Sự tích ngôi chùa có tên “Bà Đanh” ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tôi chọn đúng sáng mùng 1 (âm lịch) để tới ngõ 199 phố Thụy Khuê (Hà Nội). Nghe nói trong ngõ đó có ngôi chùa từng có tên chùa “Bà Đanh”. Sau khi vào ngõ 199, tôi phải qua một cái cổng kiểu cổ. Cổng khá nhỏ nên tôi phỏng đoán đây có thể là cổng hậu hoặc là cổng phụ của làng Thụy Khuê xưa. Qua cổng chừng 20m thì tới chùa Châu Lâm - tấm bảng nhỏ gắn ở bức tường chùa đã ghi như thế!
Tam bảo chùa Châu Lâm

Tam bảo chùa Châu Lâm

Sáng nay, chùa có đông người tới lễ nhưng cũng không khó khăn gì để gặp vị sư trụ trì. Ni sư Thích Đàm Chỉnh năm nay đã 93 tuổi nhưng còn mạnh khỏe. Cụ chùa - như cách gọi của mọi người - sau khi đôn đáo đi lại để nhắc nhở người đến lễ, cụ cũng không quên nhắc tôi: “Ông lên Tam Bảo làm lễ chưa?”.

Nghe lời nhắc và cũng thấy phải làm lễ trước, hỏi chuyện gì thì thư thả, tôi theo chân mấy bà lên Tam Bảo. Đó là chùa chính, một ngôi chùa dường như bị “bé” lại khi kẹp giữa những ngôi nhà dân cao tầng, tuy nhiên Tam Bảo vẫn đầy đủ dáng vẻ của một chùa vào loại kha khá. Tôi lễ xong thì đưa mắt quan sát, trước mặt tôi là một bức đại tự treo chính giữa điện ghi dòng chữ “Phúc Châu tự” (chùa Phúc Châu).

Hơi ngờ ngợ về tên chùa nên tôi quay xuống nhà Mẫu, ni sư Thích Đàm Chỉnh dành cho tôi ít phút để tôi hỏi chuyện. Hiềm nỗi, cụ chùa bị nặng tai nên cuộc trò chuyện của tôi không như mong muốn. Thấy tôi còn băn khoăn nên một bà đi lễ (tên Yến) mách nước: “Bác lên đền Voi phục Thụy Khuê đi. Cụ Tùng đang ở đó. Cứ gặp rồi hỏi cụ Tùng là ra hết”.

Tôi chắp tay cám ơn cụ chùa rồi lên đền Voi phục Thụy Khuê. Ngôi đền rất dễ nhận ra bởi ở ngay mặt phố Thụy Khuê, cách ngã tư Văn Cao - Thụy Khuê chừng hơn chục mét. Rất may cụ Nguyễn Văn Tùng đang ở đó. Cụ chào sau khi nghe tôi tự giới thiệu về mình và về mục đích cuộc gặp.

Cụ ông đã 90 tuổi này còn khá minh mẫn và đặc biệt như lời giới thiệu của bà Yến thì cụ rất thông thạo chuyện chùa, chuyện đền ở làng mình (làng Thụy Khuê). Hiện cụ Tùng là Trưởng ban Quản lý di tích phường Thụy Khuê. Cụ không chỉ hiểu chuyện mà còn nhiều tâm tư về những điều không chính xác khi nói về lịch sử Thăng Long.

Đền Voi phục Thụy Khuê

Đền Voi phục Thụy Khuê

Câu chuyện giữa tôi với cụ Tùng diễn ra thân thiện và cởi mở. Tôi bèn hỏi luôn: “Cháu thấy ở Tam Bảo chùa Châu Lâm có bức đại tự ghi “Phúc Châu tự”? Vậy đó là như thế nào?”. Cụ Tùng mời tôi chén nước chè rồi thong thả bảo: “Chuyện này hơi dài. Để tôi từ từ nói cho ông rõ”. Thuở xưa, tức là cách đây khoảng 700 năm, dưới thời Hậu Lê, năm 1471 đích thân Vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi đánh Chiêm Thành.

Lần ấy quân Lê thắng lớn, bắt được 30.000 tù binh Chiêm. Vua Lê Thánh Tông lệnh đưa hết số tù binh Chiêm này về Đại Việt. Trong số những tù binh đó có nhiều người khỏe mạnh, có tay nghề xây dựng, nghề mộc. Vua đưa những người có tài đó về kinh thành để tiện phục vụ xây dựng công trình.

Nơi những tù binh Chiêm đó sinh sống được lập ở bên hồ Dâm Đàm (chỗ trường THPT Chu Văn An hiện nay). Chỗ đó được gọi là ấp (hoặc viện) Châu Lâm. Chữ Châu Lâm không có nghĩa là “rừng ngọc” mà được hiểu như sau: “Châu” là chỉ vùng miền, như kiểu châu Hoan, châu Ái xưa, còn “Lâm” gợi về quê hương Chiêm Thành. Ấp Châu Lâm là nơi những người tù binh Chiêm sống.

Cụ Nguyễn Văn Tùng

Cụ Nguyễn Văn Tùng

Nhưng thợ tù binh Chiêm vốn theo đạo Phật nên ở ấp Châu Lâm có một ngôi chùa nhỏ để họ đến đó thực hiện tín ngưỡng của mình. Đây cũng là một việc làm thể hiện sự quan tâm đến đời sống tâm linh của những người Chiêm. Chùa dành cho người Chiêm nên được đặt theo tên ấp là chùa Châu Lâm và do một người đàn bà cô quả trông coi. Vì sao lại chọn một người đàn bà trông coi chùa? Dễ hiểu là bởi thuở xưa, nhất là mấy trăm năm trước, cơ sở đào tạo Phật giáo hầu như không có.

Các nhà tu hành muốn thành chính quả ngoài tu luyện trong các ngôi chùa hiếm hoi trong nước ra còn phải “sang Tây Trúc lấy kinh”, tức là phải “du học” Phật giáo bên Ấn Độ. Do vậy việc có sư trụ trì ở trong chùa là vô cùng hiếm nên phải cậy nhờ tới những người đàn bà không nơi nương tựa trông coi.

Người đàn bà cô quả đó được người làng gọi là bà Đanh, bà Đanh có nhiệm vụ đóng mở cửa chùa, thắp hương, lau chùi quét dọn và những việc vặt như nhổ cỏ, đốt lá. Tù binh Chiêm và cả người dân quanh đó quen mồm gọi nôm na chùa Châu Lâm là chùa “Bà Đanh”.

Đến đây tôi phải nói thêm rằng, thuở trước ở các làng người Việt Bắc bộ còn có nhiều thôn, xóm, chòm, ấp... những “đơn vị hành chính dưới làng” này thường có tên gọi riêng, dĩ nhiên không có tên “sang” như tên làng chính. Thế là ra đời những cái tên tục kiểu như: Xóm Đanh, xóm Đá, xóm Đìa, thôn Ngô, thôn Nành...

Hiện ở quê tôi (thị xã Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên), ở quận Long Biên và huyện Gia Lâm, Hà Nội và một số địa phương khác vẫn còn những thôn, làng, xóm mang cái tên tục đó. Trong những thôn xóm ấy hay có những người đàn bà có số phận không được tròn trĩnh và hình như họ chẳng có tên riêng để gọi mà được gọi theo tên tục xóm, thôn nơi họ sinh sống. Khi chùa làng cần người trông coi thì những người đàn bà đó được cử ra chùa làm công quả.

Gọi chùa Châu Lâm là chùa “Bà Đanh” chắc là gọi kiểu dân giã theo tên tục của người đàn bà trông chùa ở thôn Đanh? Được biết ở Hà Nội hiện nay vẫn còn một số chùa vốn mang tên tục như vậy, chẳng hạn như: Chùa Bà Đá ở phố Hàng Trống; chùa Bà Ngô ở phố Nguyễn Khuyến; chùa Bà Nành ở phố Ngô Sĩ Liên.

Những ngôi chùa mang tên “Bà” đó có diện tích khá khiêm tốn nhưng vẫn giữ được cấu trúc quen thuộc của các ngôi chùa cổ phía Bắc và đều có tuổi đời 800 - 900 năm. Rất có thể người đàn bà trông coi chùa “Bà Đanh” ở ấp Châu Lâm xưa là một trong những hoàn cảnh như vậy?

Cổng cổ làng Thụy Khuê

Cổng cổ làng Thụy Khuê

Tôi hỏi cắt ngang lời cụ Tùng: “Vậy tên chùa ở Thụy Khuê là gì?”. Cụ Tùng cười, ý bảo tôi cứ từ từ mà nghe. Thời gian phôi phai, những tù binh Chiêm làm lao dịch ở ấp Châu Lâm thưa vắng dần. Người thì già cả mà qua đời, người thì được dời đi nơi khác sinh sống. Họ và con cháu họ sau này đều trở thành con dân Đại Việt (về những người Việt gốc Chiêm Thành cùng những ngôi làng của họ xin được dành cho bài viết sau).

Từ khi những tù binh Chiêm thưa dần rồi hết hẳn, ngôi chùa Châu Lâm (vốn đã không có người Việt đến lễ) nên đã vắng vẻ lại càng thêm vắng vẻ. Chùa thành hoang phế. Người dân các làng quanh đó mỗi khi nói chuyện với nhau thường bảo rằng: ‘Vắng như chùa Bà Đanh”. Câu nói này tôi ngẫm ra rất có lý.

Cụ Tùng cho hay, cũng vào thời gian ấy làng Thụy Khuê có một ngôi chùa mang tên Phúc Lâm. Người làng thường đến chùa Phúc Lâm để lễ Phật nhưng “nỗi nhớ” về một ngôi chùa có tên là Châu Lâm hay “Bà Đanh” thì người làng Thụy Khuê chẳng bao giờ quên. Chùa Châu Lâm tuy hoang phế nhưng nó vẫn tồn tại song song với chủa Phúc Lâm.

Chắc là do nhận thấy sự “thừa thãi” bởi một làng có những 2 chùa nên vào năm 1870, chùa Phúc Lâm được sáp nhập với chùa Châu Lâm và mang tên mới là Phúc Châu. Đến năm 1907, do khu vực chùa cũ bị người Pháp lấy đất để xây dựng trường Lycée du Protectorat (trường Trung học Bảo hộ, tức trường THPT Chu Văn An) nên chùa được di dời tới tại vị trí như hiện nay ở ngõ 199 phố Thụy Khuê, bức đại tự ghi “Phúc Châu tự” là bằng chứng.

Cụ Tùng còn giải thích cho tôi hiểu vì sao có tên là Phúc Châu rồi mà người làng Thụy Khuê cứ gọi là chùa Châu Lâm, ấy là bởi gọi quen rồi nên lâu ngày cứ thế mà gọi. Chùa Phúc Châu (hay chùa Châu Lâm như cách gọi hiện nay) tuy không phải là “chùa Bà Đanh” của những tù binh Chiêm xưa, nhưng ở một cách hiểu nào đó thì chùa dường như là “tiếp nối” của chùa “Bà Đanh” xưa. Do vậy mới có một sự nhầm lẫn khi cho rằng chùa Châu Lâm (Phúc Lâm tự) là chùa “Bà Đanh”.

Tin đọc nhiều