Số phận ly kỳ của cặp đôi tiêm kích Su-27UB trên đất Mỹ

ANTD.VN - Mỹ đã bỏ tiền mua một số chủng loại chiến đấu cơ có nguồn gốc Liên Xô, trong số này có cả cặp tiêm kích hạng nặng Su-27UB đầy uy lực.   

Bảo tàng nổi tiếng của Không quân Hoa Kỳ ở Dayton, Ohio đã mua được một chiếc tiêm kích Sukhoi Su-27 Flanker do Liên Xô thiết kế.

Tuy nhiên, chiếc tiêm kích Su-27UB Flanker-C hai chỗ ngồi này, lại có một lịch sử mờ ám nổi tiếng, nó đã từng xuất hiện tại "Khu vực 51", một nơi nghiên cứu thử nghiệm vũ khí nổi tiếng của Mỹ.

Sau khi qua tay một số chủ sở hữu, hiện Bảo tàng Quốc gia Không quân Mỹ đã tuyên bố mua lại chiếc máy bay này để trưng bày.

Trước đó chiếc tiêm kích này đã có trong sổ đăng ký dân sự Mỹ là N132SU.

N132SU (số 32) được đăng ký lần đầu tiên với Cục Hàng không Liên bang (FAA) vào năm 2009. Chiếc máy bay phản lực và chiếc Su-27UB thứ hai, được đăng ký là N131SU (số 31), chúng đều được mua từ Ukraine và sau đó được bán ở Mỹ bởi công ty Pride Aircraft.

Những chiếc tiêm kích Su-27 này được bán ở thị trường dân sự tại Mỹ và đã thu hút rất nhiều sự chú ý và quan tâm.
Chiếc tiêm kích này chỉ được bán với giá 5 triệu USD, một con số rẻ đến bất ngờ đối với một tiêm kích hạng nặng.
Điều chú ý là cả hai chiếc Su-27 này còn ở trong tình trạng rất tốt, chúng còn được Ukraine bảo dưỡng trước khi cho lên vận tải cơ An-124 chuyển về Mỹ.
Pride Aircraft đã thực hiện nhiều bước để chuẩn bị các bước để sau khi mua được chúng từ Ukraine thì sẽ bán cho bất cứ ai tại Mỹ muốn mua tiêm kích này.
Vào khoảng tháng 4 năm 2011, Pride Aircraft thông báo cả hai chiếc tiêm kích Su-27 này đã được bán, nhưng không ai biết về người mua chúng.
Sau đó, cả hai tiêm kích Su-27 số đăng ký N131SU và N132SU đều được đăng ký chính thức cho một công ty ở Delaware có tên Meridican, Inc., đây là cái tên rất lạ, hoàn toàn không được công chúng biết tới.
Trang web của Cục Hàng không Liên bang cho biết họ hủy số hiệu đăng ký của những tiêm kích này vào năm 2018 khi chúng hết hạn, tuy nhiên cũng không cung cấp ai là người sở hữu hai chiếc Su-27 này.
War Zone đã liên hệ với Bảo tàng Quốc gia của Lực lượng Không quân Mỹ và Meridican Capital, nơi có vẻ liên quan đến Meridican, tuy nhiên cũng không có nhiều thông tin được công bố.

Tuy vậy có thông tin cho biết, công ty TacAir có thể đã nhúng tay vào việc vận hành một hoặc cả hai máy bay phản lực này trong một thời gian.

Trang web của công ty này có trang về máy bay Su-27 và cho biết "chúng tôi vận hành máy bay do khách hàng sở hữu, bao gồm cả máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư như F-16 và SU-27."

Trong các thông tin đăng tải, Pride Aircraft đã luôn bác bỏ hai chiếc Su-27 này đã được sử dụng cho bất kỳ mục đích quân sự nào.

Trong thời gian dài không ai nhìn thấy hai chiếc Su-27 này kể từ khi chúng biến mất khi công ty Pride Aircraft đăng tin bán chúng.
Tuy nhiên, nhiều người tin rằng hai chiếc Su-27 này đã được không quân Mỹ vận hành tại
cơ sở thử nghiệm bí mật Groom Lake, hay còn gọi là "Khu vực 51".
Không quân Mỹ đã bí mật mua nhiều vũ khí khác nhau từ nước ngoài để phân tích nghiên cứu.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Ukraine là nguồn cung cấp quan trọng cho Mỹ các hệ thống vũ khí do Liên Xô thiết kế, bao gồm máy bay và các khí tài quân sự khác.

Ukraine thậm chí gần đây đã cung cấp những vũ khí trang thiết bị hiện đại của Nga mà nước này thu được trong cuộc xung đột Đông Âu cho Mỹ.

Đặc biệt, máy bay được đối thủ Mỹ đặt mua thường được sử dụng cho mục đích thử nghiệm, đánh giá và huấn luyện phi công để tìm cách khắc chế.

Việc có trong tay chiến đấu cơ đối phương sẽ là ví dụ chân thực nhất để huấn luyện phi công Mỹ trong tác chiến đối kháng.
Rõ ràng việc có trong tay những chiến đấu cơ của đối thủ và cho huấn luyện sẽ giúp cho phi công Mỹ không bất ngờ trong trường hợp đối đầu không chiến xảy ra.

Trong nhiều thập kỷ nay, không quân Mỹ đã mua và duy trì một đội máy bay chiến đấu giống với loại đang có trong biên chế đối thủ để huấn luyện phi công.

Nhiều nhà quan sát tin rằng, quân đội Mỹ đang sở hữu phi đội "Mũ Đỏ" trang bị gồm chiến đấu cơ Su-27 và MiG-29 hoạt động làm công tác đóng giả quân đối phương để huấn luyện tại "Khu vực 51".

Năm 2017, Trung tá Không quân Mỹ có tên Eric Schultz - người được cho là chỉ huy của phi đội Mũ Đỏ - đã chết trong một vụ tai nạn tại Khu vực 51 liên quan đến một chiếc máy bay không xác định.

Vào năm 2022, tác giả Steve Davies, trích dẫn nhiều nguồn giấu tên cho biết, phi công Eric Schultz đã điều khiển một chiếc tiêm kích Su-27UB.
Một số người cho rằng, chiếc Su-27UB mà phi công Eric Schultz điều khiển chính là chiếc mang N131SU. Tuy nhiên Không quân Mỹ không lên tiếng về thông tin này.
Vì vậy hiện nay chỉ còn chiếc tiêm kích Su-27UB mang số hiệu N132SU.
Giới quan sát đặt câu hỏi, tại sao hai chiếc tiêm kích Su-27UB Mỹ mua từ Ukraine từng "ẩn dật" trong suốt thời gian dài, nay lại đột ngột một chiếc xuất hiện và được mua bởi Bảo tàng Không quân Mỹ.
Có thể nhu cầu của quân đội Mỹ đối với chiếc Su-27UB này đã hết, hoặc có thể theo thời gian chúng đã hết niên hạn hoạt động và vì thế nó được bán cho viện bảo tàng.