Hạm đội Biển Đen hải quân Nga từng biên chế 6 tàu ngầm Kilo nâng cấp thuộc Đề án 636.3, trong đó một chiếc đang bảo dưỡng, một tàu triển khai ở Địa Trung Hải và một chiếc bị hư hại trong đòn tập kích tên lửa hồi tháng 9/2023.
Đơn vị này còn sở hữu tàu ngầm Alrosa thuộc Đề án 877V, tàu cũng có khả năng mang tổ hợp tên lửa hành trình Kalibr-PL.
"Lần đầu tiên Nga triển khai cùng lúc ba tàu ngầm mang tên lửa hành trình ra khơi, tất cả đều đang hiện diện ở Biển Đen và biển Azov", phát ngôn viên hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk cho biết hôm 29/7.
Việc điều động cùng lúc 3 tàu ngầm - tương đương gần như toàn bộ số tàu ngầm sẵn sàng chiến đấu của hải quân Nga tại khu vực- có thể là tín hiệu không tốt cho Ukraine.
Các tài khoản ủng hộ quân đội Ukraine trên mạng xã hội cảnh báo đợt triển khai của nhóm tàu ngầm có thể là bước chuẩn bị cho đòn tập kích tên lửa quy mô lớn nhằm vào nước này trong những ngày tới.
Thông tin Nga điều động tàu ngầm mang tên lửa hành trình được đưa ra vài ngày sau khi phát ngôn viên Pletenchuk tuyên bố Nga đã rút toàn bộ tàu chiến khỏi biển Azov và bán đảo Crimea do các đợt tập kích bằng tên lửa, xuồng tự sát của Ukraine.
Hiện Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin được phía Ukraine đưa ra.
Kilo 636 thuộc lớp tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel – điện, có nhiệm vụ tác chiến chống hạm và chống ngầm. Đây là tàu ngầm thuộc hế hệ thứ ba (loại tiên tiến nhất thế giới).
Trong khi đó, đề án Kilo 636.3 hiện đại hơn được phát triển trên nền tảng tàu ngầm Đề án 877 Paltus (NATO định danh: Kilo) do Liên Xô hạ thủy năm 1980.
Chiếc Kilo 636.3 cải tiến đầu tiên được hạ thủy vào năm 1996, sau đó Viện thiết kế Rubin tiếp tục đưa ra các phiên bản khác nhau cho mục đích xuất khẩu.
Kilo 636.3 có độ sâu hoạt động khoảng 240 m và độ sâu lặn tối đa 300 m.
Lớp tàu ngầm này vận hành rất tốt trong vùng biển nông, có khả năng di chuyển sát đáy biển.
Viện thiết kế Rubin đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại để giảm độ ồn cho lớp Kilo, giúp chúng có khả năng tàng hình trước các thiết bị định vị thủy âm (sonar) hiện đại.
Thân tàu được thiết kế theo hình giọt nước để làm giảm sức cản khi di chuyển.
Tàu ngầm Kilo mang biệt danh là "hố đen đại dương" bởi khả năng ẩn mình gần như hoàn hảo của nó.
Động cơ của tàu được đặt cách ly trên bệ đỡ cao su và không chạm vào thân tàu, làm giảm rung động và triệt tiêu tiếng ồn.
Vỏ ngoài tàu ngầm được bọc kín bằng lớp cao su đặc biệt, có khả năng cách âm từ bên trong và hấp thụ sóng âm từ bên ngoài.
Lớp vỏ cao su này giảm khả năng phát hiện mục tiêu từ sonar chủ động và thụ động của đối phương.
Hệ thống cung cấp khí trên tàu có thể cung cấp oxy trong vòng 260 tiếng liên tục, giúp tàu có thể lặn liên tục trong hai tuần liền mà không cần nổi lên
Động cơ chính có công suất 6.800 mã lực, cho phép tàu di chuyển với tốc độ tối đa 46 km/h và tầm hoạt động khoảng 13.900 km.
Thiết bị cảm biến trên tàu gồm tổ hợp sonar chủ động/thụ động MGK-400EM và một loạt cảm biến thủy âm thụ động trên vỏ tàu. Bên cạnh đó là sonar nhận dạng mục tiêu và cảnh báo mìn MG-519EM Arfa.
Trong chế độ hành trình bình thường, tàu sử dụng radar MRK-50 Albatros để định vị và nhận dạng các tàu thuyền xung quanh.
Lớp tàu Kilo 636.3 cải tiến được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm.
Cơ số vũ khí của tàu gồm 18 ngư lôi Type-53-65, TEST-71, ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval cùng tổ hợp tên lửa hành trình Kalibr/Klub-S và thêm 24 quả mìn.
Tổ hợp Kalibr có phiên bản chống hạm, chống ngầm và đối đất, tầm bắn tối đa 2.500 km cho bản nội địa và 300 km cho bản xuất khẩu.
Đề án 636.3 Varshavyanka được chuyên gia phương Tây đánh giá rất cao cả về tính năng kỹ thuật và tiềm năng xuất khẩu.
Nhờ vũ khí hiện đại và khả năng ẩn mình gần như hoàn hảo, tàu ngầm Kilo 636 và 636.3 vẫn là một trong những tàu ngầm phi hạt nhân uy lực nhất thế giới.