Triển vọng về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas vẫn mờ mịt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xung đột Israel - Hamas vẫn diễn biến hết sức phức tạp khi Israel kiên quyết theo đuổi chiến dịch quân sự cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Hamas. Trong khi đó, triển vọng về một lệnh ngừng bắn mới vẫn mờ mịt do bất đồng quan điểm giữa Israel và Hamas.

Hàng chục người thiệt mạng do Israel không kích

Ngày 6-6, Lực lượng Phòng vệ Israel đã không kích vào một ngôi trường do Cơ quan Liên hợp quốc hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) điều hành ở khu vực Nuseirat, trung tâm Dải Gaza, khiến hàng chục người thiệt mạng. Israel nói rằng cuộc không kích nhằm vào nơi mà họ nhận được thông báo có khoảng 20-30 chiến binh Hamas ẩn náu. Israel thường cáo buộc Hamas sử dụng trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng dân sự khác, trong đó các cơ sở do UNRWA điều hành, làm trung tâm hoạt động. Phong trào Hamas luôn bác bỏ những cáo buộc này.

Hiện trường vụ Israel không kích trường học do Liên hợp quốc hỗ trợ ở trung tâm Dải Gaza hôm 6-6

Hiện trường vụ Israel không kích trường học do Liên hợp quốc hỗ trợ ở trung tâm Dải Gaza hôm 6-6

Đây là diễn biến mới nhất trong chiến dịch quân sự mà Israel tiến hành tại Dải Gaza đã 8 tháng nay, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế. Hôm 5-6, Lực lượng Phòng vệ Israel thông báo tiến hành chiến dịch mới chống lại phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas ở trung tâm Dải Gaza sau khi có thông tin tình báo về các chiến binh và cơ sở hạ tầng của nhóm này tại đây. Cuộc tấn công do Sư đoàn 98 của Lực lượng Phòng vệ Israel thực hiện, tập trung vào các khu vực phía Đông các thành phố Bureij và Deir al-Balah ở miền Trung Gaza.

Liên quan đến cuộc không kích của Israel vào ngôi trường do Liên hợp quốc hỗ trợ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích. Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, nêu rõ: “Đây chỉ là một ví dụ khủng khiếp khác về cái giá mà dân thường đang phải trả. Sẽ cần phải quy trách nhiệm về những việc đã xảy ra ở Gaza”. Ông nhấn mạnh, các cơ sở của Liên hợp quốc là “bất khả xâm phạm, kể cả trong xung đột vũ trang và phải được tất cả các bên bảo vệ”.

Cùng ngày, Mỹ kêu gọi Israel minh bạch về cuộc tấn công trên, trong đó có cả việc xác minh liệu có trẻ em thiệt mạng hay không. Phát biểu với báo giới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nhấn mạnh: “Chính phủ Israel đã nói rằng họ sẽ công bố thêm thông tin về cuộc tấn công này, bao gồm cả danh tính của những người thiệt mạng. Chúng tôi hy vọng Israel sẽ hoàn toàn minh bạch trong việc công khai thông tin đó”.

Trên mạng xã hội X, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell nhấn mạnh, các thông tin từ Gaza cho thấy, hàng trăm nghìn dân thường vô tội vẫn đang phải hứng chịu những đau thương, mất mát mỗi ngày. Quan chức này kêu gọi tiến hành điều tra độc lập về vụ không kích của Israel.

Cho đến nay, xung đột Israel - Hamas đã phá hủy hoặc làm hư hại hơn 50% số công trình tại Gaza. Ước tính được đưa ra dựa trên hình ảnh vệ tinh chụp vào ngày 3-5 vừa qua và so sánh với các hình ảnh được chụp vào tháng 5-2023, cuối tháng 9-2023 và ngày 15-10-2023, chỉ hơn 1 tuần sau khi xung đột Hamas - Israel bùng phát. Theo phân tích sơ bộ dữ liệu vệ tinh, hơn 137.000 tòa nhà bị ảnh hưởng, chiếm khoảng 55% tổng số công trình tại Gaza. Trong đó, 36.591 công trình bị phá hủy, 16.513 công trình bị hư hại nghiêm trọng, 47.368 công trình bị thiệt hại ở mức vừa phải và 36.825 công trình có khả năng bị hư hại. Các thành phố Deir Al-Balah và Gaza chịu thiệt hại nặng nề nhất, với lần lượt là hơn 2.600 và 2.360 công trình bị hư hại.

17 nước ký tuyên bố chung kêu gọi ngừng bắn

Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế đang nỗ lực vận động cho một lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza. Hôm 6-6, 17 nước có công dân bị bắt làm con tin đã ký tuyên bố chung kêu gọi Hamas và Israel đi đến thỏa thuận ngừng bắn, nhằm chấm dứt chiến tranh. Các nước này bao gồm Mỹ, Argentina, Áo, Brazil, Bulgaria, Canada, Colombia, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Serbia, Tây Ban Nha, Thái Lan và Anh. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng ta không còn thời gian. Chúng tôi kêu gọi Hamas và Israel tiến tới thỏa thuận và bắt đầu quá trình thả các công dân. Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Israel cũng như Hamas có sự thỏa hiệp cần thiết để đạt được thỏa thuận và trợ giúp cho gia đình các con tin, cũng như người dân thường ở cả hai phía trong cuộc xung đột khủng khiếp này”.

Các nước đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh nhà hòa giải của Mỹ, Qatar và Ai Cập nối lại các cuộc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin. Ngày 5-6, Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine (PFLP) và phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) cho biết đã cử các phái đoàn đại diện đến Cairo theo lời mời của Ai Cập để thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza. Trước đó, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza và thực hiện chiến dịch nhân đạo quy mô lớn để hỗ trợ người dân ở vùng lãnh thổ này.

Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trình bày bản kế hoạch được cho là do Israel dự thảo hướng tới lệnh ngừng bắn toàn diện ở Dải Gaza để đổi lấy việc trả tự do cho các con tin. Theo đó, đề xuất gồm 3 giai đoạn, bắt đầu với lệnh ngừng bắn “đầy đủ và toàn diện” kéo dài 6 tuần. Trong giai đoạn thứ hai, Hamas và Israel sẽ đàm phán các điều khoản nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch. Giai đoạn thứ ba sẽ bao gồm kế hoạch tái thiết lớn dành cho Gaza.

Chi tiết đầy đủ của bản kế hoạch mà ông Joe Biden trình bày vẫn chưa được công bố nhưng Israel khẳng định sẽ không ký kết bất kỳ đề xuất nào yêu cầu nước này phải tạm dừng cuộc chiến trước khi Hamas bị tiêu diệt hoàn toàn. Người phát ngôn chính phủ Israel David Mencer khẳng định: “Đề xuất này cho phép Israel hiện thực hóa tất cả các mục tiêu: tiêu diệt Hamas và khả năng quản lý của nhóm này, đưa các con tin của chúng tôi về nhà và đảm bảo rằng Gaza không bao giờ có thể tạo thành mối đe dọa đối với chúng tôi nữa”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant thì tuyên bố Israel sẽ không ngừng tấn công trong quá trình diễn ra các cuộc đàm phán về đề xuất ngừng bắn trong xung đột Israel - Hamas. Ông Gallant khẳng định: “Bất kỳ cuộc đàm phán nào với Hamas sẽ chỉ được tiến hành dưới hỏa lực”.

Trong khi đó, ông Ismail Haniyeh - lãnh đạo nhóm Hamas hôm 5-6 cho biết, nhóm này sẽ yêu cầu chấm dứt vĩnh viễn cuộc chiến ở Gaza và việc Israel rút quân như một phần của thỏa thuận ngừng bắn. Ông Haniyeh tuyên bố: “Phong trào Hamas và các phe phái kháng chiến sẽ bàn bạc một cách nghiêm túc và tích cực bất kỳ thỏa thuận nào dựa trên việc chấm dứt toàn diện hành vi xâm lược, sự rút quân hoàn toàn và việc trao đổi tù nhân”.

Như vậy là hai bên đối đầu đều bảo vệ quan điểm riêng của mình, khiến triển vọng về một lệnh ngừng bắn sẽ khó có thể sớm đạt được trong thời gian trước mắt. Kể từ lệnh ngừng bắn ngắn ngủi kéo dài một tuần vào tháng 11 năm ngoái, mọi nỗ lực dàn xếp lệnh ngừng bắn đều thất bại. Lý do là bởi Hamas nhất quyết yêu cầu chấm dứt vĩnh viễn xung đột, trong khi Israel tuyên bố sẽ chỉ ngừng chiến khi Hamas bị tiêu diệt.