Tên lửa chiến thuật Mỹ giúp Ukraine tạo ra đột phá trên chiến trường?

ANTD.VN - Tên lửa chiến thuật Mỹ chuẩn bị được bàn giao cho Ukraine trong tuần tới, đây là thông tin khiến Nga cảm thấy rất lo lắng.

Chính quyền Mỹ chuẩn bị bàn giao cho Ukraine nhiều tổ hợp pháo phản lực bắn loạt M270 MLRS và M142 HIMARS, có thể phóng ngay cả tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS cực kỳ lợi hại.

Quyết định chính thức về việc chuyển giao các hệ thống vũ khí nói trên có thể được Washington công bố vào tuần tới. Tuy nhiên bản kế hoạch này bị đánh giá hiện vẫn còn vướng phải một số trở ngại cần vượt qua.

Giới phân tích chỉ ra rằng việc chuyển giao tên lửa chiến thuật ATACAMS cho Ukraine có thể bị cản trở bởi Hiệp định kiểm soát công nghệ tên lửa (MCTR) của G7. Đây là vấn đề nhạy cảm, vì vậy có thể xuất hiện "sự chậm trễ" do các cuộc thảo luận chính trị.

Tên lửa MGM-140 ATACAMS chỉ có tầm bắn 300 km nếu sử dụng đầu đạn hạng nhẹ. Vũ khí nói trên theo đánh giá sẽ không thực sự hiệu quả khi chống lại khối lượng lớn, xe bọc thép và pháo binh ở Donbass.

ATACAMS nên được sử dụng tốt hơn để chống lại các mục tiêu chiến lược, ví dụ như cứ điểm ở hậu phương của Quân đội Nga. Bên cạnh đó, có vẻ như tên lửa MGM-140 của Mỹ không thích ứng cho một nhiệm vụ như "phá hủy cây cầu Crimea".

Hiệu quả của hệ thống M270 và HIMARS sẽ phụ thuộc vào loại tên lửa mà Mỹ cung cấp cho chúng. Ví dụ có thể sử dụng tên lửa dẫn đường M30 (đầu đạn mang bom chùm) và M31 (đầu đạn đơn), có tầm bắn lên tới 70 km.

Bản thân những tên lửa như vậy có hiệu quả chống lại xe bọc thép và pháo binh đối phương. Nhưng không thể loại trừ khả năng Ukraine sẽ nhận được M30 và M31 "với số lượng đủ lớn" để tiến hành tập kích vào các mục tiêu trong hậu phương của Nga.

Bên cạnh đó, M270 MLRS và M142 HIMARS còn có thể tạo ra một "trục lửa" trên chiến trường với sự trợ giúp của loại đạn rocket không điều khiển kiểu M77, tích hợp đầu đạn cassette.

Nhưng ở đây chúng ta chưa thể loại trừ khả năng người Mỹ sẽ không cung cấp cho Ukraine những quả đạn như vậy, bởi vì một số loại đạn nói trên vẫn đang bị cấm sử dụng theo Công ước Geneva.

Trước tình hình trên, giới chức quân sự Ukraine cho rằng bất kỳ hệ thống “vũ khí thần kỳ” nào cũng không phải là sự đảm bảo cho việc có thể nhanh chóng xoay chuyển tình thế chiến trường theo hướng có lợi cho mình.

Mọi thứ sẽ phụ thuộc trực tiếp vào việc các loại vũ khí nói trên sẽ được sử dụng như thế nào bởi Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine và những người chỉ huy chiến trường trực tiếp đưa ra quyết định.

Mặc dù vậy, Quân đội Nga đã có những động thái cụ thể nhằm đề phòng việc pháo phản lực dẫn đường cùng tên lửa đạn đạo chiến thuật sẽ được Mỹ sớm chuyển giao cho Ukraine.

Báo chí Nga cho biết, nước này đang có các cuộc tiếp xúc với Belarus để nhận được pháo phản lực dẫn đường tầm xa Polonez-M do Minsk sản xuất theo công nghệ A300 MLRS của Trung Quốc.

Với tầm bắn lên tới trên 300 km của rocket có điều khiển và tên lửa chiến thuật M20 đi kèm, hệ thống Polonez-M vượt trội mọi tổ hợp MLRS đang phục vụ trong Quân đội Nga và tương đương với vũ khí mà Mỹ sắp bàn giao cho Ukraine.