- Nga tăng cường phòng thủ gần các đảo tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản
- Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản rút lại tuyên bố chủ quyền quần đảo tranh chấp trong sách trắng Quốc phòng 2018
Đảo Koh Kood trên vịnh Thái Lan chỉ cách bờ biển Campuchia 32km |
Mỗi năm, hàng trăm nghìn du khách đến thăm đảo Koh Kood ở vịnh Thái Lan. Hòn đảo lớn thứ tư của Thái Lan này có thể không được du khách nước ngoài ưa chuộng như Phuket hay Koh Samui, nhưng nó đang tạo được sự chú ý, một phần vì là tâm điểm của một cuộc tranh chấp quốc tế. Người ta tin dưới hòn đảo này có một trữ lượng dầu khí khổng lồ. Việc khai thác hòn đảo đã bị đình trệ do Campuchia tuyên bố chủ quyền đối với một số phần lãnh thổ, nhưng hiện nay, với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở cả 2 quốc gia châu Á, vấn đề được đưa lên hàng đầu.
Gốc rễ của cuộc tranh chấp bắt nguồn từ thời kỳ thuộc địa. Vào đầu những năm 1900, Pháp cai trị Đông Dương (trong đó có Campuchia ngày nay). Năm 1904, Đông Dương nhượng Koh Kood cho Thái Lan (khi đó được gọi là Xiêm). Biên giới sau đó được giải quyết bằng Hiệp ước Pháp - Xiêm năm 1907. Đến năm 1972, Đông Dương không còn tồn tại và Campuchia tuyên bố phần ranh giới lãnh hải của mình gồm phía Nam của hòn đảo. Thái Lan không đồng ý và tuyên bố họ kiểm soát toàn bộ Koh Kood. Bà Tita Sanglee - một nhà phân tích độc lập tại Thái Lan cho biết, Hiệp ước Pháp - Xiêm năm 1907 giống như các hiệp ước khác cùng thời là có mục đích giải quyết ranh giới trên đất liền chứ không phải ranh giới trên biển. “Đây là lý do tại sao cách giải thích của Campuchia lại gây tranh cãi” - bà nói với trang DW của Đức.
Năm 2001, Chính phủ Thái Lan đã đạt được biên bản ghi nhớ về các tuyên bố chủ quyền chồng lấn, Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra khi đó đã thảo luận với Thủ tướng Campuchia Hun Sen về việc chia sẻ lợi nhuận từ các nguồn năng lượng của Koh Kood. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Thái Lan bất bình trước lời đề nghị đó, nhấn mạnh rằng Thái Lan không nên nhượng bộ bất kỳ vùng đất hoặc tài nguyên nào cho nước láng giềng của mình. “Tranh chấp thể hiện rõ ràng ngày hôm nay là do chính phủ 2 bên lần đầu tiên sau nhiều năm đều muốn nối lại các cuộc đàm phán về ranh giới trên biển. Cả 2 đều muốn tận dụng các mỏ nhiên liệu chưa được khai thác vì họ phải đối mặt với chi phí nhập khẩu năng lượng tăng cao” - nhà phân tích Tita Sanglee cho biết.
Hiện nay, đứng đầu Chính phủ Thái Lan là bà Paetongtarn Shinawatra (con gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra), còn Campuchia nằm dưới quyền lãnh đạo của ông Hun Manet (con trai của ông Hun Sen0. Đối với nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc Thái Lan, đây là lý do để lo lắng. “Điều khiến nhiều người Thái lo ngại là mối quan hệ cá nhân chặt chẽ hơn giữa giới lãnh đạo Thái Lan và Campuchia hiện tại. Điều này dẫn đến sự hoài nghi về lý do tại sao các cuộc đàm phán cấp cao dường như diễn ra khá nhanh chóng và liệu xung đột lợi ích có phải là một yếu tố hay không” - bà Tita cho biết.
Lịch sử quan hệ giữa Thái Lan và Campuchia rất lâu đời và phức tạp. Phó Giáo sư Mark S. Cogan chuyên nghiên cứu hòa bình và xung đột tại Đại học Kansai Gaidai (Nhật Bản) cảnh báo: “Vấn đề chủ quyền luôn là trung tâm của các cuộc xung đột giữa Bangkok và Phnom Penh. Những tranh chấp lãnh thổ đã tồn tại lâu trong ký ức của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Thái Lan và nó vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi cả bên ngoài và bên trong chính phủ”.
Cho đến nay, Thái Lan đã hạ thấp sự rạn nứt với Campuchia về chủ quyền liên quan đến đảo Koh Kood, nhưng đôi bên đều có những câu hỏi vẫn chưa được giải đáp. “Đây là một tình huống khó khăn. Nếu Campuchia chấp nhận Koh Kood thuộc về Thái Lan, họ sẽ phải đối phó với sự tức giận của những người theo chủ nghĩa dân tộc trong nước. Nhưng nếu bất kỳ phần nào chủ quyền của Koh Kood bị xâm phạm, người Thái sẽ không ngồi yên. Tôi tin rằng, có một sự cân bằng tinh tế đang diễn ra” - nhà phân tích Tita Sanglee nói.