- Dồn dập nỗ lực ngoại giao “tháo ngòi nổ” ở Trung Đông
- Mỹ điều lực lượng hùng hậu gồm tàu sân bay, tàu chiến và chiến đấu cơ đến Trung Đông
Tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian trao đổi với Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu khi ông này đến Tehran ngày 5-8 |
Dồn dập các nỗ lực ngoại giao
Khi “điểm nóng” Trung Đông từng ngày từng giờ tăng nhiệt với nguy cơ xảy ra một cuộc chiến quy mô lớn với hậu quả chưa thể lường hết với không chỉ khu vực địa chính trị quan trọng toàn cầu này mà còn cả thế giới, cộng đồng quốc tế, trước hết là các quốc gia khu vực đang chạy đua tối đa cho các nỗ lực ngoại giao để “hạ nhiệt” căng thẳng. Theo giới quan sát, khu vực Trung Đông “rốn dầu” của thế giới đang trên bờ vực của một cuộc xung đột toàn diện sau vụ ám sát ông Ismail Haniyeh ngay tại Thủ đô Tehran của Iran vào đêm 31-7 vừa qua khi thủ lĩnh chính trị của Phong trào Hồi giáo Hamas đang là khách mời của Chính phủ Iran.
Trong động thái đáng chú ý, Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đã đề nghị lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei “phản ứng kiềm chế” sau vụ thủ lĩnh chính trị của Hamas bị ám sát ở Thủ đô Tehran. Các nguồn tin cấp cao Iran cho biết, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu đã chuyển thông điệp của Tổng thống Vladimir Putin đến giới chức cấp cao Iran nhân chuyến thăm của ông đến Tehran ngày 5-8.
Hãng thông tấn nhà nước RIA chỉ đưa tin ông Sergei Shoigu đã thảo luận về vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas, song không cho biết thêm chi tiết nội dung các cuộc gặp gỡ giới các nhà lãnh đạo Iran trong chuyến thăm Tehran. Tuy nhiên, giới thạo tin cho biết, chuyến thăm của ông Sergei Shoigu là một trong nhiều con đường mà Matxcơva đã sử dụng để truyền đạt tới Iran thông điệp về sự cần thiết phải kiềm chế để tránh xung đột lan rộng ở Trung Đông. Nga là một đối tác quan trọng, rất có ảnh hưởng với Tehran nên thông điệp của Tổng thống Vladimir Putin được Thư ký Hội đồng An ninh Nga đích thân truyền tải chắc chắn sẽ được lãnh đạo Iran quan tâm.
Cùng với đó, trong cuộc gặp Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tại Cairo, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy các nỗ lực chung nhằm thực thi lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và tạo cơ hội cho các giải pháp chính trị và ngoại giao, đồng thời khẳng định điều này sẽ giúp xoa dịu căng thẳng ngày càng leo thang ở Trung Đông. Tổng thống Ai Cập nhấn mạnh, Trung Đông đang ở thời điểm nguy hiểm và tình hình hiện nay đòi hỏi mức độ kiềm chế cao nhất từ tất cả các bên. Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi nêu rõ, Ai Cập đã nhiều lần cảnh báo về các nguy cơ leo thang nguy hiểm, đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế.
Là đồng minh thân cận nhất, đồng thời quan trọng nhất của Israel, Mỹ cũng đang tìm mọi cách để ngăn xung đột Trung Đông leo thang. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết nước này đang nỗ lực ngăn chặn tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông, đồng thời hối thúc Israel và Hamas “phá vỡ vòng luẩn quẩn” bạo lực thông qua lệnh ngừng bắn. Nhấn mạnh Trung Đông đang ở “thời khắc quan trọng” do lo ngại Iran đang chuẩn bị một cuộc tấn công nhằm vào Israel, Ngoại trưởng Antony Blinken nêu rõ, Washington đã tích cực “tham gia các hoạt động ngoại giao mạnh mẽ” với thông điệp kêu gọi tất cả các bên phải kiềm chế và thực hiện các biện pháp để xoa dịu căng thẳng. Ngoại trưởng Mỹ khuyến cáo căng thẳng leo thang không có lợi cho bất kỳ bên nào mà chỉ dẫn đến “nhiều xung đột, bạo lực và bất ổn hơn”.
Điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ, người đồng cấp Ai Cập Badr Abdelatty nhấn mạnh rằng, tất cả các bên cần kiềm chế và tránh đẩy khu vực rơi vào nguy cơ bất ổn, đe dọa đến lợi ích của người dân. Ông đồng thời kêu gọi Ngoại trưởng Antony Blinken gây sức ép buộc Israel ngừng thực hiện “chính sách bên miệng hố chiến tranh” và thể hiện thiện chí trong việc tham gia cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza.
Có ngăn được xung đột quy mô lớn bùng phát?
Những nỗ lực ngoại giao dồn dập diễn ra khi Trung Đông, theo giới quan sát, đang tiến rất gần với bờ vực của một xung đột toàn diện. Bất chấp những nỗ lực của quốc tế và khu vực nhằm thuyết phục Iran trả đũa một cách có chừng mực hoặc không trả đũa, Tehran đã nói với các quan chức nước ngoài rằng họ sẽ đáp trả “khốc liệt” vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas khi ông này đang là khách mời của Chính phủ Iran.
Trong khi đó, tại Lebanon, một nguồn tin thân cận với Hezbollah - lực lượng được Iran hậu thuẫn - cho biết, “một cuộc tấn công trả đũa của Iran là không thể tránh khỏi và ngoại giao không còn khả quan”. Nguồn tin cũng khẳng định Iran muốn cuộc tấn công đó “cứng rắn” nhưng không mong kéo theo xung đột toàn khu vực. Tuy nhiên, nguồn tin cho rằng, điều này không loại trừ khả năng xảy ra xung đột ở Lebanon giữa lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn và Israel.
Những dấu hiệu kể từ sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas, nhất là sau khi lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã ra lệnh “tấn công trực tiếp vào Israel”. Báo cáo từ Trung tâm Giáo dục Nghiên cứu Alma cho rằng, Iran chuẩn bị tấn công từ căn cứ ngầm và bệ phóng di động.
Nguồn tin từ giới chức Mỹ được tờ The Wall Street Journal (Nhật báo phố Wall) dân cho biết, những ngày gần đây, Mỹ đã chứng kiến sự di chuyển của các bệ phóng tên lửa ở Iran, một dấu hiệu cho thấy Tehran đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công tiềm tàng. Theo các tuyên bố của Iran những ngày qua, dường như một cuộc tấn công của Iran nhằm đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas nhiều khả năng sẽ có quy mô lớn và đáng kể, lớn hơn cuộc tấn công ngày 14-4-2024.
Báo cáo của Trung tâm Giáo dục Nghiên cứu Alma dự báo, cuộc tấn công tiềm tàng của Iran vào Israel có sự tham gia của cả Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và quân đội Iran. Đó có thể là một vụ phóng kết hợp tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, cùng với máy bay không người lái từ nhiều địa điểm ở phía Tây Iran.
Trung tâm Alma cũng đã liệt kê 12 địa điểm phóng có thể được IRGC và quân đội Iran sử dụng trong trường hợp tấn công, bao gồm Tabriz, Kermanshah, Khorramabad và Dezful. Hầu hết các vụ phóng sẽ được thực hiện từ các khu vực mở gần các căn cứ ngầm bằng bệ phóng di động. Việc sử dụng bệ phóng di động từ các địa điểm ngầm giúp có tầm bắn linh hoạt hơn và lớn hơn. Tuy nhiên, số lượng ống phóng hiện có tại mỗi căn cứ ngầm của Iran tương đối hạn chế và có thể hạn chế tốc độ bắn và phạm vi phóng.
Về phía Iran, có thông tin cho biết, Cơ quan an ninh Shin Bet của Israel đã chuẩn bị một boongke ngầm dưới đất ở Jerusalem nhằm ứng phó với trường hợp xảy ra tấn công toàn diện. Boongke chỉ huy và kiểm soát mới được chuẩn bị này, theo tiết lộ từ báo chí Irael, là “dành cho việc tiến hành chiến tranh của giới lãnh đạo chính trị - an ninh Israel”. Đồng thời, cơ sở ngầm này còn “được kết nối với hầm” bên dưới căn cứ quân sự Kirya ở Tel Aviv và với “tất cả các boongke khác” trải rộng trên khắp Israel.
Các chỉ huy quân sự cấp cao của Israel từng sử dụng các boongke ngầm trước đây. Chiến dịch không kích của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở dải Gaza vào năm 2021 được chỉ đạo từ khu phức hợp dưới căn cứ Kirya, một hầm ngầm chống vũ khí hạt nhân được mệnh danh là “pháo đài Zion”.
Sau khi Nội các an ninh Israel thông qua các kế hoạch hành động trong trường hợp Iran tấn công, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã yêu cầu quân đội phải “sẵn sàng cho mọi tình huống, kể cả việc chuyển sang thế tấn công nhanh chóng”. Có thông tin, Israel không loại trừ khả năng tấn công phủ đầu vào cả Iran và Lebanon nếu biết chính xác việc Tehran và Hezbollah sẽ tấn công vào lãnh thổ quốc gia Do Thái này. Các nỗ lực ngoại giao liệu có ngăn được “thùng thuốc súng” Trung Đông phát nổ? Có lẽ khó ai đưa ra câu trả lời chính xác vào lúc này.