Nhớ mùa nhót chín cuối xuân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những đứa trẻ làng quê thì chẳng lạ gì với quả nhót xanh đã chua lại còn chát, ấy vậy mà cứ hái cả vốc đầy nắm tay rồi dăm ba đứa túm tụm lại mà mài vào cổ tay áo hay gấu quần rồi chấm muối ăn.
Mỗi độ cuối xuân, phố phường thường xuất hiện các gánh hàng rong “quẩy” một thứ quả khá độc đáo, xanh cũng có mà chín đỏ mọng cũng nhiều - đó chính là nhót

Mỗi độ cuối xuân, phố phường thường xuất hiện các gánh hàng rong “quẩy” một thứ quả khá độc đáo, xanh cũng có mà chín đỏ mọng cũng nhiều - đó chính là nhót

Loại quả quen thuộc của tuổi thơ

Hà Nội những ngày tháng 3, ra phố hẳn là mọi người chẳng khó để bắt gặp hình ảnh những gánh hàng rong “quẩy” một thứ quả khá độc đáo, xanh cũng có mà chín đỏ mọng cũng nhiều - đó chính là nhót. Nhót là một thứ quả vốn trước đây thường hay được trồng ở bờ rào hay góc vườn, một loại cây dây leo dạng bụi cứ độ xuân về là cho quả. Quả nhót hình bầu dục vỏ mềm có vị chua chát khi xanh nhưng khi chín đỏ khá ngọt và mềm, một điểm thú vị đó là trên lớp vỏ của quả nhót luôn bám một lớp phấn mày trắng nhỏ li li, khi ăn phải mài quả đó vào một tấm vải sần cho bay hết thì ăn mới không bị mắc cổ.

Những đứa trẻ làng quê thì chẳng lạ gì với quả nhót xanh đã chua lại còn chát, ấy vậy mà cứ hái cả vốc đầy nắm tay, dăm ba đứa túm tụm lại mà mài vào cổ tay áo hay gấu quần rồi mới chấm muối ăn. Cái chua nhăn mặt, cái chát nghẹn nghẹn ấy thế mà lại rất cuốn, cứ vậy mà luôn tay giành nhau ăn. Quả nhót có thể ăn được từ khi còn xanh non người ta vẫn hay gọi là nhót bao tử, chứ chẳng cần phải đợi đến chín đỏ mọng mới hái xuống ăn. Dù chua đấy, chát đấy nhưng quả nhót xanh lại khá được chuộng bởi chúng kết hợp được nhiều kiểu ăn và cách ăn thú vị. Một số tỉnh miền núi chuộng ăn nhót xanh hơn nhót chín, còn ở Hà Nội phần lớn lại thích ăn quả chín đỏ mọng, có lẽ ngọt và dễ ăn hơn.

Không chỉ là một thứ quả ăn chơi, nhót tuy có vị chua chát nhưng lại rất giàu vitamin C, sắt, canxi và một số hợp chất chống oxy hóa... Thậm chí phần dễ cây và nhân hạt của quả nhót còn có tính bình, tác dụng là vị thuốc trị đại tràng, trị ho hen, khó thở. Những tưởng những trái nhót nhỏ chua chát nơi bờ hè, bờ dậu ít người ăn, ấy thế mà những năm gần đây với sự phổ cập mạng xã hội một cách sâu rộng hơn, nhiều cách ăn nhót độc đáo đã được phổ biến và nhiều người thích ăn hơn. Chính vì thế giá thành cũng thuộc dạng không hề rẻ, đầu mùa những quả xanh non cũng dao động từ 100.000 - 150.000/kg, đến khi quả chín rộ lại cũng được giá chẳng kém.

Phổ biến nhất là cách ăn nhót rất độc lạ của người Thái ở Sơn La, đó là ăn nhót xanh cuộn với lá cải bắp chấm chẩm chéo, đến độ những năm gần đây kiểu ăn này nó phổ cập mở rộng tới rất nhiều tỉnh thành. Một số nơi khác thì ăn nhót xanh chấm muối ớt, vài tỉnh ở khu vực Đông Bắc thì lại “khoái” ăn nhót xanh chấm muối hột rang với mắm tôm dầm ớt, thậm chí vào dịp Tết người ta mang hẳn đĩa nhót xanh ra làm một loại trái cây thông thường tiếp khách. Đặc biệt nấu canh cá hay canh sườn cũng thế nó chua chua, thanh thanh khá dễ ăn, nhất là rất hiệu quả trong việc giải ngấy, giải ngán. Quả nhót có những đặc điểm riêng khá độc đáo, nó không dễ hấp dẫn người ăn ngay từ lần đầu trải nghiệm nhưng khi đã quen vị rồi thì chỉ cần nhắc đến tên thôi cũng khiến người ta phải “ứa” miệng thèm thuồng.

Tháng 3, mùa của những quả nhót ngập tràn phố thị

Tháng 3, mùa của những quả nhót ngập tràn phố thị

Những kiểu ăn nhót độc đáo

Nhót vốn được xếp vào những loại quả có vị rất đặc biệt và không dễ ăn, bởi cái chua nó khiến người ta phải nhăn mặt thưởng thức, nhưng người Việt vốn quá giỏi trong việc biến hóa các món ngon. Thế nên chua cỡ nào cũng có cách “trị”, muốn ăn quả nhót sao cho ngon thì cũng phải biết cách, chứ còn đợi đến khi quả chín đỏ mọng mới ăn thì khá là tiếc nuối.

Món nhót cuộn bắp cải những năm gần đây mức độ “viral” (phổ biến) đang ngày một mạnh, giới trẻ ưa trải nghiệm những thứ độc lạ cũng đang ngày một quen và dễ tiếp nhận kiểu ăn này. Để ăn được món này khâu chuẩn bị cũng phải “đúng bài”, cần có lá bắp cải, rau mùi, gừng tươi thái lát, tỏi, rau thơm…, đặc biệt nhất là muối chẩm chéo. Ngày nay người ta đã làm những lọ muối chẩm chéo sẵn bán đầy ngoài thị trường nên rất dễ để mua về trải nghiệm.

Chẩm chéo bao gồm: muối trắng, ớt, tỏi, mắc khén được rang lên rồi giã ra chung với một số loại rau thơm thêm nếm chút gia vị nữa, ăn có vị vừa mặn vừa cay lại vừa hăng, ấy thế mà chấm nhót thì rất “đỉnh”. Khi ăn sẽ lấy một miếng lá cải bắp, đặt rau thơm, rau mùi, lát gừng, lát tỏi, thêm một hai miếng nhót xanh đã được tách đôi vào cứ thế mà cuốn như chúng ta vẫn ăn đồ cuốn. Chấm vào muối chẩm chéo, cái chua cay, nồng nồng, bùi bùi, hăng hăng khiến người trải nghiệm khó lòng mà cưỡng lại, càng căng lại càng “cuốn”.

Để đỡ cầu kỳ hơn chút ta chọn những quả nhót xanh còn hơi non thì sẽ không quá chua, khi đó vẫn ăn được cả hạt, mài cho bay hết lớp mày phấn trên vỏ cứ thế mà chấm muối ớt, muối mắm tôm khá thú vị. Nếu muốn thấm hơn thì sau khi tách đôi quả nhót theo chiều dọc đem lắc với gia vị, muối, ớt giã để tầm 30 phút là có thể ăn được, cái chua là cay tê lưỡi cũng là một trải nghiệm thú vị đối với những người khoái ăn đồ chua. Và những cách ăn này thường là để ăn chơi trong những dịp tụ tập nhóm bạn.

Vào xuân, tiết trời cũng vì thế mà trở nên ấm áp hơn thì nấu những món canh chua không gì hợp bằng. Ở ta có rất nhiều món canh chua được nấu từ những loại quả từ tự nhiên, mỗi một loại quả đem đến một vị chua riêng và canh chua với quả nhót cũng khá thú vị. Món canh chua với quả nhót có vị chua khá dễ chịu, chua dịu chứ không quá gắt, dễ ăn và cũng dễ cả chế biến. Hợp nhất là nấu canh chua với cá, các loại cá quả hoặc đầu cá trắm hoặc nấu canh thịt bằm và canh sườn cũng rất “ưng”. Món canh chua với cá chế biến cũng khá là nhanh, phi thơm hành rồi xào sơ qua với cà chua đã được thái múi cau, thêm nước đun cho sôi, nêm nếm gia vị rồi thêm thìa nhỏ cơm mẻ cho thơm, thêm nhót xanh vào. Sôi độ vài phút là nhót chín mềm cứ thế dầm nhót ra để lấy vị chua, cuối cùng mới cho đầu cá hoặc cá cắt khúc vào, chỉ cần đun sôi một lúc cho cá chín là thêm hành, mùi tàu vào. Món canh cá nấu với nhót chua hợp ăn với bún, hoặc ăn ghém với rau sống rất dễ ăn, cá chín có vị ngọt tươi, nước canh chua dịu và thanh.

Với canh thịt bằm hay sườn cũng có thể làm tương tự, đặc biệt người ta cũng dùng nhót thả nồi lẩu để lấy vị chua chua, khiến cho nồi lẩu không quá ngán khi nhúng nhiều loại thịt thà, hải sản. Nhót xanh cũng có thể đem kho cá như cách người ta lấy vị chua của quả tai chua kho cá vậy, hoặc cũng có thể ăn cùng gỏi cá.

Nhót chín thường thì chúng hay ăn trực tiếp là chính, tuy vậy vẫn có những loại nhót mà quả dù đã chín đỏ rồi nhưng khi ăn vẫn khá là chua, nên người ta sẽ đem ngâm đường cho dễ ăn hơn. Chỉ cần mài cho sạch lớp phấn mày, hoặc cầu kì hơn là bóc luôn lớp vỏ đi cứ thế trộn với đường và để cho đến khi đường tan và thấm hết vào quả nhót, sau đó đem bảo quản trong ngăn mát độ 1 đến 2 ngày là có thể ăn được rồi, vị nhót ngọt mềm, thanh thanh chua cũng khá là thú vị.

Tháng 3, mùa của những quả nhót ngập tràn phố thị, ăn những trái nhót xanh ngon hay ngắm nhìn những quả chín đỏ mọng cũng đem đến cho ta những trải nghiệm vô cùng thú vị, một thứ quả vừa độc đáo vừa giàu dinh dưỡng.

Tin đọc nhiều