Xóa một “điểm mù” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

ANTD.VN - Cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất nóng lên trở thành một vấn đề cấp bách khi mà nhiều nơi trên thế giới đang liên tục ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục. Tuy nhiên, trong cuộc chiến này đang bộc lộ ra những lỗ hổng, “điểm mù” đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải chung tay giải quyết.

Các hoạt động quân sự thải ra môi trường một lượng khí thải khổng lồ gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất nóng lên

“Lỗ hổng” về kiểm soát lượng khí thải từ hoạt động quân sự

Việc nhiệt độ toàn cầu đã đạt mức kỷ lục mới gần đây đang làm dấy lên những lo ngại về tác động của nắng nóng cực độ và sự gia tăng nhanh chóng biến đổi khí hậu. Theo Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Mỹ (NCEP), nhiệt độ trung bình trên toàn thế giới đã đạt ngưỡng 17,23 độ C (63 độ F) vào ngày 6-7 vừa qua, vượt quá mức kỷ lục đạt được vào các ngày 3 và 4-7 trước đó. Nếu so sánh thì nhiệt độ không khí trung bình toàn cầu dao động từ 12-17 độ C vào bất kỳ ngày nào trong năm và đã lên tới 16,2 độ C vào thời điểm đầu tháng 7 trong giai đoạn 1979-2000. Nhiệt độ trung bình toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng cho đến cuối tháng 7 này hoặc đầu tháng 8 tới. Nhiệt độ được dự báo sẽ còn tăng cao hơn mức trung bình lịch sử vào năm tới khi xảy ra hiện tượng thời tiết El Nino ở Thái Bình Dương.

Nguyên nhân khiến nhiệt độ bề mặt Trái đất liên tiếp lập đỉnh kỷ lục mới, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), là do hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino đang diễn ra. Tuy nhiên, cơ quan khí tượng lớn nhất thế giới này cũng nhấn mạnh tới tác động bởi các hoạt động của con người, trong đó chủ yếu là đốt nhiên liệu hóa thạch, đang tiếp tục thải ra khoảng 40 tỷ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2 mỗi năm. Trái đất đang ngày càng nóng lên khiến toàn thế giới lại đặc biệt chú ý tới cuộc chiến chống biến đổi khí hậu mà điều then chốt quyết định là cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2. Tình thế cấp bách hiện nay đòi hỏi thế giới phải nỗ lực tìm mọi cách giảm phát thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính để đạt bằng được mục tiêu đặt ra là ngăn không cho nhiệt độ Trái đất vào giữa thế kỷ này cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Rất nhiều lĩnh vực sản xuất, hoạt động phát thải nhiều khí thải CO2 đã được chỉ ra và có biện pháp, lộ trình cắt giảm. Thế nhưng, có một lổ hổng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu được giới chuyên môn chỉ ra là các hoạt động trong lĩnh vực quân sự.

Một báo cáo khoa học được công bố mới đây trên Tạp chí Nature ước tính, trong năm 2022, lượng khí thải của quân đội các nước chiếm khoảng 5,5% tổng lượng trên toàn cầu, tương đương với ngành hàng không và vận tải biển. Các nhà khoa học cho rằng, chỉ riêng quân đội Mỹ đã thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính hơn nhiều quốc gia, ví dụ như Peru, Singapore và Thụy Sĩ. Nếu là một quốc gia, quân đội Mỹ sẽ có lượng khí thải bình quân đầu người cao nhất thế giới, ở mức tương đương 42 tấn CO2/nhân viên. Hiện, nhiều nhà hoạt động môi trường đang bày tỏ lo ngại liên quan đến cuộc xung đột quân sự hiện nay ở Ukraine. Ông Lennard de Klerk, chuyên gia thống kê phát thải khí CO2 của Hà Lan ước tính, 12 tháng đầu tiên của cuộc xung đột ở Ukraine đã làm gia tăng 120 triệu tấn khí CO2, tương đương với lượng khí thải hàng năm của cả Singapore, Thụy Sĩ và Syria cộng lại. Tổng số khí thải CO2 trong các hoạt động quân sự trên thế giới trên thực tế có thể còn cao hơn bởi tồn tại nhiều lỗ hổng trong các quy định quốc tế về kiểm soát lượng khí thải từ hoạt động quân sự. Trong đó, Nghị định thư Kyoto năm 1997 về giảm khí thải nhà kính đã nhất trí miễn trừ khai báo khí thải từ các hoạt động quân sự đa phương, bao gồm các hoạt động có sự tham gia của hơn 2 quốc gia và từ các tàu và máy bay tham gia vận tải quốc tế. Điều đó đồng nghĩa phần lớn lượng khí CO2 thải ra trong các hoạt động quân sự của các quốc gia không cần phải được theo dõi và báo cáo cho Liên hợp quốc. Điều khoản này tiếp tục được miễn trừ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 với lý do dữ liệu về việc sử dụng năng lượng của quân đội nếu được công bố sẽ chẳng khác nào “vạch áo cho người xem lưng” và có thể làm tổn hại an ninh quốc gia.

Cần chấm dứt quyền miễn trừ gây tổn hại môi trường

Chính vì thế, các nhóm hoạt động cùng chuyên gia về môi trường trên thế giới đang thúc đẩy các cơ quan hữu quan quản lý việc giám sát chặt chẽ lượng khí thải quân sự toàn diện và minh bạch hơn. Tình trạng khẩn cấp về khí hậu của thế giới hiện nay đã hết “dư địa” cho phép loại bỏ khí thải gây hiệu ứng nhà kính liên quan xung đột và quân sự trong quy trình của Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC). Các nhà hoạt động môi trường cho rằng, việc bỏ qua lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính liên quan đến các hoạt động quân sự, trong xung đột trong tính toán của UNFCCC là một “lỗ hổng lớn”. Mặc dù, hiện vẫn có rất ít khả năng xuất hiện bất kỳ kết quả khả quan nào đối với nỗ lực vận động hành lang để công bố lượng khí thải trong hoạt động quân sự trên thế giới và Ban Thư ký UNFCCC cũng chưa có kế hoạch cụ thể nào để sửa đổi quy định về quản lý khí thải quân sự. Tuy nhiên, vấn đề này có thể được thảo luận tại các hội nghị thượng đỉnh trong tương lai về chống biến đổi khí hậu, đặc biệt tại Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) tổ chức ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UEA) vào tháng 11 và 12 năm nay.

Trên thực tế, cũng đã có những dấu hiệu cho thấy một số quân đội đã và đang chuẩn bị cho những thay đổi nhằm giảm lượng khí thải trong hoạt động quân sự. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh gồm 31 quốc gia thành viên, gần đây cho biết, đã đưa ra một phương pháp để các thành viên báo cáo lượng khí thải quân sự của họ. Các quốc gia như New Zealand đang xem xét có nên thêm các lĩnh vực trước đó bị loại trừ khỏi thống kê hay không, như khí thải từ các hoạt động ở nước ngoài, trong khi Anh và Đức đang tìm cách giải quyết các “vùng xám” trong việc báo cáo về khí thải của họ. Trong động thái được chú ý, Mỹ đã cử một phái đoàn gồm đại diện của quân đội và hải quân lần đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 ở Ai Cập năm 2022. Một quan chức quân sự Mỹ tham gia phái đoàn khi đó cho biết, điều này đồng nghĩa rằng nguồn phát thải trong hoạt động quân sự cũng là “một phần của cuộc thảo luận” về khí thải.

Thực tế cho thấy, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu của quân đội Mỹ đang giảm, cũng đồng nghĩa với việc giảm lượng khí thải CO2. Theo Cơ quan hậu cần quốc phòng Mỹ, quân đội nước này đã mua 85 triệu thùng dầu trong năm 2022, giảm gần 15 triệu thùng so với năm 2018 và lượng khí phát thải năm 2022 đã giảm xuống 48 triệu tấn so với 51 triệu tấn của năm 2021. Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Iraq, cũng như áp dụng các công nghệ năng lượng tái tạo, sử dụng phương tiện tiết kiệm nhiên liệu hơn, hay các cuộc tập trận quân sự ít hơn cũng đã góp phần làm giảm sử dụng nhiên liệu. Để góp phần hiệu quả hơn vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các nhóm hoạt động môi trường cho rằng, đã đến lúc cần phải tính toán đến lượng khí thải quân sự trong bức tranh chung về khí thải CO2 toàn cầu. Trong khi, các nhà khoa học và hoạt động về môi trường cũng đang tạo sức ép lên Liên hợp quốc để thúc giục quân đội các nước công khai lượng khí thải và chấm dứt quyền miễn trừ lâu dài với lực lượng này.