Xung đột Nga-Ukraine và 3 yếu tố quyết định chiến thắng

ANTD.VN - Chiến thắng trong xung đột Nga-Ukraine đang được quyết định bởi các vũ khí tấn công chính xác cao, sức tấn công của UAV và các hệ thống thông tin liên lạc.

Cả thế giới đang theo dõi sát sao những diễn biến trong cuộc xung đột quân sự giữa Nga với Ukraine, đặc biệt là những quan chức quân đội và chuyên gia quốc phòng các nước. Họ đã theo dõi và chỉ ra những đặc trưng mới và vũ khí mới sẽ quyết định phần thắng trong chiến tranh hiện đại.

Thứ nhất là: Khác với chiến tranh thông thường kiểu cổ điển khi hai phe giao tranh trực diện trên chiến trường bằng bộ binh, dưới sự yểm trợ của hỏa lực của không quân và pháo binh, vũ khí tấn công chính xác tầm xa là yếu tố quyết định chiến thắng trong chiến tranh hiện đại.

Kết luận này không phải là mới, bởi ngay từ trong cuộc chiến tranh với Iraq năm 1991, Mỹ cũng đã bắt đầu sử dụng đòn đánh phủ đầu bằng tên lửa hành trình tấn công chính xác và đến cuộc chiến Iraq năm 2003, tên lửa hành trình Tomahawk đã được sử dụng rộng rãi hơn.

Điều đó đã cho thấy, các cuộc chiến tranh hiện đại ngày càng ghi nhận vai trò đặc biệt quan trọng của vũ khí tấn công tầm xa trong việc tiêu diệt sinh lực của đối phương và đến khi cuộc xung đột Nga-Ukraine diễn ra vào ngày 24/2/2022, xu thế này càng trở nên rõ nét.

Lực lượng tên lửa, lực lượng hải quân và không Nga đã sử dụng tên lửa hành trình Kalibr, Oniks, Kh-101 tấn công vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine; trong khi lực lượng pháo binh mặt đất cũng có những vũ khí tấn công tầm xa chính xác như tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander, hệ thống tên lửa phóng loạt như BM-30 Smerch, Tornado…

Những loại vũ khí này giúp Nga có khả năng tấn công chính xác và hiệu quả vào các mục tiêu quan trọng nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine, phá hủy các đầu não chỉ huy, cơ sở công nghiệp quốc phòng, công trình quân sự kiên cố, kho tàng vũ khí, đạn dược, căn cứ lính đánh thuê và các tuyến đường tiếp viện; làm tiêu hao sinh lực và áp đảo tinh thần binh sĩ Ukraine.

Việc sử dụng các vũ khí tầm xa khiến quân đội Ukraine không thể xác định vị trí tấn công của Nga hoặc có xác định được cũng không có vũ khí đáp trả, không thể tổ chức các cuộc phản công nhằm giành lại thế trận, không thể gây ra thiệt hại gì lớn cho lực lượng Nga.

Giới chuyên gia cho rằng, trước, trong và sau cuộc chiến Nga-Ukraine, tấn công và phòng chống vũ khí tầm xa chính xác cao đã, đang và sẽ là vấn đề được tất cả các nước quan tâm nghiên cứu, nhằm đảm bảo cho quân đội nước mình có thể giành được chiến thắng trong một cuộc chến tranh hiện đại.

Thứ hai là: Vai trò ngày càng quan trọng của máy bay không người lái, đặc biệt là các phương tiện tích hợp cả khả năng trinh sát và tấn công tự sát. Điều này thể hiện rõ trên chiến trường Donbass khi cả Nga và Ukraine đều sử dụng rộng rãi các loại UAV vừa có tính năng tuần tiễu trinh sát, vừa có khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất.

Ngay từ trước khi xung đột nổ ra, Kiev đã trang bị cho quân đội nước này vài chục chiếc máy bay tấn công không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, Ukraine đã được Mỹ viện trợ thêm hàng trăm UAV cảm tử Switchblade, Phoenix Ghost, Puma…

Những loại UAV này đã cho thấy hiệu quả đáng kinh ngạc trên chiến trường, góp phần rất quan trọng trong việc ghìm bước tiến của quân đội Nga ở giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến, đặc biệt là khi khả năng đánh nhanh thắng nhanh của Nga phụ thuộc rất lớn vào sự cơ động và sức mạnh của các xe tăng và xe chiến đấu bộ binh hạng nặng.

Việc sử dụng các UAV như Bayraktar TB2 có một đặc tính nổi bật là giá thành rẻ, nên quân đội Ukraine có thể mua sắm hoặc được viện trợ với số lượng lớn, để mạnh dạn sử dụng một lực lượng lớn UAV để tấn công các phương tiện quân sự đắt tiền của Nga.

Đặc biệt là những đòn tấn công này vừa tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo hiệu quả sát thương cao và đặc biệt an toàn cho các binh sĩ Ukraine, góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn bước tiến quân mạnh mẽ của Nga trong giai đoạn đầu.

Ở phía đối diện, Nga cũng đã tung vào chiến trường Donbass những loại UAV tiên tiến mà nước này mới phát triển như Orlan-10, Lancet, Forpost-R, Kub-bla, Orion (Inokhodets)…

Những loại UAV này đã có đóng góp lớn trong việc tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép, pháo, tổ hợp phòng không… và các cơ sở quân sự mặt đất kiên cố của Ukraine, gây thiệt hại nặng nề cho các phương tiện quân sự của quân đội nước này và các vũ khí mới được phương Tây viện trợ.

Do đó, việc phát triển các loại UAV được tích hợp khả năng trinh sát-tấn công và nghiên cứu các biện pháp để phòng chống chúng đang là hai vấn đề được nhiều nước tiến hành song song với nhau, nhằm giúp quân đội nước mình giành được ưu thế trên chiến trường.

Thứ ba là: Vai trò ngày càng quan trọng của phương tiện hỗ trợ, trung chuyển thông tin, đặc biệt là thông tin vệ tinh. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đánh dấu bước khởi đầu của kỷ nguyên chiến tranh trên không gian, nhất là trên phương diện cung cấp thông tin liên lạc trên chiến trường.

Điều đặc biệt của loại hình tác chiến này là tính chất lưỡng dụng của nó khiến ngoài các tổ chức chính phủ, những công ty công nghệ tư nhân cũng thể đóng một vai trò quan trọng, ngoài các trang bị thông tin quân sự, các phương tiện liên lạc dân dụng cũng có thể được sử dụng.

Trong thời gian đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt, quân đội Nga đã liên tục thực hiện các phi vụ tác chiến điện tử, tác chiến mạng nhằm vào hệ thống viễn thông dân sự và thông tin quân sự của Ukraine, làm gián đoạn đường dây liên lạc của các đơn vị hoặc chặn thu đường truyền thông tin, nắm được kế hoạch di chuyển quân và tác chiến của các đơn vị Ukraine.

Tuy nhiên, sau khi kêu gọi sự hỗ trợ của Mỹ, 15.000 thiết bị thông tin vệ tinh Starlink của SpaceX, công ty tư nhân Mỹ của tỷ phú Elon Musk, đã được chuyển cho Ukraine, nâng cấp mạnh khả năng liên lạc trên thực địa của các lực lượng quân đội nước này.

Kết nối vệ tinh Starlink cho phép quân đội Ukraine sở hữu một hệ thống thông tin đáng tin cậy và mạnh mẽ. Bằng cách sử dụng hệ thống Internet vệ tinh, các đơn vị Ukraine có thể duy trì liên lạc nhằm phối hợp tác chiến một cách nhanh chóng và bảo mật. Nếu nền tảng công nghệ của quân đội Ukraine không quá hạn chế, hiệu quả của nó sẽ còn cao hơn nữa.

Chính vì những ưu thế vượt trội của vệ tinh trong chiến tranh hiện đại, nhiều quốc gia đang tập trung nguồn lực khổng lồ cho việc nghiên cứu các công nghệ liên quan đến vệ tinh nhằm đảm bảo kết nối thông tin an toàn và liên tục trong trường hợp hệ thống viễn thông thông thường bị đối phương chế áp.

Bên cạnh đó, nhiều cường quốc còn quyết định đầu tư phát triển các loại vũ khí không gian với mục đích tiêu diệt vệ tinh quân sự của đối phương hoặc các phương tiện chặn thu, giải mã thông tin vệ tinh của đối phương nhằm thu thập được các thông tin tình báo quan trọng trên chiến trường.