Những vũ khí Mỹ được chính quyền Ukraine đặt hy vọng nhiều nhất bao gồm tiêm kích F-16, xe tăng Abrams, tên lửa ATACMS... đều không mang tới sự thay đổi cục diện trên chiến trường Đông Âu.
Một đánh giá gần đây có thể làm thay đổi nhận thức về hiệu quả hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine, khi một quan chức giấu tên tại Washington nói với hãng tin Anh Reuters rằng việc cung cấp tên lửa ATACMS, tiêm kích F-16 và xe tăng Abrams cho Kyiv là "vô dụng".
Theo nhận xét, những vũ khí trên không giúp thay đổi căn bản cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho Kyiv. Thực tế trên nhấn mạnh sự phức tạp của cuộc chiến Ukraine, bất chấp sự hỗ trợ đáng kể từ các nước phương Tây dành cho Kyiv.
Kể từ khi chiến sự bùng nổ vào năm 2022, Ukraine đã nhận được viện trợ quân sự rộng rãi từ Mỹ và các đồng minh. Phương Tây đã cung cấp nhiều vũ khí, bao gồm cả những sản phẩm công nghệ cao nhằm mục đích thay đổi cục diện chiến trường.
Mặc dù vậy theo những gì người đối thoại của hãng tin Reuters ghi nhận, vũ khí Mỹ trong tay binh sĩ Ukraine không đạt được hiệu quả như mong đợi, cho dù số lượng bàn giao là rất đáng kể.
Điển hình như tên lửa ATACMS (Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật lục quân) với tầm bắn 300 km, được cho là có khả năng tấn công các mục tiêu chiến lược phía sau phòng tuyến của Nga.
Bên cạnh đó là tiêm kích hạng nhẹ F-16, nổi tiếng với độ linh hoạt cao và khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu khác nhau, cũng được kỳ vọng sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh Không quân Ukraine.
Cuối cùng, bên cạnh những phương tiện tác chiến nói trên - nổi tiếng về khả năng bảo vệ đáng tin cậy đi kèm hỏa lực cực mạnh chính là xe tăng Abrams, vũ khí này được coi là có khả năng thay đổi tình hình giao tranh trên bộ.
Mặc dù vậy theo nhân vật giấu tên trong chính quyền Mỹ, ngay cả khi có nguồn viện trợ rất lớn từ các đồng minh phương Tây thông qua nhiều loại vũ khí tối tân, tình hình ở mặt trận vẫn không diễn ra theo chiều hướng có lợi cho Kyiv.
Quân đội Nga theo nhận xét đã có khả năng thích ứng với các mối đe dọa mới bằng cách tăng cường hệ thống phòng không và phát triển những chiến thuật đặc biệt để chống lại vũ khí phương Tây.
Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến hậu cần, huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng các trang thiết bị quân sự phức tạp và bảo trì cũng đóng vai trò hạn chế hiệu quả đối với số vũ khí đã bàn giao.
Thông tin hé lộ từ vị quan chức nói trên dự báo sẽ châm ngòi cho các cuộc thảo luận ở cả trong nước Mỹ và cộng đồng quốc tế, về những chiến lược tương lai để hỗ trợ Ukraine.
Giới phân tích tỏ quan điểm rằng chiến thuật và hình thức hỗ trợ quân sự cần phải được xem xét lại, có lẽ nên chú trọng đến thiết bị nhẹ nhưng hiệu quả hơn để có thể nhanh chóng đưa chúng vào chiến đấu.
Không chỉ có vậy, thay vì trang thiết bị có sẵn, phương Tây được khuyến nghị nên phát triển những loại vũ khí mới theo yêu cầu chiến trường để chúng phát huy tác dụng tốt hơn trong cuộc xung đột.