Giáo sư Andrew Futter - chuyên gia quan hệ quốc tế của Đại học Leicester cho biết, Vương quốc Anh không có đủ phương tiện để đánh chặn "Dao găm siêu thanh" Kh-47M2 Kinzhal của Nga.
"Gần như ngay từ đầu Chiến tranh Lạnh, Vương quốc Anh đã dựa vào khả năng răn đe, bởi vì phòng thủ tên lửa cực kỳ đắt đỏ và trong một số trường hợp, việc này là hoàn toàn vô dụng", nhà khoa học chính trị cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Daily Express.
Ấn phẩm Daily Express đã công bố danh sách các mục tiêu ở Vương quốc Anh, theo đó "Nga có khả năng tiêu diệt trong 20 phút thông qua các loại vũ khí siêu thanh như tên lửa Kh-47M2 Kinzhal".
Cụ thể, đó là 6 căn cứ không quân, bao gồm Mildenhall - nơi máy bay trinh sát và máy bay ném bom chiến lược Mỹ bay đến biên giới Nga - và 3 căn cứ hải quân, một trong số đó là Clyde ở Scotland - nơi bố trí các tàu ngầm tên lửa đạn đạo Trident II của Hải quân Hoàng gia.
“Cốt lõi trong chính sách của Anh là đe dọa tấn công trả đũa bằng hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công tương tự có thể được một đối thủ tiềm tàng như Nga triển khai”, giáo sư Futter giải thích.
"Chúng tôi có các biện pháp ngăn chặn thông qua đòn đánh bằng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của hải quân được triển khai từ những năm 1960. Vương quốc Anh đã ngừng đầu tư vào công nghệ phòng thủ tên lửa kể từ những năm 1990".
Không chỉ công nghệ phòng thủ tên lửa, thậm chí Anh còn từ bỏ cả những hệ thống phòng không lục quân khi tin tưởng vào khả năng làm chủ bầu trời của mình, phải đến gần đây họ mới khôi phục lại lĩnh vực nói trên.
Trước thực tế này, dễ hiểu tại sao giáo sư Andrew Futter lại khẳng định rằng Vương Quốc Anh không có bất cứ phương tiện nào đủ sức chống lại tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal của Nga.
Tên lửa đạn đạo siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal (Dao găm) là "siêu vũ khí" thế hệ mới duy nhất của Nga thực sự được sử dụng trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Đây bản sửa đổi từ đạn 9M723 sử dụng trong tổ hợp Iskander-M bố trí trên mặt đất, nó được cải tiến để sử dụng trong ngành hàng không. Vũ khí này có khả năng tăng tốc lên Mach 10 và đạt tới tầm hoạt động 2.000 km.
Nhà phân tích quân sự Alex Lord của tờ Daily Express cho biết thêm: "Tên lửa Kinzhal được phóng từ máy bay tiêm kích MiG-31K. Một số trong số chúng được triển khai ở vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad, từ có thể tấn công Vương quốc Anh".
Nhằm ngăn chặn mối nguy cơ từ Nga, Hải quân Hoàng gia Anh đã bắt đầu lên kế hoạch hiện đại hóa các khu trục hạm phòng không Type 45 lớp Daring để chống lại những vũ khí mới.
Mặc dù vậy công việc còn bộn bề phía trước và cũng chưa chứng minh được hiệu quả rõ rệt khi phải chống lại vũ khí siêu thanh, cho nên chương trình đầy tham vọng nói trên vẫn đang đối diện nguy cơ bị hủy bỏ.
Có lẽ nước Anh vẫn sẽ theo đuổi chính sách "Tấn công là biện pháp phòng thủ tốt nhất" khi đầu tư vào tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hay tên lửa hành trình hạt nhân triển khai từ tiêm kích tàng hình F-35.