Tại nhà máy hàng không Komsomolsk-on-Amur (KnAAZ) mang tên Yu. A. Gagarin ở vùng Viễn Đông, Tập đoàn chế tạo máy bay Thống nhất (UAC - thành viên Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec) đã xây dựng và đưa vào hoạt động một cơ sở mới để sản xuất tiêm kích Su-57.
Cơ quan báo chí của Tập đoàn UAC cho biết thêm, sự kiện đưa dây chuyền lắp ráp mới vào hoạt động được tổ chức trùng với dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập nhà máy KnAAZ.
Theo thông báo, những tòa nhà dùng để thử nghiệm hệ thống nhiên liệu và giai đoạn đầu tiên của phân xưởng kiểm tra đối với hệ thống điện tử hàng không đã chính thức hoạt động.
Sau đó một nhà chứa máy bay sẽ được đưa vào sử dụng, để đánh giá toàn diện mọi hệ thống cũng như tiến hành thử nghiệm trên mặt đất cho tiêm kích Su-57, điều này là rất cần thiết để mở rộng quy mô sản xuất hàng loạt.
Quá trình hiện đại hóa Nhà máy hàng không KnAAZ sẽ vẫn tiếp tục khi Tập đoàn công nghệ nhà nước Roctec có kế hoạch tái thiết lớn trong nhiều năm đối với những cơ sở khác nằm dưới sự quản lý của họ.
Nhờ vậy mà quy trình sản xuất máy bay chiến đấu sẽ được ứng dụng công nghệ tiên tiến và hiệu quả hơn. Được biết cả quỹ đầu tư Chính phủ Nga và Tập đoàn UAC đều đang đầu tư vào nhà máy KnAAZ.
"Việc tái trang bị kỹ thuật và mở rộng năng lực sản xuất của nhà máy KnAAZ là một chương trình đầu tư kéo dài nhiều năm, sử dụng một lượng lớn tài trợ từ chính phủ và vốn đầu tư của chính tập đoàn".
"Cụ thể, chúng tôi đã tạo ra cơ sở sản xuất công nghệ cao quy mô lớn và tiên tiến nhất để sản xuất các hệ thống máy bay hiện đại nhất", Tổng giám đốc Tập đoàn Rostec - ông Yury Slyusar cho biết.
Thông qua bước đi trên, giới chức quân sự Nga kỳ vọng sẽ nhận được tiêm kích tàng hình thế hệ năm Su-57 Felon với tốc độ nhanh hơn nhiều so với hiện nay.
Cần nhắc lại, chương trình máy bay chiến đấu Su-57 Felon của nga đã gặp phải rào cản đáng kể về sản lượng thấp, gây ra sự hoài nghi trong số các chuyên gia phương Tây.
Các nhà phân tích quân sự chỉ ra rằng cho đến nay đã có khoảng 30 chiếc Su-57 xuất xưởng, quá ít nếu so với sản lượng hơn 1.000 chiếc F-35 và gần 200 chiếc F-22 của Mỹ.
Máy bay chiến đấu thế hệ năm của Nga cũng gặp khó khăn với công nghệ chưa hoàn thiện, cụ thể là các vấn đề phát triển động cơ, gây cản trở hiệu suất của nó so với các tiêm kích tàng hình phương Tây.
Hiện tại việc phát triển động cơ của Su-57 được thực hiện bởi Hiệp hội công nghiệp động cơ Ufa (UEIA). Cơ sở này là đơn vị chủ chốt trong ngành hàng không vũ trụ Nga, chuyên về thiết kế, phát triển và sản xuất động cơ hàng không tiên tiến và các hệ thống liên quan.
Sau khi hoàn thành động cơ giai đoạn hai có tên gọi Izdeliye 30 (hay AL-51F), Nga khẳng định Su-57 Felon sẽ vượt trội mọi đối thủ cạnh tranh, nhưng điều này chỉ có thể kiểm chứng ít nhất là sau năm 2025, khi chiếc máy động lực hàng không này hoàn thành.