Theo các nguồn tin, giới lãnh đạo quân sự và chính trị Nga đã ra lệnh cho Nhà máy động cơ Kaluzhsky Dvigatel (KADVI) tiếp tục nối lại hoạt động sản xuất động cơ tuabin khí GTD-1250 cho xe tăng T-80.
Được biết động cơ GTD-1250 có công suất 1.250 mã lực, là dòng động cơ tuabin khí đầu tiên trên thế giới được phát triển cho xe tăng.
Khi phát triển thành công động cơ này và được lắp đặt cho xe tăng T-80 vào năm 1976, nó đã đi trước dòng M1 Abrams của Mỹ cũng dùng động cơ tuabin khí tới ba năm.
Động cơ tuabin khí có thể sử dụng nhiều loại nhiên liệu như xăng và dầu diesel, giảm sự phụ thuộc vào hậu cần và cho phép kíp lái sử dụng kho nhiên liệu của đối phương.
Mỗi chiếc T-80 chỉ cần ba phút để khởi động và chuyển trạng thái chiến đấu, thay vì 30 phút như trên xe tăng T-72 sử dụng động cơ diesel.
Dùng động cơ tuabin khí giúp cho xe tăng T-80 tăng tốc và vượt qua chướng ngại vật "khá ngọt", vì thế T-80 còn được đặt biệt danh là "xe tăng bay".
Điểm yếu lớn nhất của động cơ tuabin khí là "ngốn xăng như nước", tiêu tốn nhiên liệu gấp nhiều lần so với những chiếc T-72 dùng động cơ diesel.
Thiết kế nguyên gốc khiến động cơ của T-80 phải hoạt động hết công suất ngay cả khi xe đứng yên, khiến lượng nhiên liệu tiêu thụ cao gấp 2-4 lần so với T-72.
Đây được coi là một trong những lý do chính khiến xe tăng T-80 dùng động cơ tuabin không còn được sử dụng rộng rãi.
Từ lý do này mà ngành công nghiệp quốc phòng Nga không xuất xưởng xe tăng T-80 mới nào kể từ năm 1991.
Dây chuyền chế tạo động cơ tuabin GTD-1250 cho dòng T-80 cũng ngừng hoạt động sau khi Liên Xô tan rã.
Tuy nhiên với những biến động gần đây, Nga đã quyết định nối lại việc sản xuất xe tăng T-80 và từ đó cũng hồi sinh động cơ tuabin khí và nâng chúng lên công suất 1.500 mã lực.
Ông Alexander Potapov, Tổng giám đốc Tập đoàn Uralvagonzavod, hồi giữa tháng nói rằng Nga đang chuẩn bị nối lại dây chuyền sản xuất xe tăng T-80, do đây là một trong những khí tài hiệu quả nhất được Moskva triển khai trên chiến trường.
Nhà máy Tuabin Kaluga từng chế tạo hàng nghìn động cơ GTD-1000 và GTD-1250 với công suất 1.000-1.250 mã lực cho xe tăng T-80.
Động cơ công suất cao và khối lượng xe chỉ 42-46 tấn giúp những chiếc T-80 có thể đạt tốc độ tối đa đến 80 km/h.
Việc hồi sinh động cơ tuabin khí và nâng công suất lên 1.500 mã lực cho thấy Nga đang ưu tiên sức cơ động của xe tăng T-80 hơn là hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu.
"Động cơ mạnh như vậy cũng bảo đảm tiềm năng phát triển, nâng cấp lâu dài cho những chiếc T-80. Chúng cho phép Uralvagonzavod lắp thêm hàng loạt khối giáp bảo vệ mà không làm giảm khả năng cơ động của xe", chuyên gia quân sự Mỹ David Axe nhận định.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng tái khởi động dây chuyền ở Nhà máy Tuabin Kaluga cho thấy Nga đang rất nghiêm túc trong nỗ lực chế tạo xe tăng T-80 đời mới.