Xe chiến đấu Wiesel do Đức viện trợ nhiều khả năng sắp được viện trợ cho Quân đội Ukraine, tuy nhiên truyền thông Nga tỏ ra xem nhẹ phương tiện thiết giáp đổ bộ đường không nói trên.
Theo báo chí Nga, Lực lượng vũ trang Ukraine đang chịu tổn thất thảm khốc về các loại xe bọc thép hạng nhẹ được thiết kế để đưa bộ binh ra chiến trường cũng như yểm trợ hỏa lực, khi họ bị mất hàng trăm chiếc BTR-3, BTR-4 hay BMP-1.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các quan chức quân sự và chính trị tại Kyiv đang nỗ lực yêu cầu các nước NATO cấp tốc gửi cho họ thứ gì đó để lấp đầy chỗ trống do thiệt hại trên chiến trường.
Nếu lúc đầu, phương Tây chủ yếu cố gắng gửi các xe chiến đấu bộ binh cũ từ thời Liên Xô, thì giờ đây họ đang bắt đầu nói về những xe bọc thép chở quân bánh xích M113 nổi tiếng của Mỹ hay xe chiến đấu bộ binh Marder do Đức sản xuất.
Trong diễn biến mới nhất, Đức đang dự định gửi cho Ukraine các xe thiết giáp đổ bộ đường không Wiesel dư thừa, đang được bảo quản với số lượng hàng trăm chiếc trong các kho bảo quản, vừa giúp đỡ đồng minh lại vừa đỡ tốn tiền tháo dỡ, xử lý.
Wiesel là chiếc thiết giáp rất nhỏ gọn, trọng lượng chiến đấu chỉ từ 2,75 đến 4 tấn tùy phiên bản, chiều dài 3,55 - 4,8 m, trang bị module chiến đấu với pháo 20 mm Rheinmetall Mk 20, ngoài ra có phiên bản mang tên lửa chống tăng TOW hoặc tên lửa phòng không Stinger.
Trước diễn biến trên, báo chí Nga viết rằng Wiesel rõ ràng không phải phương tiện thích hợp để vận chuyển quân, nó đã quá cũ, vỏ giáp và vũ khí đều kém, chẳng thể phát huy tác dụng nào trên chiến trường.
Phía Nga thừa nhận những chiếc xe bọc thép nhỏ gọn này được trang bị chủ yếu bằng pháo tự động 20 mm, "tất nhiên vẫn có thể gây nguy hiểm nhất định cho xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân của chúng ta".
Nhưng do lớp giáp của chúng chỉ 8 mm, Wiesel có thể dễ dàng bị phá hủy. Ví dụ, khi gặp những chiếc BTR-80 không phải mới nhất, Wiesel chỉ đơn giản là không có cơ hội, chưa kể đến việc đối đầu với các phương tiện trang bị pháo 30 mm.
Hiện tại các xe bọc thép chở quân hay xe chiến đấu bộ binh hiện đại của Nga chủ yếu lắp pháo tự động 30 mm 2A72 với hệ thống ngắm bắn hiện đại, có tầm xa tác chiến lớn hơn rất nhiều so với chiếc Wiesel.
Không chỉ có vậy, các xe chiến đấu bộ binh như BMP-3 hay BMD-4 còn được tích hợp pháo nòng xoắn cỡ 100 mm có tầm bắn vượt trội và phóng được tên lửa chống tăng qua nòng, mang lại ưu thế vượt xa cả phiên bản Wiesel mang tên lửa chống tăng TOW.
Ngoài ra các lớp giáp trên xe chiến đấu bộ binh thế hệ mới của Nga còn chịu được đạn 30 mm bắn thẳng ở mặt chính diện, do vậy khẩu pháo 20 mm mà Wiesel mang theo không thể gây tổn thương cho chúng.
Trước thực tế trên, đã có nhiều ý kiến cho rằng nếu xảy ra tình huống đối đầu với thiết giáp hiện đại của Nga, những chiếc Wiesel lạc hậu và hỏa lực yếu sẽ không thể sống sót quá 10 giây.
Tuy nhiên đối với Quân đội Ukraine, sự nhỏ gọn và cơ động cao của Wiesel vẫn có thể phát huy tác dụng trong môi trường tác chiến đô thị chật hẹp, khi những chiếc thiết giáp hạng nặng cồng kềnh rất khó xoay trở giữa đống đổ nát của thành phố.
Đây có thể là lợi thế lớn nhất của chiếc Wiesel khi đối đầu xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh hiện đại do Nga sản xuất, bởi nếu trúng đạn pháo 20 mm, cho dù không bị phá hủy thì thiết giáp Nga cũng sẽ bị loại khỏi vòng chiến để mang về sửa chữa.