Vì sao không quân Nga hùng mạnh nhưng vẫn chưa làm chủ bầu trời Ukraine?
Việt Hùng
ANTD.VN - Giới phân tích quân sự phương Tây cho rằng, dù sở hữu không quân hùng hậu, nhưng Nga đã không thể khống chế không phận Ukraine hiệu quả, điều này khiến đối phương khai thác triệt để điểm yếu này để phản kích. Hiện quân đội Nga chưa bình luận về thông tin này.
Kể từ khi Mosow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào nước láng giềng vào ngày 24/2, sau gần 8 tháng chiến sự, Nga đang đối mặt hàng loạt vấn đề trên chiến trường Ukraine.
Giới phân tích phương Tây cho rằng, mọi vấn đề đều bắt nguồn từ việc không quân Nga không thể giành quyền kiểm soát bầu trời Ukraine.
Không khống chế được không phận Ukraine, Nga gần như bất lực trước các tổ hợp pháo phản lực HIMARS của đối phương, cũng như các vũ khí tầm xa khác do phương Tây viện trợ.
Bộ binh Nga cũng không nhận được sự yểm trợ hỏa lực cần thiết từ không quân để ngăn đà phản công chóng vánh của quân đội Ukraine hiện đang diễn ra.
Gần đây quân đội Nga tiến hành hàng loạt cuộc tập kích bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tự sát nhằm vào các thành phố Ukraine.
Nhưng giới phân tích quân sự phương Tây cho rằng những cuộc tập kích đó cũng bộc lộ điểm yếu trong chiến lược của không quân Nga, đó là phải dựa vào UAV cảm tử thay vì chiến đấu cơ có người lái.
"Không chiếm được ưu thế trên không là một trong những yếu tố quyết định khiến Nga mất lợi thế", ông Jakub Janovsky, nhà phân tích quân sự từ Oryx, nhóm phân tích độc lập chuyên theo dõi thông tin tình báo nguồn mở về tổn thất khí tài trong xung đột Ukraine, cho biết.
Khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2, các chuyên gia quân sự của cả hai bên đều cho rằng Mocow sẽ dồn lực tiêu diệt các hệ thống phòng không Ukraine để chiếm lĩnh bầu trời trước khi đẩy mạnh đà tấn công hơn nữa.
Đây cũng là chiến thuật mà Mỹ đã áp dụng trong các cuộc chiến ở Vùng Vịnh và Libya, vì nó giúp bảo vệ các phi đội tấn công cũng như lực lượng mặt đất.
Tuy nhiên Nga đã không làm thế, sau khi đạt được một số thành công ban đầu trong nỗ lực tấn công các hệ thống phòng không Ukraine và phá vỡ xương sống thông tin liên lạc của nước này, không quân Nga giảm tần suất tác chiến một cách khó hiểu.
Lực lượng phòng không Ukraine cũng kịp thời củng cố lực lượng, đáp trả ngày càng hiệu quả đòn không kích từ phía Nga.
Không quân Ukraine, dù bị tổn thất từ sớm, vẫn kiên trì xuất kích và không chiến tầm gần với các phi công Nga.
Đến mùa xuân, các chiến đấu cơ Nga chủ yếu chỉ hoạt động trong không phận nước này hoặc trên những vùng lãnh thổ Ukraine do Moscow kiểm soát, chứ không thường xuyên tiến sâu vào không phận Ukraine kiểm soát.
Các oanh tạc cơ Nga cũng chỉ tập trung phóng tên lửa hành trình từ phía sau lưới phòng không trên mặt đất.
Các trực thăng vũ trang Nga ở Ukraine cũng hoạt động ngày càng thận trọng sau những tổn thất lớn trên chiến trường.
Theo các nhà phân tích, khả năng bảo vệ hệ thống phòng không của Ukraine trong những tuần đầu chiến sự đã cho phép họ kiểm soát được phần lớn đất nước, bất chấp các cuộc tập kích không ngừng từ Nga.
"Do Nga không chiếm được ưu thế trên không, Ukraine hiện đã tận dụng được điều này để nâng cao đà phản kích", ông Douglas Barrie, chuyên gia cấp cao tại thành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, trụ sở ở London, Anh, nhận xét.
Trong khi bộ binh Ukraine được hỗ trợ rất nhiều từ vũ khí hiện đại của phương Tây, lực lượng phòng không nước này chủ yếu dựa vào các khí tài từ thời Liên Xô mà Kiev đã vận hành và cải tiến trong hơn ba thập kỷ.
Ông Mykola Bielieskov, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược Quốc gia Ukraine, cho biết các khí tài phòng không thời Liên Xô được Ukraine bố trí trên lãnh thổ dày hơn nhiều so với tiêu chuẩn của NATO.
Theo giới quan sát, việc Nga không thể vô hiệu hóa các hệ thống này gây bất ngờ, bởi lẽ Moscow cũng sử dụng cùng chủng loại khí tài.
Ông Bielieskov nhận định Ukraine đã có thể bảo toàn lực lượng phòng không, không quân của mình bằng cách di chuyển máy bay cùng các hệ thống phòng thủ khỏi vị trí thường xuyên và phân tán chúng.
Theo ông, trước xung đột, tình báo Mỹ đã cung cấp cho Ukraine đủ thông tin để họ chủ động bảo vệ thiết bị của mình.
Tin tình báo ban đầu của phương Tây về thời gian và hướng tấn công của Nga cũng giúp Ukraine bố trí lưới phòng không ở nơi có thể phát huy hiệu quả cao nhất.
"Nga không kích các sân bay và trận địa tên lửa, nhưng không đạt hiệu quả cao, do phần lớn mục tiêu đã được sơ tán kịp thời", ông nói.
Theo chuyên gia Barrie từ London, Điện Kremlin từng hy vọng sẽ kiểm soát Kiev, khuất phục chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky trong vòng 3 ngày và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Ukraine, bởi vậy họ đã hạn chế cường độ của màn tấn công mở đầu, nhằm tránh gây thiệt hại cho dân thường.
Lực lượng Nga ban đầu dường như cũng không thực hiện những cuộc tấn công tiếp theo nhằm vào các khẩu đội tên lửa, đài radar hoặc trung tâm chỉ huy - kiểm soát của Ukraine để vô hiệu hóa chúng hoàn toàn.
Một yếu tố khác giúp sức cho Ukraine là việc không quân Nga thiếu kinh nghiệm trong các chiến dịch hiệp đồng phức tạp nhằm áp chế hệ thống phòng không đối phương.
Nỗ lực này đòi hỏi phối hợp chặt chẽ giữa các khí tài tác chiến điện tử và tên lửa, máy bay chiến đấu. Nga thiếu kinh nghiệm trong những cuộc xung đột quy mô lớn như vậy.
Nga dường như đã phải chịu tổn thất lớn vì điều này. Theo dữ liệu từ Oryx, hồi đầu tháng ba, ước tính sơ bộ Nga mất hơn 60 chiến đấu cơ, trực thăng mỗi tuần.
Đến giữa tháng 5, không quân Nga giảm đáng kể hoạt động tác chiến, tổn thất cũng được giảm xuống dưới 10 máy bay một tuần.
Kể từ khi Ukraine mở chiến dịch phản công ở miền đông và miền nam vào tháng trước, nhanh chóng chiếm lại hàng nghìn km2 lãnh thổ và gây tổn thất nặng nề cho bộ binh Nga, thiệt hại về máy bay của Moscow đã tăng nhẹ.
"Những tổn thất đó cho thấy không quân Nga đang được sử dụng như lực lượng ứng cứu khi bộ binh gặp khó khăn", thay vì nhiệm vụ kiểm soát không phận, nhà phân tích Janovsky từ Oryx bình luận.
Không quân Ukraine, vốn sở hữu ít máy bay chiến đấu hơn nhiều so với Nga, cũng hứng chịu nhiều tổn thất trong giao tranh.
Nhưng việc sử dụng rộng rãi máy bay không người lái và sự hỗ trợ thông tin tình báo của Mỹ được cho là đã giúp họ bù đắp thế yếu của mình trong nỗ lực kiểm soát bầu trời, giới quan sát đánh giá.
Giờ đây, Nga đã thay thế máy bay có người lái bằng tên lửa và UAV để tấn công sâu vào Ukraine, chủ yếu nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng trọng yếu.
Đáp lại, NATO hôm 12/10 cam kết cung cấp thêm cho Ukraine các hệ thống phòng không hiện đại, nhằm giúp nước này tăng cường năng lực phòng không.
Các quan chức quân sự cho hay dù quá trình đó mất nhiều thời gian, nó có thể giúp Ukraine sở hữu một trong những lưới phòng không tiên tiến nhất châu Âu, chống lại gần như tất cả các biện pháp tập kích đường không của đối phương.
Hiện quân đội Nga chưa bình luận về những lập luận được phía chuyên gia phương Tây đưa ra. Trên thực tế, nhiều lần quân đội Nga đã áp dụng những chiến thuật khác với lý thuyết quân sự thông thường và giành thắng lợi