Thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Đông Nam Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng xanh, sản xuất xanh, tăng cường năng lực sản xuất năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á sẽ giúp các nước trong khu vực đạt được nhiều mục tiêu một lúc, vừa tạo thêm những việc làm mới, vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đồng thời giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất nóng lên.
Với cam kết đưa phát thải về 0 vào năm 2050, Việt Nam đang thúc đẩy nhanh sự phát triển của năng lượng tái tạo

Với cam kết đưa phát thải về 0 vào năm 2050, Việt Nam đang thúc đẩy nhanh sự phát triển của năng lượng tái tạo

Tạo ra hàng triệu việc làm “xanh”

Trong một báo cáo vừa công bố, Tổ chức phi lợi nhuận Bridgespan cho biết, những khoản đầu tư lớn đang được rót vào các lĩnh vực “xanh” ở khu vực Đông Nam Á và điều này đã tạo ra hàng nghìn việc làm mới. Báo cáo này nhấn mạnh rằng, đến năm 2030 có thể có tới 30 triệu việc làm liên quan đến lĩnh vực phát triển bền vững ở Đông Nam Á, với nền kinh tế xanh của khu vực dự kiến mang lại cơ hội kinh tế hàng năm lên tới 1 nghìn tỷ USD. Những nhận định, đánh giá trên được đưa ra sau khi các chuyên gia của Bridgespan tiến hành nghiên cứu thị trường việc làm tại các quốc gia Đông Nam Á gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và xác định 5 lĩnh vực then chốt cho quá trình chuyển đổi nền kinh tế xanh. Năm lĩnh vực này là năng lượng Mặt trời, điện di động, môi trường xây dựng, nông nghiệp bền vững và quản lý rác thải.

Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong một báo cáo cũng đưa ra những nhìn nhận tương tự khi cho rằng, phục hồi xanh sau dịch Covid-19 ở Đông Nam Á có khả năng thu hút 172 tỷ USD vốn đầu tư hàng năm và tạo ra hơn 30 triệu việc làm vào năm 2030. Định chế ngân hàng lớn nhất khu vực này cũng xác định 5 lĩnh vực hỗ trợ phục hồi sau đại dịch thông qua phát triển xanh, đó là nông nghiệp tái tạo, đại dương xanh, phát triển đô thị bền vững và các mô hình giao thông, mô hình kinh tế và năng lượng tái tạo. Theo ADB, một sự phục hồi xanh sau dịch Covid-19 là rất quan trọng để đảm bảo một tương lai bền vững về kinh tế và môi trường cho các quốc gia trong khu vực. Ngân hàng này cũng đồng thời lưu ý rằng, nếu không có các hành động phối hợp để giải quyết các cuộc khủng hoảng môi trường do biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học gây ra, triển vọng tăng trưởng dài hạn của khu vực Đông Nam Á có thể bị hạn chế khá nhiều.

Những đánh giá về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh hay sản xuất xanh tại Đông Nam Á được đưa ra trong bối cảnh đây là một trong những khu vực phải gánh chịu tác động của thiên tai nhiều nhất trên thế giới và đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động khí hậu nghiêm trọng. Quỹ ClimateWorks và Tổ chức Năng lượng bền vững cho tất cả (SEforALL) trong một nghiên cứu công bố cuối tháng 8 vừa qua đã cho rằng, khu vực Đông Nam Á có thể mất tới 30% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2050 do nhiệt độ toàn cầu tăng và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Cùng với đó, tác động xấu của ô nhiễm môi trường cũng đang ngày một ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của con người ở Đông Nam Á. Đô thị hóa quá nhanh và các yếu tố kinh tế phát thải là một trong những nguyên nhân góp phần gia tăng ô nhiễm môi trường. Để bảo vệ chính môi trường sống của con người, rất nhiều tổ chức và công ty đang ngày càng quan tâm hơn đến việc sử dụng năng lượng sạch để đưa vào sản xuất. Lĩnh vực năng lượng sạch vì thế đang dần chiếm vị trí trọng tâm của chiến lược tăng trưởng và phát triển tại các quốc gia thành viên ASEAN.

Việc tăng cường năng lực sản xuất năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á còn đồng thời giúp các nước trong khu vực tạo ra việc làm mới và đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng đồng thời giảm đáng kể lượng khí thải. Theo ước tính của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), đến năm 2030 dự kiến sẽ có hàng triệu việc làm mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á.

Cam kết vì tương lai xanh

Với tốc độ tăng trưởng thuộc top đầu trên thế giới, Đông Nam Á hiện là khu vực tiêu thụ năng lượng lớn thứ tư thế giới. Tuy nhiên, phần lớn năng lượng tiêu thụ hiện nay ở khu vực vẫn là năng lượng không tái tạo. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), hiện 83% năng lượng tiêu thụ tại Đông Nam Á đến từ nhiên liệu hóa thạch. Nhiều quốc gia vẫn sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các nguồn năng lượng không tái tạo khác để cung cấp năng lượng cho các hoạt động của nền kinh tế và đời sống hàng ngày của người dân.

Trong khi đó, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Indonesia cam kết thực hiện điều này vào năm 2060. Năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á vì thế cần phải phát triển nhanh để đáp ứng nhu cầu năng lượng cao của khu vực, đồng thời nhằm thực hiện phát thải đã cam kết của các quốc gia. Nhu cầu gia tăng tới 50-60% trong 2 thập kỷ tới tại khu vực đang mang đến cho các nhà đầu tư những cơ hội đáng kể để hỗ trợ các công ty trong lĩnh vực này, thúc đẩy hệ sinh thái năng lượng tái tạo và thu về khoản lợi tức đáng kể từ khoản đầu tư. Các quốc gia khu vực Đông Nam Á cần triển khai năng lượng xanh từ các nguồn năng lượng như Mặt trời, gió, thủy điện và địa nhiệt. Ngoài ra, việc làm này còn giải quyết được các mối lo ngại từ biến đổi khí hậu, vừa bảo vệ môi trường lại đáp ứng được nhu cầu năng lượng đang ngày càng gia tăng theo sự phát triển kinh tế - xã hội.

Sự hỗ trợ của các chính phủ là yếu tố hết sức quan trọng trong việc giúp khu vực Đông Nam Á chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Hiện, các nước Đông Nam Á đều đã đặt ra các kế hoạch và hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy quốc gia của mình có tỷ lệ năng lượng tái tạo cao hơn vào năm 2030 và hơn thế nữa. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang hợp tác với chính phủ và doanh nghiệp khu vực trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, sản xuất xanh.

Ông Antha Williams, Giám đốc Chương trình Môi trường của hãng Bloomberg cho rằng, Đông Nam Á có tiềm năng trở thành người đứng đầu trong sản xuất năng lượng tái tạo để góp phần triển khai năng lượng tái tạo toàn cầu, đồng thời đạt được tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Việc tăng cường đầu tư của khu vực tư nhân vào các lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo tại địa phương, tăng cường hợp tác chuỗi giá trị khu vực và tập hợp các bên liên quan chính sẽ tạo ra việc làm, tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) và giúp các quốc gia Đông Nam Á đạt được các mục tiêu về khí hậu của mình.

Tổng Vụ trưởng Nhóm các ngành của ADB Ramesh Subramaniam cho biết, việc sản xuất năng lượng tái tạo với sự hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật và tài chính nhằm giúp các nước đang phát triển trong khu vực chuyển đổi khỏi năng lượng dựa vào than, đồng thời giảm lượng khí thải CO. Điều này cũng đồng thời khuyến khích tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Là một quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đặt ra các mục tiêu tăng trưởng xanh. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 của nước ta xác định, kinh tế xanh là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm phát triển đất nước, gồm: Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực và nước sạch; phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn; bảo vệ môi trường; và chủ động phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 cũng đề ra 3 mục tiêu cụ thể là giảm phát thải khí nhà kính; xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.