Đầu năm mua muối...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Đầu năm mua muối/ Cuối năm mua vôi” - đó không chỉ là tập tục mà sâu xa hơn chính là lời dặn dò con cháu của các cụ ngày xưa. Tôi nhớ ngày mình còn bé xíu, sớm mùng 1 Tết, khi vừa chìm vào giấc ngủ sau gần như cả đêm thức đón Giao thừa, đã nghe văng vẳng tiếng rao: “Ai mua muối nào…”. Âm thanh ấy khiến tôi chợt tỉnh, tai ngóng ra ngoài ngõ.

Mặn mà năm tới

Mẹ tôi bảo, muối là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, no đủ. Tục mua muối đầu năm với ý nghĩa cầu sự đậm đà gắn bó giữa vợ chồng, con cái. Hơn thế nữa còn là sự mặn mà, thân thiết quanh năm trong các mối quan hệ họ hàng, làng xóm và quan hệ làm ăn. Lớn thêm vài tuổi tôi lại được mẹ giảng giảng: “Mua muối ngày đầu năm mới nghĩa là trong nhà thiếu gì thì thiếu chứ nhất thiết không được thiếu muối”.

Đây là cách các cụ nhắc nhở con cháu năm nay phải biết ăn tiêu chắt bóp, ngộ nhỡ nhà hết đồ ăn thì còn có muối để bữa cơm không lạt miệng. Hiểu sâu xa hơn thì hạt muối tuy mặn, nhưng đó là sự kết tinh cao, màu trắng trong tượng trưng cho sạch sẽ, tinh khiết và cũng là biểu trưng cho tình cảm tốt đẹp. Có lần mẹ tôi còn nói thêm, hạt muối còn là thể hiện sự sâu đậm của tình người, thái độ con người đối đãi với những mất mát thiệt thòi.

Chính vì thế, chiều 30 Tết ở một số vùng quê có tục “gọi gạo”. Theo đó, vào chiều ngày cuối năm, người trong làng mang nắm gạo, nắm muối vừa đi vừa rắc xuống đường, rắc cả vào những lùm cây hay chỗ thưa người qua lại. Tục gọi gạo rắc muối ấy có từ bao giờ thì chưa rõ, nhưng những người dân trong làng vừa đi vừa rắc gạo muối vừa cất tiếng thôi thúc: “Gạo ơi, gạo ởi, gạo ời/ Nắm cơm, bát nước, nấu xôi gạo à”.

Theo như giải thích thì tục “gọi gạo” chính là biểu hiện trách nhiệm, tình cảm của những người đang sống đối với những người đã mất, nhất là đối với những người cô quả, không có ai thờ cúng, tựa như cách “cúng cô hồn” vào dịp Rằm tháng 7 vậy. Cách thức rắc gạo muối này còn được người Việt thực hiện trong thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Trên mâm cúng trời đất đặt trước cửa, ngoài xôi gà ra thì bao giờ cũng có đĩa muối, đĩa gạo. Sau khi tàn hương thì ném muối gạo ra 4 phương 8 hướng.

Trở lại với tục mua muối đầu năm, mà thường chỉ có ở Hà Nội, vào sáng sớm mùng 1 Tết đã nghe thôi thúc bên tai tiếng rao của người bán muối. Nhớ lời mẹ dặn hồi nào, tôi vùng dậy chạy ra mở cửa gọi người bán muối vừa đi ngang qua. Cầm trên tay gói muối trắng tinh nặng chừng 1kg, tôi đem vào nhà lòng đầy hy vọng năm mới gia đình mình sẽ được may mắn. Nhớ hồi xưa người bán chưa cẩn thận đóng gói như bây giờ mà họ đội thúng muối lên đầu, vừa đi vừa rao, có khách là hạ thúng xuống lấy ra chiếc bán ăn cơm để đong. Chẳng cần phải hỏi người mua muốn mua bao nhiêu, cứ 1 bát muối đầy có ngọn là được. Mẹ tôi giải thích, bát muối có ngọn mới mang lại sự đầy đủ, trọn vẹn và no ấm cả năm.

Nhiều người tâm niệm đầu năm mua muối cả năm sẽ làm ăn phát đạt, may mắn, thuận lợi, sung túc

Nhiều người tâm niệm đầu năm mua muối cả năm sẽ làm ăn phát đạt, may mắn, thuận lợi, sung túc

Cuối năm mua vôi

Thực ra thì câu nói này cho thấy các cụ xưa muốn dặn dò con cháu về chuyện nhà cửa. Trong đời sống của người Việt thì ngôi nhà vô cùng quan trọng. Đó là nơi một gia đình chung sống, là chốn đi về, là nơi để nhớ. Do vậy việc có được một ngôi nhà là điều phấn đấu của tất cả mọi người. Mà muốn làm nhà thì việc đầu tiên là phải mua vôi. Thời trước kinh tế khó khăn, để chuẩn bị xây nhà thì gia chủ trước đó nhiều tháng, thậm chí nhiều năm đã phải mua vôi cục về đào hố tôi vôi. Vôi tôi càng lâu càng dẻo, rất tốt cho xây dựng. Và chuyện mua vôi chính là “dấu hiệu” cho thấy gia chủ kia đang chuẩn bị xây dựng nhà mới.

Bây giờ tập tục mua vôi cuối năm không còn bởi kinh tế đã khá nên nhiều, vật liệu xây dựng cũng dồi dào và có sẵn. Nhưng chuyện cuối năm xây hoặc sửa nhà vẫn như một nguyên tắc bởi: Thứ nhất, nói về tâm linh thì ai xây hay sửa nhà thì cũng đợi đến cuối năm, tầm sau tháng cô hồn là được. Việc xây nhà, sửa nhà vào dịp đầu năm thường không được tốt bởi kiểu gì cũng phải đập phá, dỡ bỏ, khoan đục. Chuyện “động chạm” ấy cũng nên kiêng vì “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Ngộ nhỡ có chuyện gì xảy ra thì năm cũ cũng sắp hết, năm mới sắp tới sẽ mang lại lợi ích cho gia chủ. Thứ hai là xây sửa nhà vào cuối năm thì mùa mưa bão đã hết, thời tiết hanh khô thuận lợi cho việc xây dựng không bị ngưng trệ, tiến độ công việc được trôi chảy.

Người dân mua muối sáng mùng 1 Tết

Người dân mua muối sáng mùng 1 Tết

Chuyện “cuối năm mua vôi” còn có một ý nghĩa khác, đó là ngoài quét vôi lại tường nhà cho sáng sủa thì gia chủ còn mong muốn xóa hết những điều không hay trong năm cũ, đón sự khởi đầu mới mẻ của tương lai. Năm mới ngồi trong nhà ngắm bức tường sáng sủa, sạch sẽ cũng thấy trong lòng bình an, yên ổn. Không chỉ quét vôi tường nhà mà người Việt còn quét lên cả cây cối trong vườn như một cách xua đuổi tà ma. Sơn sửa, quét vôi nhà còn đem đến một sức sống mới, tâm lý ấy thôi thúc gia chủ bước sang năm mới có cố gắng mới, nỗ lực mới và niềm tin tài lộc đầy nhà.

Tin đọc nhiều