Nhớ về thời trang ở phố...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ta vẫn thường hay nhầm lẫn khái niệm thời trang khác với ăn mặc hàng ngày. Thực ra chỉ là một mà thôi. Chữ “thời trang” nếu đem chiết tự ra cũng vẫn là như vậy. Thế nhưng nếu có ai đó được coi là ăn mặc kém tính thời trang thì vẫn có thể hiểu được. Bởi vì cái gọi là thời trang có khi diễn ra trong một khoảng thời gian khá ngắn ngủi. Có khi một mùa. Có lúc một tháng. Đôi khi chỉ một tuần…
Vượt qua giá trị trong vai trò một sản phẩm thời trang, chiếc áo dài đã đạt đến vai trò quan trọng hơn đó là một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc,là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam (Ảnh: Lam Thanh)

Vượt qua giá trị trong vai trò một sản phẩm thời trang, chiếc áo dài đã đạt đến vai trò quan trọng hơn đó là một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc,là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam
(Ảnh: Lam Thanh)

Tất nhiên gọi là thời trang ở phố cũng chỉ với nghĩa ngắn hạn. Phố xá thường là nơi xuất hiện những xu thế thời trang sớm nhất. Ngày trước thì phải rất lâu chiếc “áo dài Le Mur” của họa sĩ Cát Tường và Lê Phổ mới chen chân được đến các miền quê xa xôi. Và cũng chỉ những thành phần hào lý quan quyền mới có điều kiện mặc nó. Nay thì khác xa. Buổi sáng ở Hà Nội thấy chị em mặc bộ đồ thể thao bó sát chạy quanh Bờ Hồ thì chiều đến đã có thể thấy các chị gái Ninh Bình mặc bộ ấy tập thể dục bên dòng sông Ngô Đồng yên ả trên bến dưới thuyền.

Ngay cả những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, người Hà Nội vẫn có thời trang của mình. Chiếc quần lụa đen của chị em đã được thay bằng quần phăng cài khuy cạnh. Chiếc áo sơ mi cả đàn ông đàn bà lúc này luôn được cải tiến chiếc cổ áo dù rằng thân áo vẫn hoàn toàn như cũ. Cổ lá sen, cánh bèo cho chị em. Cổ đứng, cổ bẻ, cổ tai chó của anh em. Cao điểm của đợt bùng phát thời trang là Tết năm 1973. Quanh Bờ Hồ ken đặc người mặc những chiếc áo khoác vải nilon bóng ướt dài trùm mông cả đàn ông lẫn đàn bà. Đó cũng là lần duy nhất Hà Nội có “mode” thời trang được phổ cập toàn dân.

“Cao điểm của đợt bùng phát thời trang là Tết năm 1973. Quanh Bờ Hồ ken đặc người mặc những chiếc áo khoác vải nilon bóng ướt dài trùm mông cả đàn ông lẫn đàn bà. Đó cũng là lần duy nhất Hà Nội có “mode” thời trang được phổ cập toàn dân. Giờ thì không có thời trang ở phố chung cho tất cả mọi người. Chẳng có quy định nào cả. Nhưng nếu quan sát tỉ mỉ cũng không khó để nhận ra thời trang của từng nhóm người trên phố ngày nay...”.

Nhà văn Đỗ Phấn

Giờ thì không có thời trang ở phố chung cho tất cả mọi người. Chẳng có quy định nào cả. Nhưng nếu quan sát tỉ mỉ cũng không khó để nhận ra thời trang của từng nhóm người trên phố ngày nay. Đầu tóc cắt cua vuông vắn, đeo dây chuyền to, mặc áo ba lỗ màu mè, quần nhiều túi, giày lính da bóng lưỡng… khả năng cao là đám “anh chị” bến bãi, cho vay lãi, chủ tiệm cầm đồ hoặc đòi nợ thuê. Áo sơ mi sáng màu bỏ trong quần là ly thẳng tắp, giày da hoặc dép xăng đan có quai hậu, tóc chải ngôi bên, phong thái điềm đạm khoan thai là các thầy giáo.

Complet thắt cravate, tóc chải gôm keo bóng mượt, thắt lưng hàng hiệu, giày da cũng thế là các quan chức cấp quận, cấp phường. Đầu tóc bơ phờ dài ngắn, râu ria lởm khởm, áo quần nhằng nhịt hình vẽ, cổ đeo dây chuyền bằng đủ các loại dây trừ vàng, tay đeo đủ các loại vòng chạm khắc tinh xảo trừ vòng ngọc, giày da bạc phếch thường to hơn chân vài số, ấy là các loại nghệ sĩ. Hình ảnh nghệ sĩ chung chung là như thế nhưng cũng có vài biến tấu. Nghệ sĩ ngành âm nhạc nói chung tề chỉnh hơn trong cách ăn mặc nhưng cũng có cái khó hiểu.

Họa sĩ Cát Tường là “cha đẻ” tà áo dài Le Mur nổi tiếng trong làng thời trang Việt Nam (Trong ảnh: Bìa sách “Áo dài Le Mur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay”)

Họa sĩ Cát Tường là “cha đẻ” tà áo dài Le Mur nổi tiếng trong làng thời trang Việt Nam

(Trong ảnh: Bìa sách “Áo dài Le Mur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay”)

Ấy là lên sân khấu buổi tối vẫn có bác xù xù chiếc mũ phớt. Hẳn là để che bớt ánh đèn pha sân khấu quá mạnh. Nghệ sĩ tạo hình thường te tua áo quần rách rưới. Vài bác có thêm những vệt màu cố ý trên y phục. Hình như đó là cách đơn giản nhất để nói lên thất bại nghề nghiệp của mình. Văn thi sĩ là những người ăn mặc kín đáo điềm đạm đến mức khó nhận ra bản sắc riêng. Lúc thì tựa như anh thư ký công sở, khi lại giống bác thợ nề sạch bóng sau giờ làm việc. Ta chỉ có thể nhận ra họ khi trong bàn tiệc bỗng có người đọc thơ…

Không kể những ngành nghề đặc thù buộc phải có đồng phục riêng thì chị em nói chung là thành phần quan tâm đến thời trang nhất. Đã có hẳn một ngành thiết kế thời trang cho chị em mà ở đấy đa phần là các ông đảm nhiệm. Và chị em hình như cũng tín nhiệm đàn ông may áo cho mình hơn là người cùng giới.

Áo dài Le Mur (1939 - 1943), do họa sĩ Cát Tường sáng tạo vào năm 1939. Khác với phom dáng rộng truyền thống, áo dài Le Mur ôm sát đường cong cơ thể với nhiều chi tiết Âu hóa như tay phồng, cổ khoét hình trái tim, đính nơ…

Áo dài Le Mur (1939 - 1943), do họa sĩ Cát Tường sáng tạo vào năm 1939. Khác với phom dáng rộng truyền thống, áo dài Le Mur ôm sát đường cong cơ thể với nhiều chi tiết Âu hóa như tay phồng, cổ khoét hình trái tim, đính nơ…

Thế mới biết vì sao hai ông họa sĩ Cát Tường và Lê Phổ hồi những năm 1930 thế kỷ trước lại thành công đến vậy. Các ông là những nam nhi quân tử đầu tiên của nước Việt quan tâm đến trang phục đàn bà. Và dĩ nhiên các ông cũng phải can đảm đến mức nào mới dám dấn thân vào công việc kim chỉ vá may vốn xưa nay luôn của các bà.

Trang phục phụ nữ thật là vô cùng rườm rà rắc rối trên phố. Ta chỉ có thể nhận biết được họ đang làm công việc gì lúc ấy mà thôi. Đại khái đàn bà cơ quan công sở dĩ nhiên ăn mặc kín đáo lúc làm việc. Thanh nữ dù có những bộ đồ hở bạo cũng chẳng bao giờ dám mặc đến cơ quan. Thậm chí màu mè sặc sỡ quá cũng không bao giờ được hoan nghênh ở nơi làm việc. Thế nhưng ngoài giờ làm việc lại là chuyện khác. Lúc này họ mới có điều kiện chứng tỏ năng khiếu thẩm mỹ thời trang của mình. Tất nhiên thẩm mỹ cao thì ăn mặc đẹp đẽ sang trọng mà chẳng tốn tiền.

Thẩm mỹ trung bình thì kén chọn những món hàng hiệu cho an toàn. Dù đắt đỏ thì cũng phải cố để chứng tỏ trình độ thẩm mỹ của mình. Thẩm mỹ dưới đấy một chút thì đôi khi biến thành thảm họa. Dù chẳng có quy định nào cụ thể lắm về phục trang ngoài đường thì đám chị em “gái ngành” cũng không hề khó nhận ra. Đó là tóc nhiều màu và váy ngắn. Đó là áo mỏng gần như trong suốt đọc được cả chữ trong nội y. Đó là son phấn và móng tay đậm hơn mức bình thường… Rất tiếc vài đàn bà ở phố dù đoan trang nghiêm ngắn nhưng thẩm mỹ thời trang lại nằm ở mức ấy.

Nhà văn Đỗ Phấn

Nhà văn Đỗ Phấn

Gần đây có câu chuyện thời trang gây tranh luận khá sôi nổi. Đó là một Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh nọ có sáng kiến cho toàn thể cán bộ nam của mình mặc áo dài, đội khăn xếp, đeo bài ngà. Không thấy nói đi giày hay hia? Tất nhiên đó là trang phục truyền thống có quy củ hẳn hoi của triều đình phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Không bàn chuyện đẹp xấu vì tính thời trang của nó nhưng rõ ràng khoác trên mình bộ trang phục ấy có hai chuyện cần suy nghĩ. Nam cán bộ của ta có phải tất cả đều mong muốn mặc trang phục quan cách ấy không? Và nếu không thì người thường mặc nó có bị cho rằng là cán bộ sở ấy sở nọ hay không?

Tin đọc nhiều