Xe tăng T-64BM Bulat tệ đến mức Ukraine không cho chúng ra trận

ANTD.VN - Các chuyên gia quân sự đang rất ngạc nhiên khi Ukraine vẫn chưa sử dụng xe tăng T-64BM Bulat từng được quảng cáo rất "hoành tráng".

Xe tăng T-64BM Bulat từng được Ukraine quảng cáo rất rầm rộ, chúng được cho là nguyên mẫu "hiện đại hóa tốt nhất" trong tất cả các dòng chiến xa "T" do Liên Xô chế tạo.

T-64BM Bulat (còn được gọi bằng cái tên T-64U) được Ukraine chế tạo trên cơ sở hiện đại hóa xe tăng T-64 nổi tiếng của Liên Xô, nó từng được xem là biến thể cao cấp nhất của họ chiến xa T-64 nổi tiếng.

Xe tăng T-64BM Bulat có trọng lượng 45 tấn, được trang bị vỏ giáp tiên tiến tương đương các loại xe tăng hiện đại, bao gồm giáp phản ứng nổ (ERA) thế hệ 3 Nozh, hệ thống phòng vệ chủ động Varta, hệ thống điều khiển hỏa lực 1A45 Irtysh...

Trái tim của xe là động cơ diesel đa nhiên liệu 5TDFM công suất tối đa 850 mã lực, cho phép chạy với tốc độ lớn nhất 70 km/h trên đường nhựa, cự ly hành trình 385 km.

Vũ khí của T-64BM Bulat gồm pháo nòng trơn 125 mm với thiết bị nạp đạn tự động, tên lửa chống tăng có điều khiển bắn qua nòng pháo 9K120 Refleks (AT-11 Sniper) hoặc loại Kombat do Ukraine tự sản xuất, 1 súng máy phòng không 12,7 mm và 1 súng máy đồng trục 7,62 mm.

Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí Ukroboronprom của Ukraine từng khẳng định các đặc tính kỹ thuật chính của T-64BM Bulat có thể xếp ngang hàng xe tăng T-90S của Nga và gần bằng T-84 Oplot.

Bên cạnh đó, xe tăng Bulat có triển vọng hiện đại hóa hơn nữa bằng cách trang bị động cơ diesel 6TD-1 công suất 1.000 mã lực hoặc 6TD-2 công suất 1.200 mã lực, hệ thống điều khiển hỏa lực, hệ thống bảo vệ tích cực, hệ thống thông tin liên lạc và dẫn đường hiện đại.

Chi phí hiện đại hóa T-64 lên biến thể Bulat rẻ hơn gấp 4 lần so với việc sản xuất mới các xe tăng T-84 Oplot, do vậy đây từng là hướng đi dự kiến được Quân đội Ukraine đẩy mạnh, tương tự như cách người Nga đang làm với biến thể T-72B3.

Tuy nhiên, các sự kiện ở Donbass vào mùa hè năm 2014 đã cho thấy một bức tranh khác: hóa ra xe tăng chiến đấu chủ lực T-64BM Bulat, trên thực tế có rất nhiều khuyết điểm.

Ví dụ, như chính các tướng lĩnh của Lực lượng vũ trang Ukraine thừa nhận, do trọng lượng chiến đấu tăng lên 45 tấn khiến phần khung gầm bắt đầu hoạt động đến mức tối đa và rất thường xuyên hỏng hóc.

Một bất ngờ khó chịu là giáp phản ứng nổ Nozh từng nhận rất nhiều lời ca ngợi "trên mây", nhưng hiệu quả chống lại đầu đạn song song của tên lửa chống tăng dẫn đường là không đủ.

Đồng thời, nếu đầu đạn tên lửa kích hoạt giáp Nozh thì một vụ nổ sẽ xảy ra với một lực đến nỗi chắn bùn quay từ trong ra ngoài, dải xích bị xé toạc và chiếc xe tăng mất lái vẫn bị nổ tung.

Kết quả là, trong số 85 xe của mẫu này được cung cấp cho quân đội, 17 chiếc đã bị hỏng hóc một cách không thể cứu vãn. Một số lượng đáng kể khác có nhiều thiệt hại và sự cố khác nhau.

Kết quả là sau khi tân trang, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine quyết định không giao trả xe tăng cho các đơn vị, và năm 2017 chúng được đưa về lực lượng dự bị.

Tuy nhiên sau đó, vào năm ngoái, do vấn đề về số lượng trang bị sẵn sàng chiến đấu, T-64BM Bulat buộc phải quay trở lại đóng quân, nhưng có lẽ một số vấn đề đã nảy sinh trong quá trình hoạt động, và họ muốn giữ chúng ở lại hậu phương.

Các chiến xa T-64BM Bulat nói trên có lẽ chỉ tham chiến khi số lượng xe tăng T-64BV hiện đại hóa theo chuẩn NATO của Ukraine đã bị thiệt hại nặng nề sau những trận chiến dài vừa qua.