Ông Donald Trump và sự “ám ảnh” có được quyền kiểm soát Greenland

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong tuần qua, ông Donald Trump tuyên bố việc Mỹ kiểm soát Greenland là “một nhu cầu cần thiết”. Tại sao vị Tổng thống đắc cử của Mỹ nhiều lần đề cập đến mục tiêu mua lại hoặc kiểm soát hòn đảo này đến vậy?
Con trai của ông Trump, Donald Trump Jr (thứ tư từ trái sang) được cho là đã tới Greenland để xúc tiến kế hoạch mua lại hòn đảo

Con trai của ông Trump, Donald Trump Jr (thứ tư từ trái sang) được cho là đã tới Greenland để xúc tiến kế hoạch mua lại hòn đảo

Greenland trong “tầm ngắm” của ông Trump

Vài giờ sau khi Donald Trump Jr (con trai của ông Donald Trump ) hạ cánh xuống thủ phủ Nuuk của Greenland hôm 7-1-2025 trên một chiếc máy bay mang thương hiệu Trump, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tổ chức một cuộc họp báo tại tư dinh Mar-a-Lago (bang Florida). Tại sự kiện này, ông đề cập đến khả năng sử dụng vũ lực quân sự để biến Greenland thành một phần của Mỹ và đe dọa sẽ áp đặt mức thuế “rất cao” đối với Đan Mạch, nơi Greenland là một lãnh thổ tự trị. Ông Donald Trump đã nói rằng, Mỹ cần kiểm soát Greenland và kênh đào Panama vì lý do “an ninh kinh tế”, đồng thời cho rằng quyền sở hữu và kiểm soát lãnh thổ này là “hoàn toàn cần thiết”. Greenland từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của ông Trump như một mục tiêu mua lại và vào năm 2019, ông đã xác nhận việc thúc giục các trợ lý tìm hiểu cách để có thể mua hòn đảo Bắc Cực rộng lớn này, bởi “về cơ bản, đó là một thỏa thuận bất động sản lớn”.

Cũng như dầu khí, nguồn cung cấp nhiều nguyên liệu thô của Greenland đang thu hút sự quan tâm từ khắp nơi trên thế giới. Việc các sông băng khổng lồ tan chảy nhanh có thể mở ra hoạt động khoan dầu (mặc dù Greenland đã ngừng cấp giấy phép thăm dò vào năm 2021) và khai thác các khoáng sản thiết yếu bao gồm đồng, lithium, coban và niken. Bằng cách mua lại Greenland, Mỹ có thể ngăn Trung Quốc, quốc gia thống trị sản xuất đất hiếm toàn cầu và đã đe dọa sẽ hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng, xâm nhập vùng đất này. Băng tan ở Bắc Cực cũng mở ra các tuyến đường vận chuyển mới thay thế cho kênh đào Suez qua Bắc Cực, rút ngắn gần một nửa hành trình từ Tây Âu đến Đông Á. Vào tháng 11, Trung Quốc và Nga đã nhất trí hợp tác phát triển các tuyến đường vận chuyển mới ở Bắc Cực.

Bên cạnh đó, nằm ở vị trí chiến lược giữa Mỹ và Nga, Greenland được coi là ngày càng quan trọng đối với quốc phòng và đang nổi lên như một chiến trường địa - chính trị khi các cuộc khủng hoảng khí hậu trở nên tồi tệ hơn. Mỹ đang duy trì sự hiện diện thường trực tại căn cứ không quân Pituffik ở Tây Bắc Greenland, một vị trí chiến lược quan trọng cho hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của Mỹ.

Phản ứng của các bên liên quan

Người Inuit được cho là đã sống ở Greenland từ năm 2.500 trước Công nguyên và những người đi biển Bắc Âu đã đến đây thành lập các khu định cư từ thiên niên kỷ đầu tiên sau Công nguyên. Năm 1721, mục sư Tin lành Hans Egede được Hoàng gia Đan Mạch bảo trợ, đã giương buồm đi truyền giáo ở đảo Greenland. Trong Thế chiến 2, khi Đan Mạch bị Đức chiếm đóng, Mỹ nắm quyền kiểm soát Greenland rồi trả lại cho Đan Mạch vào năm 1945. Nơi đây trở thành một phần của Vương quốc Đan Mạch vào năm 1953 và được trao quyền tự chủ vào năm 1979, nhưng Đan Mạch vẫn kiểm soát chính sách đối ngoại và an ninh. Greenland có Quốc hội riêng và dù 2 nghị sĩ của lãnh thổ này có ghế trong Quốc hội Đan Mạch, nhưng những lời kêu gọi độc lập ngày càng gia tăng.

Tuần trước, trong bài phát biểu năm mới, ông Mute Egede - Thủ tướng Greenland đã lập luận về việc độc lập khỏi Đan Mạch. Theo thỏa thuận năm 2009 với Đan Mạch, Greenland phải tổ chức trưng cầu dân ý trước khi tuyên bố độc lập. Đáp lại chuyến thăm mới nhất của thành viên gia đình ông Trump, ông Mute Egede nói: “Tôi xin nhắc lại, Greenland thuộc về người Greenland. Tương lai và cuộc đấu tranh giành độc lập của chúng tôi là việc của chúng tôi. Người Đan Mạch, người Mỹ và những người khác có thể có ý kiến, nhưng chúng tôi không nên bị cuốn vào cơn cuồng loạn và chỉ trích người khác. Bởi vì tương lai của chúng tôi phải do chúng tôi định hình”.

Ngày 9-1, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết, bà đã đề xuất về một cuộc trao đổi với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sau những phát ngôn của ông về việc kiểm soát Greenland - động thái mà Đan Mạch đang xem xét nghiêm túc. Đan Mạch cho biết sẵn sàng thảo luận về lợi ích của Mỹ tại Bắc Cực, nhưng Thủ tướng nước này nhấn mạnh rằng “Greenland thuộc về người Greenland”. Cùng ngày, Đại sứ quán Mỹ tại Copenhagen đã phải lên tiếng trấn an sau tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ khẳng định, Washington không có kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự tại hòn đảo chiến lược này và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Copenhagen và Nuuk để đảm bảo mọi đề xuất đều đáp ứng nhu cầu an ninh chung.