góc nhà, góc trần thường khi quét dọn không được kỹ lắm. Ngày Tết đến các con nên quét cho kỹ. Chú ý chỗ nóc tủ, chỗ ấy mọi ngày chẳng mấy để ý nên bụi tích tụ ở đấy”. Hồi xưa quét dọn những chỗ cao hay góc khuất là điều khó khăn, nay thì tiện rồi. Dụng cụ lau dọn rất sẵn, còn có máy hút bụi, cứ lùa vào gầm giường, gầm tủ vài lượt là chẳng còn hạt bụi nào.

Ngày cuối năm cũng là những ngày bận rộn với công việc giặt giũ. Mấy bà, mấy chị là những người đảm nhiệm công việc này. Nếu hôm dọn nhà mà trời quang hay có chút nắng thì tuyệt vời. Cả tấm ri-đô che cửa sổ nữa, cũng cần đem giặt rồi treo lại. Buổi sáng ngày đầu năm bước tới mở cửa sổ ra, cảm giác như có mùi thơm theo gió ùa vào, không khí cũng chợt trở nên thân tình. Mấy năm gần đây, tôi dư dả thời gian hơn nên thường giành lấy việc lau chùi tủ lạnh. Thực ra trong năm cũng vài lần, hoặc theo tháng hoặc là theo tuần, tôi thường lau dọn, nhưng đúng là làm việc này chưa được kỹ càng. Thêm nữa, vào những ngày Tết đến thì tủ lạnh được chất thêm đồ ăn. Dọn dẹp thì chỉ có tôi mới làm được bởi tôi mạnh dạn bỏ những thứ lâu ngày đã khô héo hay hết hạn sử dụng. Mấy bà mấy chị thường tiếc của nên cứ lần chần không chịu vứt.

Dọn dẹp nhà cửa đón năm mới cũng đừng quên nhà vệ sinh, thậm chí cần dọn kỹ mới đúng bởi đó là nơi dễ sinh mùi khó chịu. Năm mới đang tới gần, dọn dẹp nhà mình nhưng cũng nên nhớ là phải sạch phố nữa. Đồ bỏ đi cũng nên để gọn gàng để công nhân vệ sinh đỡ vất vả. Vứt linh tinh hay bừa bãi là làm khó làm khổ người khác. Nên nhớ, người Hà Nội văn minh thanh lịch đấy!

Tin đọc nhiều