- Iran phóng hơn 100 máy bay không người lái về phía Israel
- Tổng thống Mỹ họp khẩn sau cuộc tấn công của Iran vào Israel
- IDF: Hầu hết tên lửa Iran bị chặn bên ngoài biên giới Israel
|
Hệ thống phòng không Israel đang đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái của Iran |
Cuộc đụng độ giữa 2 cường quốc quân sự khu vực
Theo tờ Times of Israel, rạng sáng 14-4, Iran đã huy động hơn 100 máy bay không người lái (UAV) và hàng chục tên lửa nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Israel. Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Daniel Hagari cho biết, hầu hết các tên lửa Iran đã bị đánh chặn bởi hệ thống phòng thủ tầm xa Arrow và rơi bên ngoài lãnh thổ của Israel. Ngoài ra, máy bay chiến đấu của Israel cũng đánh chặn thành công hàng chục tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) của Iran. Trong khi đó, Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran cho biết “căn cứ không quân quan trọng nhất của
Israel ở sa mạc Negev là mục tiêu tấn công thành công của tên lửa Kheibar”, đồng thời xác nhận thêm rằng “hình ảnh và dữ liệu cho thấy căn cứ này đã hứng chịu những đòn tấn công nặng nề”. Giải thích về hành động của Iran, Phái đoàn thường trực của nước này tại Liên hợp quốc (LHQ) tuyên bố hành động quân sự chống lại Israel dựa trên Điều 51 của Hiến chương LHQ để đáp trả vụ tấn công đẫm máu gần đây của Tel Aviv vào cơ sở ngoại giao của Iran ở Thủ đô Damascus, Syria.
Quan hệ giữa Israel và Iran chưa bao giờ bình yên. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Tel Aviv và Tehran chỉ áp dụng nghệ thuật chiến tranh bất đối xứng, hay còn gọi là “chiến tranh ma”. Thông qua các nhóm vũ trang như Hamas ở dải Gaza, Hezbollah ở Liban hay Houthi ở Yemen…, Iran tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm nhằm vào Israel. Ngược lại, Israel thường bí mật tấn công mạng vào các cơ sở hạt nhân, tổ chức ám sát các quan chức quân sự cấp cao cũng như các nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran. Với việc Israel tấn công Văn phòng lãnh sự Đại sứ quán Iran tại Syria và Iran trả đũa nhằm vào lãnh thổ Israel, cuộc đối đầu Iran - Israel đã trở thành cuộc chiến tranh trực tiếp giữa hai bên, chứ không còn là cuộc chiến ủy nhiệm như trước. Đây là điều mà thế giới hết sức lo ngại, bởi không như các cuộc xung đột giữa Israel với các nhóm vụ trang được Iran hậu thuẫn như Hamas, Hezbollah hay Houthi, Iran và Israel được coi là cường quốc quân sự trong khu vực.
Xét về tổng thể, Israel vượt trội hơn hẳn so với Iran về mặt công nghệ. Ngân sách quân sự hiện nay của Israel là 24,4 tỉ USD/năm, lớn gấp 2,5 lần so với 10 tỉ USD của Iran. Điều này cho phép Israel trang bị vũ khí tiên tiến hơn. Kho vũ khí của Israel bao gồm 612 máy bay, nhiều hơn so với 551 của Iran. Israel có 146 trực thăng, nhiều hơn so với 129 trực thăng của Iran. Đó là chưa kể Israel được coi là đã sở hữu vũ khí hạt nhân, dù nước này chưa bao giờ tuyên bố công khai. Tuy nhiên, Iran lại có ưu thế hơn về mặt nhân lực. Quân số tại ngũ của Iran hiện là 610 nghìn, so với Israel là gần 200 nghìn. Nếu tính cả lực lượng bán quân sự và lực lượng dự bị, phía Iran có 1 triệu người, trong khi Israel có 642 nghìn người. Đặc biệt, theo trang mạng quân sự Nga, Iran hiện sở hữu kho tên lửa lớn nhất và đa dạng nhất ở Trung Đông. Còn tướng Kenneth
McKenzie, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ đánh giá tính đến năm 2022, Iran sở hữu hơn 3.000 tên lửa đạn đạo. Con số này không bao gồm kho vũ khí tên lửa hành trình phóng từ mặt đất ngày càng tăng của nước này. Iran cũng được cho là đủ năng lực về công nghệ để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Bước đi khẩn cấp hối thúc các bên kiềm chế
Chính vì thế, nếu không ngăn được sự leo thang của tình hình, không ngăn chặn được hai bên tiếp tục trả đũa nhau, Trung Đông sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến tranh tổng lực quy mô lớn. Theo Kênh truyền hình Channel 12 của Israel, Nội các chiến tranh của nước này đã được Nội các an ninh trao quyền quyết định các hành động phản ứng đối với cuộc tấn công của Iran. Điều này đồng nghĩa với việc Nội các chiến tranh bao gồm 3 thành viên là Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và cựu Tổng Tư lệnh Quân đội Benny Gantz sẽ không cần hỏi ý kiến Nội các an ninh trước khi đưa ra các hành động đáp trả nhằm vào Iran.
Trước những diễn biến leo thang nguy hiểm ở Trung Đông, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi các bên “lập tức chấm dứt hành động thù địch”, kiềm chế tối đa để tránh hành động dẫn đến đối đầu quân sự quy mô lớn trên nhiều mặt trận ở Trung Đông. Ông tái khẳng định khu vực và thế giới sẽ không thể chịu thêm bất kỳ cuộc chiến nào nữa. Các nước trong khu vực cũng bày tỏ lo ngại trước nguy cơ xung đột Iran - Israel leo thang thành cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông. Bộ Ngoại giao Ai Cập phát thông cáo kêu gọi các bên “kiềm chế hết mức để khu vực và người dân các nước trong khu vực không phải chịu đựng thêm bất ổn và căng thẳng”. Italia, nước tiếp giáp Địa Trung Hải và thường chịu tác động từ căng thẳng địa chính trị và làn sóng tị nạn do xung đột ở Trung Đông, tỏ ý lo ngại về diễn biến lần này. Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani cho biết đang theo dõi sát sao cuộc xung đột “với sự chú tâm và lo lắng”. Chính phủ Italia tuyên bố sẵn sàng “đối phó mọi kịch bản”.
Đáng tiếc là phản ứng của các nước lớn là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ lại thiếu thống nhất. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Adrienne Watson nhắc lại sự ủng hộ của Tổng thống Joe Biden đối với an ninh của Israel. Bà này khẳng định Washington hỗ trợ đồng minh Israel trước những mối đe dọa từ Iran và cho biết, ông Biden được cập nhật thường xuyên về tình hình chiến sự. Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne cho rằng “Iran đang liều lĩnh trong hành động leo thang quân sự”. Ông đồng thời nhắc lại cam kết của Pháp đối với an ninh của Israel. Trong khi đó, Nga đã nhắc lại vụ tấn công được cho là do Israel thực hiện nhằm vào cơ quan đại diện ngoại giao của Iran tại Syria và đưa ra Hội đồng Bảo an LHQ dự thảo thông cáo tương ứng với tuyên bố dành cho báo chí.
Diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Israel. Phái đoàn thường trực Iran tại LHQ đã thông báo cuộc tấn công nhằm vào Israel “có thể được coi là đã kết thúc”. Tuy nhiên, Iran để ngỏ các phản ứng nghiêm khắc hơn nhiều nếu chính quyền Israel phạm một sai lầm khác. Iran đã yêu cầu Mỹ nên đứng ngoài cuộc xung đột này. Bộ Quốc phòng Iran cũng đề nghị các nước không mở không phận để cho phép Israel tấn công vào lãnh thổ nước này, nếu không “sẽ nhận được đáp trả mạnh mẽ”. Iraq cũng đã đóng cửa không phận và ngừng mọi hoạt động bay nội địa. Jordan, quốc gia nằm giữa Iraq và Israel trước đó cũng đóng cửa không phận. Hơn lúc nào hết, LHQ và cộng đồng quốc tế cần nỗ lực đoàn kết, có các bước đi khẩn cấp để hối thúc các bên liên quan kiềm chế, tiến hành hòa đàm và giữ “cái đầu lạnh” trong mỗi lựa chọn để hạn chế tối đa những quyết định sai lầm, đẩy Trung Đông vào một vòng xoáy bạo lực nguy hiểm mới, gây tổn hại tới dân thường, tàn phá khu vực và đe dọa hòa bình, an ninh thế giới.