- Giải quyết dứt điểm "xe dù, bến cóc" quanh Bến xe Mỹ Đình
- Lực lượng chức năng tăng cường xử lý "xe dù, bến cóc"
- Xử lý cán bộ Thanh tra GTVT để xảy ra "xe dù, bến cóc", xe "rùa bò"
Xe hợp đồng trá hình hoạt động ngay trên tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn
(Ảnh: Phú Khánh)
Khó bắt quả tang, xử lý?!
Tại Hà Nội, tình trạng “xe dù, bến cóc” luôn diễn biến phức tạp. Các đối tượng vi phạm hoạt động ngày càng tinh vi hơn, tìm mọi cách để qua mặt lực lượng chức năng. Nhiều xe hợp đồng, xe buýt trá hình hoạt động như xe khách liên tỉnh đã len lỏi vào tận các con phố trung tâm để đón, trả khách, gây mất trật tự ATGT.
Một ví dụ điển hình, gần đây nhất, Báo An ninh Thủ đô đã phản ánh về việc một chiếc xe khách giường nằm chạy tuyến Hà Nội - Thanh Hóa, BKS: 36B-01133 hoạt động ngay trên tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân). Chiếc xe treo biển xe hợp đồng chở công nhân nhưng thực chất lại hoạt động đón trả khách chạy tuyến liên tỉnh và phải sau nhiều ngày phóng viên thúc giục, lực lượng Thanh tra Sở GTVT mới vào cuộc, kiểm tra nhưng tới nay vẫn chưa rõ kết quả xử lý!
Tương tự, gần đây, trên địa bàn nội thành Hà Nội xuất hiện một số xe 9-16 chỗ, bên ngoài dán mác xe chở khách hợp đồng, nhưng thực chất là hoạt động như xe khách tuyến liên tỉnh. Do lợi thế nhỏ gọn, có thể len lỏi vào các ngõ, ngách, đón khách tận nhà nên những chiếc xe này được hành khách lựa chọn. Thế nhưng, hoạt động của chúng lại gây xáo trộn trong hoạt động vận tải và gia tăng nguy cơ ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành.
Trong 5 tháng đầu năm 2016, Phòng CSGT Hà Nội đã xử lý hơn 200 trường hợp xe buýt trá hình vào phố hoạt động đón trả khách. Tuy vậy, khi các đợt cao điểm xử lý qua đi, tình trạng xe hợp đồng, xe buýt trá hình lại tái diễn. Ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận: “Hiện tượng xe hợp đồng trá hình, chở khách liên tỉnh hiện đang nóng lên từng ngày, nhưng lại rất khó bắt quả tang, xử lý. Đây cũng là một hệ lụy phát sinh từ việc có cầu nhưng cung không đáp ứng nổi của vận tải khách liên tỉnh tại Hà Nội”.
Số liệu từ Sở GTVT Hà Nội cho thấy, nội thành Hà Nội có 6 bến xe chính là Mỹ Đình, Giáp Bát, Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Gia Lâm và Lương Yên. Lâu nay, giữa các bến xe đã có sự mất cân đối về lượng khách cũng như mật độ luồng tuyến, phương tiện khai thác. Trong khi 3 bến Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm đã quá tải mà cả nhu cầu khai thác của nhà xe và người dân vẫn không ngừng tăng lên, thì 2 bến Nước Ngầm, Yên Nghĩa lại “ế ẩm” dù đã có nhiều chính sách ưu đãi, mời gọi các doanh nghiệp vận tải.
Quy hoạch phải dựa trên thực tế
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin: “5 năm qua, Sở GTVT Hà Nội đã điều chuyển hàng trăm tuyến xe về bến xe Nước Ngầm nhưng sau một thời gian, doanh nghiệp lại bỏ bến vì hoạt động không hiệu quả”. Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Linh, trên các tuyến đã điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm, xuất hiện tình trạng xe dù, bến cóc do có cầu dẫn đến có cung.
Đại diện một doanh nghiệp vận tải khách nằm trong diện sắp bị điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm bức xúc: “Tuyến xe của doanh nghiệp tôi được thông báo nằm trong diện sẽ phải điều chuyển về bến xe Nước Ngầm. Chúng tôi đang rất lo lắng. Nếu hoạt động không hiệu quả thì chúng tôi phải dừng tuyến hoặc bỏ ra ngoài chạy “dù” để duy trì hoạt động, trả nợ ngân hàng!”.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, trước quyết định điều chuyển luồng tuyến vận tải khách của Bộ GTVT mới đây, hàng loạt Sở GTVT các tỉnh có xe khách chạy về Hà Nội như Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai… đã họp với các doanh nghiệp địa phương và có văn bản gửi lên Bộ GTVT tỏ ý không đồng tình với phương án điều chuyển của bộ. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội lo ngại, nếu cứ ép các doanh nghiệp vận tải phải điều chuyển theo quy hoạch luồng tuyến của Bộ GTVT, có thể khiến tình trạng xe dù, bến cóc bùng phát mạnh hơn.
Theo TS Đặng Minh Tân, giảng viên trường Đại học GTVT, muốn xóa triệt để nạn xe dù, bến cóc, kéo giảm ùn tắc giao thông, thành phố Hà Nội cần có sự đánh giá toàn diện, thận trọng, đề ra các nhóm giải pháp căn cơ, giải quyết đồng bộ các vấn đề như nhu cầu của người dân, năng lực đáp ứng của mạng lưới vận tải, quy hoạch luồng tuyến, tính kết nối của bến xe… Quan trọng nhất là quy hoạch, chiến lược phát triển giao thông vận tải phải được xây dựng từ những khảo sát thực tế chứ không chỉ là suy luận hay kết quả của các chuyên gia “đút chân gầm bàn”.