Viễn cảnh xảy ra "Chiến tranh hạt nhân toàn diện" bắt nguồn từ cuộc xung đột Ukraine đang khiến thế giới cảm thấy đặc biệt lo ngại, nhất là sau tuyên bố mới đây từ phía các quan chức Nga.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga - ông Dmitry Medvedev đã xuất hiện và đe dọa các nước phương Tây trong một bài phát biểu được đưa ra vào tuần này, cảnh báo về cuộc xung đột "thảm khốc" bên ngoài lãnh thổ Ukraine.
Cụ thể, Cựu Tổng thống và Thủ tướng Nga Medvedev phàn nàn rằng các nước NATO đang “bơm” cho Ukraine đầy đủ vũ khí hạng nặng tối tân và huấn luyện quân đội nước này sử dụng thiết bị của phương Tây.
“Một cuộc xung đột như vậy luôn có nguy cơ biến thành chiến tranh hạt nhân chính thức”, vị quan chức Điện Kremlin cảnh báo và nói thêm: "Đây sẽ là một kịch bản thảm khốc đối với tất cả mọi người".
Các bình luận được đưa ra khi Quân đội Ukraine đưa người đến Đức để học cách sử dụng những loại pháo mới của phương Tây. Hoạt động này dự kiến kéo dài tới 40 ngày, nó cũng diễn ra khi Nga đối mặt với khả năng Phần Lan và Thụy Điển được chấp nhận là thành viên mới của NATO .
Tuy vậy sau khi Điện Kremlin đặt các đầu đạn hạt nhân chiến thuật của mình ở chế độ chờ và liên tục đe dọa về khả năng sử dụng chúng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ 13/5 cho biết Moskva sẽ không tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào Ukraine.
"Vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ không được sử dụng cho các nhiệm vụ trong chiến dịch quân sự đặc biệt”, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov đưa ra bình luận tương tự vào đầu năm nay.
Vị quan chức trên đã làm rõ những ý kiến về “mối đe dọa hiện hữu từ nước Nga”, ông Peskov nhấn mạnh rằng ý tưởng về căng thẳng leo thang khiến Nga thúc đẩy việc sử dụng vũ khí hạt nhân là tách biệt với cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy vậy "Sự bùng nổ" của Cựu Thủ tướng Nga Medvedev diễn ra cùng ngày, khi các nhà lãnh đạo Phần Lan kêu gọi gia nhập NATO "ngay lập tức", trong khi Thụy Điển vẫn đang cân nhắc về quyết định của mình.
Ban đầu, nhiều người dự kiến rằng Phần Lan và Thụy Điển sẽ cùng nhau đưa ra quyết định gia nhập NATO và công bố cùng nhau. Tuy nhiên cuộc điện đàm trực tiếp từ Helsinki hôm 12/6 cho thấy hai nước có thể không đi cùng với nhau về vấn đề này.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin cho biết hôm 12/5 rằng họ ủng hộ việc tham gia liên minh quân sự, bất chấp mọi lời cảnh báo từ Tổng thống Vladimir Putin về việc mở rộng biên giới NATO về phía Đông áp sát Nga.
“Việc trở thành thành viên NATO sẽ củng cố an ninh của Phần Lan. Với tư cách là một quốc gia NATO, Helsinki sẽ củng cố toàn bộ liên minh quốc phòng” , hai nhà lãnh đạo Phần Lan cho biết và họ hy vọng các bước tiếp theo hướng tới việc nước này chính thức gia nhập sẽ diễn ra trong vài ngày tới.
Nguy cơ về chiến tranh hạt nhân cũng từ đó leo thang, khi Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo hồi đầu năm rằng ông sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Baltic nếu Phần Lan hoặc Thụy Điển gia nhập NATO.
Trước những diễn biến trên, nhiều chuyên gia phân tích lo ngại tới viễn cảnh một lúc nào đó, vì thất vọng trước diễn biến quân sự tại Ukraine và sự bao vây của NATO, Nga sẽ dùng tới vũ khí hạt nhân để giải quyết chiến trường.
Khi đó, các quốc gia NATO sẽ có động thái đáp trả như đã cảnh báo, khiến thế giới đối mặt với "cuộc chiến tranh không có người chiến thắng".