Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec Nga khẳng định, với lớp giáp bổ sung, xe tăng T-80BVM sẽ vô hiệu hóa mọi loại UAV cảm tử, kể cả mang đầu đạn song song.
Theo đại diện Tập đoàn Rostec, các xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-80BVM sau khi hiện đại hóa đã trở nên tin cậy hơn rất nhiều, cả về năng lực tấn công lẫn phòng thủ.
T-80 chính là chiếc MBT đầu tiên trên thế giới được tích hợp giáp phản ứng nổ (ERA). Loại xe tăng này bắt đầu đưa vào sử dụng trong Quân đội Liên Xô từ năm 1976, sau đó chúng được hiện đại hóa nhiều lần.
Nhưng kỹ thuật không đứng yên, kinh nghiệm chiến trường Ukraine cho thấy các phương tiện chiến đấu bọc thép rất dễ bị phá hủy bởi máy bay không người lái FPV cỡ nhỏ, vốn được cả hai bên sử dụng ồ ạt bởi cả hai phía.
Theo thông tin từ Tập đoàn Rostec, hệ thống bảo vệ xe tăng hiện đại được phát triển và lắp đặt trên nguyên tắc phòng thủ toàn diện trước mọi loại vũ khí, bao gồm cả FPV mang đầu đạn song song.
Đặc biệt, thiết bị chống máy bay không người lái hay còn gọi là “mái che” đã được lắp đặt bắt buộc trên các chiến xa ngay tại nhà máy.
Hơn nữa, nếu trước đây “mái che” chỉ được hàn đơn giản vào thân và tháp pháo của xe tăng trong các xưởng sửa chữa tại tiền tuyến, hay thậm chí do chính những người lính tăng thực hiện, thì sản phẩm "chính hãng" từ nhà máy mang lại một số lợi thế đáng kể.
Vấn đề đáng lưu tâm tiếp theo là khi tích hợp thêm lớp bảo vệ, trọng lượng những xe tăng T-80 nâng cấp đã tăng cao đáng kể, dẫn tới đòi hỏi tất yếu là phải trang bị động cơ mới mạnh mẽ hơn.
Cần nhấn mạnh, xe tăng T-80 với động cơ turbine khí đã chứng tỏ khả năng hoạt động tốt trong chiến dịch quân sự đặc biệt, nhất là tại các vùng khí hậu giá lạnh vào mùa đông, khi nhiệt độ xuống rất thấp.
Hiện tại, phiên bản xe tăng T-80BV được trang bị động cơ turbine khí GTD-1000TF công suất 1.100 mã lực. Trong khi đó T-80U, T-80UE-1, T-80BVM sử dụng loại GTD-1250, công suất 1.250 mã lực mạnh mẽ hơn nhiều.
Tất cả các bản sửa đổi của những "xe tăng phản lực" này đều được các binh sĩ Nga đánh giá tích cực nhờ vào đặc tính tốc độ cao, tăng tốc dễ dàng và khả năng cơ động vượt trội trên những dạng địa hình khó khăn.
Trước đây có nhiều ý kiến lo ngại về việc động cơ turbine khí tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn so với động cơ diesel, nhưng thực tế nó lại tiết kiệm hơn nhiều, tạo ra ít tiếng ồn và tuổi thọ dài hơn, cũng như dễ khởi động trong thời tiết lạnh.
Truyền thông Nga nhắc nhở, năm ngoái các cuộc thử nghiệm đã bắt đầu trên động cơ turbine khí nội địa đầy hứa hẹn với mã định danh GTD-1400TF, có công suất tăng lên mức 1.400 mã lực.
Nhờ "trái tim" mạnh mẽ nói trên, xe tăng T-80 hiện đại hóa sẽ còn trở nên tiên tiến hơn nữa, đây cũng là cải tiến cần thiết khi trọng lượng cỗ chiến xa này đã tăng lên đáng kể khi mang nhiều giáp và khí tài tác chiến điện tử.
Những chiếc T-80 mới sẽ nhận được tỷ lệ công suất trên trọng lượng vượt quá các đặc điểm tương tự được tìm thấy trên tất cả mọi xe tăng nước ngoài. Điều này sẽ cải thiện hơn nữa những đặc tính chiến thuật và kỹ thuật của dòng "xe tăng phản lực" này.