Báo chí Nga mới đây đã nhắc lại vụ đụng độ trên bầu trời biển Baltic giữa tiêm kích Su-30SM của họ với F-35A thuộc Không quân Italia hồi tháng 6/2021, sự kiện được cho là khiến viên phi công F-35 Italia gặp "sang chấn tâm lý".
Cụ thể trong cuộc tuần tra trên không phận Baltic, F-35A Italia đã bị một tiêm kích Su-30SM Nga ngăn chặn. Viên phi công F-35 có biệt danh "Falco" nói với báo chí rằng đồng nghiệp người Nga đã "hành xử hung hăng" và "gây nguy hiểm".
“Anh ta (phi công Nga) gần như xuất hiện từ hư không. Tôi rất bối rối, không ngờ lại có thể nhìn thấy anh ấy gần như vậy. Thật kỳ lạ khi các cảm biến cảnh báo được kích hoạt quá muộn và không hoạt động liên tục”.
Điều này khiến cho sự xuất hiện của tiêm kích Su-30SM càng trở nên bất ngờ hơn.
Theo phi công người Italia, cả hai tiêm kích đều ở trong không phận quốc tế và giữ cự ly an toàn với nhau. Khi mọi thứ dường như trong tầm kiểm soát, chiến đấu cơ Nga biến mất khỏi tầm mắt và sau đó lại xuất hiện ngay trước mặt chiếc F-35.
Theo phi công F-35, trên thực tế, tiêm kích Nga đã thực hiện những động tác cực kỳ nguy hiểm, có vẻ muốn kéo chiếc Lightning II vào cận chiến, mặc dù rõ ràng không thể.
“Anh ta đột ngột xuất hiện trước mặt, từ sự ngạc nhiên, tôi chỉ biết 'đứng hình' vì cảm giác sợ hãi. Tôi không ngờ phi công người Nga lại cơ động một cách nguy hiểm như vậy”, phi công Italia chia sẻ trải nghiệm của mình.
“Tôi đã ở giới hạn của mình. Nỗi sợ hãi bao trùm bản thân đến nỗi nó thậm chí còn chạm tới đầu ngón chân. Tôi hiểu rằng phi công Nga đang kiểm tra khả năng của tôi cũng như máy bay trong tình huống cận chiến".
"Khi nghĩ đến điều này, nước mắt bất giác trào ra. Tôi nhớ đến vợ sắp cưới và anh trai, người đã cùng tôi đi công tác cách đây một tháng”, phi công người Italia với biệt danh "Falco" cho biết.
Theo truyền thông Nga, viên phi công Italia đã phải đi gặp bác sĩ tâm lý và ít lâu sau quyết định xin thôi việc, rời khỏi lực lượng tác chiến với nguyên nhân là do “tâm lý phù không hợp”.
Vụ việc trên được báo chí Nga khơi lại đúng thời điểm quan hệ với NATO trở nên căng thẳng liên quan tới tình hình Ukraine như một cách thể hiện ưu thế về công nghệ quân sự cũng như tinh thần chiến đấu của các quân nhân, tuy nhiên nó cũng để lại không ít nghi ngờ.
Ngay lúc này, nhiều chuyên gia quân sự quốc tế đã nhắc lại sự việc tương tự, đó là cuộc đụng độ giữa máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 của Nga với khu trục hạm Donald Cook của Mỹ trong vùng nước của Biển Đen.
Phía Nga khẳng định Su-24 đã chế áp hoàn toàn hệ thống radar của tàu chiến Mỹ, khiến các thủy thủ bị một phen "hoảng hồn" khi nhìn thấy máy bay Nga lượn ngay trên đầu mình, sau sự việc trên, nhiều người đã nộp đơn xin giải ngũ.
Nhưng sau đó chính các nhà phân tích quân sự Nga thừa nhận không thể có chuyện Su-24 chế áp được hệ thống radar công suất cực lớn của chiến hạm Mỹ, do vậy việc thủy thủ Mỹ xin thôi việc do quá bất ngờ và sợ hãi cũng chỉ là điều "viễn tưởng".
Do vậy, không loại trừ khả năng báo chí Nga đã thêm thắt vào câu chuyện xảy ra trên bầu trời biển Baltic cách đây gần nửa năm nhằm phục vụ cho những toán tính của riêng mình.