Xử lý cán bộ Thanh tra GTVT để xảy ra "xe dù, bến cóc", xe "rùa bò"

ANTĐ - Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong bối cảnh giá xăng dầu giảm mạnh như hiện nay, sẽ không chấp nhận cho đơn vị nào tăng giá cước vận tải khách tuyến cố định, hay tăng phụ thu chiều rỗng. Cùng với đó, lực lượng thanh tra GTVT sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng khác xử lý nghiêm tình trạng xe “rùa bò”, nhồi nhét khách.

Xử lý cán bộ Thanh tra GTVT để xảy ra "xe dù, bến cóc", xe "rùa bò" ảnh 1

Hà Nội không cho tăng giá vé xe khách dịp Tết

Không tăng giá, phụ thu dịp Tết

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin, tính đến ngày 25-1 mới chỉ có 1 đơn vị vận tải khách tuyến cố định đăng ký tăng giá vé. Tuy nhiên, Sở GTVT đã không đồng ý, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp vận tải khách không được phụ thu giá cước chiều rỗng trong dịp Tết Bính Thân 2016 này. Các bến xe sẽ không ký lệnh xuất bến cho các nhà xe, doanh nghiệp tăng giá vé, phụ thu trong dịp này. “Các đơn vị phải giảm giá cước theo đúng giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp hiện đang xây dựng lại kết cấu giá thành để có lộ trình giảm giá vé”, ông Nguyễn Hoàng Linh cho hay.

Liên quan đến “xe dù bến cóc” và tình trạng xe khách “rùa bò” tại một số điểm “nóng” trên địa bàn Thủ đô, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận, điều này phát sinh theo nhu cầu dịch vụ hành khách. Ông Nguyễn Hoàng Linh cũng khẳng định, “xe dù” chủ yếu thuộc các địa phương khác cấp phép, quản lý. Bởi Sở GTVT Hà Nội quản lý xe khách bằng GPS (hộp đen) nên rất dễ xử lý, và thực tế thời gian qua cũng đã xử lý hàng loạt xe “rùa bò” bắt khách trên tuyến đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng. Thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố để thông báo thông tin về xe khách vi phạm, đề nghị xử lý, chấn chỉnh. Nếu các địa phương này không xử lý nghiêm, Sở GTVT Hà Nội sẽ đề nghị Công ty CP Bến xe Hà Nội từ chối phục vụ. 

Trong cuộc họp kiểm tra các bến xe trên địa bàn Hà Nội về tình hình đảm bảo giao thông đi lại dịp Tết cho người dân sáng 25-1, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đặc biệt lưu ý Sở GTVT Hà Nội về tình trạng xe “rùa bò” và “xe dù, bến cóc” quanh khu vực các bến xe như Mỹ Đình, Giáp Bát và Yên Nghĩa.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, để xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc” chủ yếu phải dựa vào lực lượng thanh tra GTVT, việc phối hợp với lực lượng công an chỉ tập trung xử lý những vấn đề phức tạp hơn. Thứ trưởng Lê Đình Thọ đặt vấn đề cần thành lập một tổ thanh tra gồm lực lượng thanh tra của Bộ và của Sở GTVT để có thể xử lý dứt điểm tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe “rùa bò”. Trước ý kiến này của lãnh đạo Bộ GTVT, ông Nguyễn Hoàng Linh cho hay, Sở GTVT Hà Nội hiện có khoảng 600 thanh tra GTVT, mỗi đội khoảng hơn 20 người. Sở GTVT sẽ kiên quyết xử lý, luân chuyển người phụ trách của các đội nếu vẫn để xảy ra vi phạm về “xe dù, bến cóc”, xe “rùa bò” quanh khu vực bến xe.

Chốt trực các điểm “nóng” về xe “rùa bò”

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề “xe dù, bến cóc” tồn tại phần lớn do ý thức của người dân, cứ thấy tiện là bắt xe. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận: “Nếu còn tình trạng người dân đứng trên cao tốc bắt xe khách, đứng dọc đường bắt xe thì khó có thể dẹp được “bến cóc” và dừng đỗ xe dọc đường. Chúng ta xử lý nhà xe mới chỉ là hớt ngọn, cái gốc vẫn là ý thức của người dân”. Đồng tình quan điểm này, Đại tá Dương Ngọc Tiến, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông cho rằng, hiện công tác đảm bảo ATGT của chúng ta vẫn dựa vào sức người là chính. “Các điểm giao thông nào có lực lượng chức năng thì ý thức chấp hành của người dân rất cao. Nhưng điểm nào vắng bóng lực lượng chức năng thì dù đã có đèn tín hiệu giao thông nhưng nhiều khi người dân vẫn không chấp hành”, Đại tá Dương Ngọc Tiến bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Sở GTVT Hà Nội vừa yêu cầu lực lượng Thanh tra GTVT xử lý nghiêm các phương tiện kinh doanh vận tải khách chạy sai hành trình, xe chạy kiểu “rùa bò”, dừng đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định. Song song đó, để hạn chế thấp nhất tình trạng này, thanh tra GTVT còn cử cán bộ chốt trực tại các điểm dễ phát sinh “bến cóc” như chân cầu vượt Mai Dịch trước cổng trường Đại học Ngoại ngữ; đường Phạm Hùng - đối diện cổng bến xe Mỹ Đình; trước tòa nhà Viglacera (số 1 Đại lộ Thăng Long); ngã tư Nguyễn Trãi-Nguyễn Xiển-Khuất Duy Tiến (phía bên phải đường dẫn lên đường vành đai 3 trên cao)…